Các quốc gia đẩy mạnh hoạt động phòng, chống rửa tiền

09:00 | 10/12/2019

Tội phạm rửa tiền là loại tội phạm nguy hiểm với nhiều thủ đoạn tinh vi và hình thức phức tạp, gây ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế của các quốc gia. Các quốc gia trên thế giới đang xử lý vấn đề này như thế nào?
Nguy cơ rửa tiền: ngân hàng ở mức cao, chứng khoán chỉ trung bình

Nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng và bất động sản tại Việt Nam được đánh giá ở mức cao, trong khi lĩnh ...

Nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản ở mức cao

Các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam đã đưa ra danh sách 17 loại tội phạm chính của tội rửa tiền vào ...

Đề xuất mới về phòng, chống rửa tiền

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 35/2013/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số ...

Hàn Quốc

Hàn Quốc là một trong những quốc gia tiên phong triển khai giải pháp phòng, chống rửa tiền (PCRT). Chính phủ Hàn Quốc nhận thức rất sớm những nguy hại từ hoạt động rửa tiền gây ra. Hàn Quốc gia nhập Tổ chức quốc tế về PCRT và tài trợ khủng bố (Egmont Group) từ năm 2002 và trở thành thành viên chính thức của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) năm 2009. Trước đó, Hàn Quốc đã thành lập Đơn vị tình báo tài chính Hàn Quốc (KoFIU), một trong những nhiệm vụ chính của cơ quan này là theo dõi, phát hiện các hoạt động rửa tiền liên quan đến lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Năm 2001, Hàn Quốc ban hành Luật Báo cáo giao dịch tài chính đối với các giao dịch đáng ngờ (FTRA), được sửa đổi vào năm 2005 theo hướng giám sát tất cả các giao dịch tiền mặt giá trị lớn.

Năm 2013, Chính phủ nước này ban hành các quy định theo hướng tăng cường xử phạt vi phạm về nghĩa vụ báo cáo đối với các tổ chức tín dụng (TCTD). Đồng thời, yêu cầu các TCTD phải cung cấp bằng chứng của việc thực hiện nghĩa vụ xác nhận khách hàng, thực hiện xác nhận khách hàng phân biệt theo loại hình giao dịch và loại hình khách hàng; Phạm vi báo cáo được mở rộng đối với các loại hình giao dịch và các hành vi liên quan đến rửa tiền... Gần đây, trước xu thế tiền kỹ thuật số, sử dụng tiền ảo ngày càng phổ biến, ước tính khoảng 1 triệu người dân nước này sử dụng bitcoin, các cơ quan quản lý tài chính Hàn Quốc tiếp tục đưa ra nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn việc lợi dụng tiền kỹ thuật số như một công cụ rửa tiền…

Nhật Bản

Các quốc gia đẩy mạnh hoạt động phòng, chống rửa tiền

Nhật Bản là quốc gia có những bước hoàn thiện Hệ thống phòng chóng rửa tiền từ rất sớm.

Là một quốc gia có hệ thống ngân hàng phát triển hàng đầu thế giới, nên Nhật Bản đã có những bước hoàn thiện Hệ thống PCRT từ rất sớm. Năm 1992, Chính phủ Nhật Bản han hành Luật PCRT và Luật này được sửa đổi nhiều lần để phù hợp với thực tế. Nhờ vậy, các biện pháp PCRT ở Nhật Bản đã tiến triển từng giai đoạn, phù hợp bước đi của cộng đồng quốc tế. Chẳng hạn, trong lĩnh vực tài chính, đối với khách hàng, tổ chức tài chính phải xác minh danh tính, nhân thân khách hàng ở thời điểm giao dịch, mục đích giao dịch, xác minh tài sản và thu nhập của khách hàng đối với giao dịch trên 2 triệu Yên, lập và lưu trữ hồ sơ giao dịch của khách hàng. Các cơ quan hành chính có thẩm quyền, tổ chức tài chính đều phải báo cáo những giao dịch đáng ngờ. Hiện nay, các TCTD Nhật Bản có xu hướng triển khai hệ thống chống rửa tiền theo thứ tự các bước gồm: Lọc danh sách theo dõi; Hệ thống giám sát giao dịch; Chấm điểm rủi ro... Nhật Bản hiện cũng là nước dẫn đầu toàn cầu về chống rửa tiền tại các sàn giao dịch tiền điện tử và đang nỗ lực thúc đẩy việc áp dụng các quy tắc ràng buộc mới vào năm 2019.

Anh

Nhận thức được vai trò quan trọng của việc PCRT, nên cuối những năm 1990, Anh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn cho hệ thống ngân hàng về PCRT. Các quy định PCRT tại Anh có một số điểm đáng chú ý như: Các TCTD đều phải lưu giữ tất cả chứng từ giao dịch, thời gian lưu giữ tối thiểu là 6 năm để phục vụ công tác điều tra khi các đối tượng bị phát hiện có dấu hiệu nghi vấn rửa tiền. Tất cả các tổ chức, cá nhân không tuân theo những hướng dẫn của luật và quy định về PCRT sẽ dẫn tới những trách nhiệm pháp lý. Các nhân viên của các định chế tài chính phải có nghĩa vụ hợp tác toàn diện với các cơ quan pháp luật và phải có nghĩa vụ thông báo trước cho các cơ quan có thẩm quyền tất cả các giao dịch đáng ngờ. Nếu nhân viên vi phạm những quy định về bảo mật của khách hàng thì phải chịu trách nhiệm pháp lý dân sự theo quy định của luật pháp...

Mỹ

Mỹ cũng là quốc gia tiên phong trong việc đưa ra các quy định và hành động cứng rắn đối với các hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố. Theo Luật PCRT ở Mỹ, các tổ chức tài chính báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền và phải lưu giữ tất cả các chứng từ liên quan đến giao dịch trên 10.000 USD. Sau này luật được sửa đổi, cho phép các cơ quan chức năng có thể hạ thấp mức chuẩn 10.000 USD trong các điều tra nếu thấy cần thiết. Luật PCRT tại Mỹ quy định cụ thể nghĩa vụ của các cá nhân và tổ chức, trường hợp cá nhân hoặc tổ chức khi phát hiện các đối tượng tham gia vào bất kỳ hoạt động rửa tiền nào phải báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền. Đây là một trong những căn cứ để tịch thu, sung công quỹ tiền và tài sản có liên quan đến hoạt động rửa tiền của các đối tượng phạm tội. Trường hợp các cá nhân không tuân thủ những quy tắc và luật lệ liên quan đến hoạt động PCRT thì có thể xử lý về mặt dân sự, hoặc hình sự, tùy vào mức độ vi phạm nặng hay nhẹ làm căn cứ xử lý. Đối tượng vi phạm sẽ bị phạt nặng, với số tiền phạt có thể lên đến 250.000 USD và phạt đến 5 năm tù giam…

Thái Hà

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/cac-quoc-gia-day-manh-hoat-dong-phong-chong-rua-tien-95532.html

In bài viết