Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường: Cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người

17:00 | 04/11/2019

Phát biểu trước Quốc hội sáng 4/11, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Mạnh Cường đề nghị Chính phủ đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế, đặc biệt là với các tổ chức quốc tế, cảnh sát các nước, với các nước láng giềng trong khu vực; tăng cường hoạt động tương trợ tư pháp để phối hợp ngăn chặn hiệu quả tội phạm mua, bán người
dai bieu nguyen manh cuong can day manh hop tac quoc te trong phong chong mua ban nguoi
Đại biểu tỉnh Quảng Bình Nguyễn Mạnh Cường phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh: “Có thể nói cả thế giới bàng hoàng trước vụ việc 39 người bị chết trong một chiếc container ở Anh và chúng ta lại càng đau xót hơn khi biết tin trong số nạn nhân có công dân Việt Nam và cũng có thể tất cả các nạn nhân là công dân Việt Nam”.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường gửi lời chia buồn sâu sắc tới các gia đình nạn nhân và bày tỏ sự căm phẫn đối với những kẻ phạm tội mua bán người, tổ chức môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.

Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, nạn buôn người hay đưa lậu người qua biên giới các nước là vấn nạn của thế giới và là vấn đề không dễ giải quyết. Trong sự việc này, các cơ quan hữu quan của Việt Nam đã kịp thời có những hành động khởi tố, điều tra vụ án hình sự, phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại xử lý các công việc có liên quan; động viên, chia sẻ với gia đình các nạn nhân. “Chúng tôi mong muốn và tin tưởng rằng những kẻ phạm tội sẽ bị phát hiện, trừng trị kịp thời, gia đình các nạn nhân sẽ sớm được trợ giúp, giúp đỡ để vượt qua đau thương này”, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường nói.

Đại biểu tỉnh Quảng Bình cho rằng, những việc làm trên là cần thiết nhưng chưa đủ, cần có sự nhìn nhận, đánh giá tình hình một cách nghiêm túc và rút ra những bài học để những thảm kịch đau lòng tương tự không tái diễn. Vụ việc nêu trên xảy ra có nguyên nhân chủ yếu từ hành vi tổ chức, lôi kéo, dụ dỗ của những kẻ phạm tội, từ nhận thức không đúng đắn của các nạn nhân nhưng không thể không nói đến nguyên nhân từ những hạn chế trong thực hiện vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường nói: “Vụ việc này gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý nhà nước. Chúng ta trong một số trường hợp còn chưa theo kịp, đi sau thực tiễn và chỉ khi tiêu cực xảy ra thì chúng ta mới bắt đầu tập trung, quan tâm hơn tới việc rà soát, kiểm tra, thanh tra, điều tra, chấn chỉnh tình hình”.

Thực trạng người Việt Nam đi lao động chui tại nước ngoài không phải là vấn đề mới. Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho biết: “Mỗi năm chúng ta đưa khoảng hơn 100.000 người đi lao động ở nước ngoài theo con đường chính thức. Số liệu 9 tháng đầu năm 2019 là hơn 104.000 người đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên số người lao động Việt Nam làm việc thực tế ở nước ngoài lớn hơn nhiều”.

"Ở một số địa phương, có nhiều xã đã có tới 1.000 người lao động nước ngoài, có nghĩa là rất nhiều người đi lao động nước ngoài chui theo các con đường khác nhau từ chỗ tự nguyện đi xuất khẩu lao động chui nhưng với nỗi sợ hãi của người nhập cư trái phép luôn phải trốn tránh pháp luật, người xuất khẩu lao động chui đã bị lợi dụng ép buộc bóc lột, phải làm việc trong những điều kiện tồi tệ hoặc bắt buộc phải làm công việc phi pháp và trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người"- đại biểu Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ.

Cũng theo vị đại biểu này, đây là loại hình tội phạm phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng khó phát hiện, hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia, có sự câu kết chặt chẽ giữa người mua, người bán môi giới dẫn dắt. Đối tượng phạm tội chính của tội phạm này thường là người nước ngoài hoặc sinh sống ở nước ngoài. Các đối tượng thường lợi dụng những gia đình có hoàn cảnh khó khăn để lôi kéo dụ dỗ. Bên cạnh đó, chúng cũng sử dụng công nghệ thông tin, trang mạng xã hội để tìm kiếm nạn nhân môi giới qua nhiều khâu trung gian khác nhau, sử dụng hộ chiếu giấy thông hành để đưa nạn nhân đi sâu vào nội địa các nước láng giềng hoặc đi qua các khu vực biên giới, các đường tiểu ngạch lối mòn, gây khó khăn cho công tác quản lý xuất nhập cảnh.

Thực trạng tội phạm mua bán người, tội phạm tổ chức môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép cho thấy công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về mức độ nguy hiểm của việc tham gia vào những đường dây buôn bán người kết quả còn rất hạn chế. Trách nhiệm này trước hết thuộc về chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, thực trạng này cũng cho thấy việc quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, quản lý an ninh biên giới, quản lý xuất nhập cảnh trên các địa bàn còn bất cập. Việc giải quyết công ăn việc làm để nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, việc tổ chức đưa người đi lao động ở nước ngoài theo con đường chính thức, kết quả cũng còn hạn chế. Đặc biệt, các cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn chưa đấu tranh hiệu quả để kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý các đường dây mua bán, dụ dỗ, lôi kéo, tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề nghị Chính phủ, các cơ quan tư pháp trung ương làm rõ hơn về trách nhiệm quản lý nhà nước trong vụ việc và rút ra các bài học kinh nghiệm từ vụ việc này để kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong quản lý nhà nước.

“Chính phủ chỉ đạo các cấp chính quyền quan tâm lãnh đạo, tổ chức tốt công tác phòng, chống mua bán người bằng nhiều biện pháp đồng bộ về kinh tế, hành chính, pháp luật. Lồng ghép công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người với chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là ở các địa bàn khó khăn, khu vực nông thôn”, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề nghị.

Trong phòng, chống mua bán người; phòng, chống tội phạm có tổ chức, môi giới đưa người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, cần quán triệt phương châm phòng ngừa là chính. Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về thủ đoạn, hoạt động và mối nguy hiểm của các loại tội phạm này. Chủ động tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, nâng cao chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm xử lý nghiêm minh, kịp thời tội phạm mua bán người, tội phạm tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Chú trọng thực hiện tốt công tác tiếp nhận, hỗ trợ, tạo điều kiện đưa nạn nhân trở về với gia đình, cộng đồng và ổn định cuộc sống.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh, cần đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế, đặc biệt là với các tổ chức quốc tế, cảnh sát các nước, với các nước láng giềng trong khu vực. Tăng cường hoạt động tương trợ tư pháp để phối hợp ngăn chặn hiệu quả tội phạm này. Bảo đảm nguồn kinh phí cho công tác phòng, chống tội phạm, giúp đỡ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, tạo việc làm để ổn định cuộc sống. Bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong công tác phòng, chống mua bán người.

An Nhi

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/dai-bieu-nguyen-manh-cuong-can-day-manh-hop-tac-quoc-te-trong-phong-chong-mua-ban-nguoi-95531.html

In bài viết