Quảng Ngãi:

Tàu cá tiền tỉ đắp chiếu và "nghề" trông tàu không công ở cảng Tịnh Hòa

09:51 | 21/10/2019

Khi các chủ tàu làm ăn không hiệu quả, họ tìm công việc khác để mưu sinh thì những tàu cá này bị bỏ lại đây.

Video: Cà phê đường tàu vắng hoe, khách và chủ ngẩn ngơ tiếc nuối Đóng cửa cà phê đường tàu từ sáng nay (10/10) Hà Nội chỉ đạo dẹp sạch cà phê đường tàu trước ngày 12/10
tau ca tien ti dap chieu va nghe trong tau khong cong o cang tinh hoa
Tàu bỏ không mấy năm trời nên thiết bị đã hư hỏng nhiều

Nhiều năm qua, nghề trông giữ tàu thuyền đã giúp cho nhiều người dân ở vùng biển Tịnh Hòa (TP Quảng Ngãi, tĩnh Quảng Ngãi) có thêm một nguồn thu nhập đáng kể. Thế nhưng khi các chủ tàu làm ăn không hiệu quả rồi tìm công việc khác để mưu sinh thì nghề này càng trở càng dần bèo bọt. Nhiều con tàu trị giá tiền tỉ gửi lại nơi đây rồi chủ bỏ đi biệt tích nhiềm năm khiến những người làm nghề này loay hoay không biết phải xử lý ra sao.

Dù đang trong mùa khai thác nhưng cảng cá Tịnh Hòa lại rất trầm lắng, có chăng cũng chỉ bắt gặp được vài người ngư dân đang gia cố lại tàu thuyền của mình sau một thời gian dài nằm bờ. Những hoạt động ít ỏi đó không thể phá đi được không gian yên ắng tại đây.

Những người dân trông tàu cá ở đây cho biết cảng cá này có hàng chục chiếc tàu bị bỏ hoang. Khi các chủ tàu làm ăn không hiệu quả rồi tìm công việc khác để mưu sinh thì nhiều con tàu trị giá tiền tỉ gửi lại nơi đây rồi chủ bỏ đi biệt tích.

Những người dân sống xung quanh cảng cho biết, lý do các chủ dừng hoạt động có 2 nguyên nhân chủ yếu là khó khăn trong việc tìm bạn thuyền và khai thác, đánh bắt không hiệu quả. Nhiều chuyến ra khơi dài ngày thua lỗ nên muốn đợi sau một thời gian khi điều kiện thuận lợi, ngư trường nhiều tôm cá hơn sẽ ra khơi. Nhung rồi đợi mãi vài tháng, thậm chí vài năm không thấy quay trở lại theo nghề nữa.

Dĩ nhiên, trước khi ra đi, chủ tàu không thể phó mặc tài sản của mình mà phải bỏ ra một khoản chi phí để thuê người trông giữ. Và rồi, tại Tịnh Hòa bắt đầu hình thành một nghề mới là nghề trông giữ tàu thuyền thuê. Cũng không thể nhớ được nghề này bắt đầu có từ khi nào nhưng đã có một thời gian khi cái nghề đặc biệt này đã rất thịnh vượng. Tàu cá tấp nập ra vào cảng neo đậu, tạo công ăn việc làm, thu nhập tương đối cho hàng chục người dân tại vùng biển Tịnh Hòa.

Ông Phạm Ngọc Anh (69 tuổi, trú thôn Đông Hòa, xã Tịnh Hòa), người làm nghề coi giữ tàu cá nhiều năm ở cảng cá này cho biết, lý do các chủ tàu bỏ lại đây chủ yếu là khó khăn trong việc tìm bạn thuyền và khai thác, đánh bắt không hiệu quả. Nhiều chuyến ra khơi dài ngày thua lỗ nên muốn đợi sau một thời gian khi điều kiện thuận lợi, ngư trường nhiều tôm cá hơn sẽ ra khơi. Nhung rồi sau một thời gian họ tìm được việc khác với thu nhập ổn định hơn nên không quay trở lại theo nghề nữa. "Không chỉ tàu thuyền đến neo đậu ít đi, thu nhập giảm bớt mà có nhiều chiếc giữ 2 đến 3 năm không công. Thậm chí những người trông giữ tàu thuyền như chúng tôi còn phải tự bỏ tiền ra để bảo vệ tàu cho họ nữa. Không ít người chán ngán muốn nghỉ làm nhưng còn tàu thuyền thì còn phải trông. Quen với cái nghiệp này rồi, hơn nữa lớn tuổi như tôi bây giờ cũng không biết làm gì khác. Kiếm được đồng nào hay đồng đó thôi”, ông Anh trầm ngâm.

tau ca tien ti dap chieu va nghe trong tau khong cong o cang tinh hoa
Những con tàu công suất lớn trị giá hàng tỉ đồng bị chủ tàu bỏ lại cảng neo đậu

Tại xã Tịnh Hòa này hiện đang có khoảng 7 nhóm, mỗi nhóm từ 5 đến 7 người trông giữ đến 40, 50 chiếc tàu thuyền. Trung bình 1 chiếc được trông coi 1 ngày đêm chủ tàu sẽ trả chi phí khoảng 30 – 50 ngàn đồng tùy vào tàu lớn hay tàu nhỏ.

Với những người trông giữ tàu như ông Anh, để tàu không bị chìm, hư hỏng sau một thời gian dài nằm bờ, ông Anh cũng với những người trong nhóm phải tự bỏ tiền túi ra để hút nước, bảo dưỡng, che chắn cho những con tàu như thế. Nhìn tài sản hàng tỉ đồng không được sử dụng ngày một hư hỏng xuống cấp, nhiều người không khỏi xót xa. Tính ra, tại cảng neo đậu này có đến hàng chục chiếc tàu nằm đợi chủ đến để “quyết định số phận”.

tau ca tien ti dap chieu va nghe trong tau khong cong o cang tinh hoa
Người làm nghề trông coi tàu thuyền rơi vào thế khó xử khi phải trông coi và chăm sóc những con tàu không chủ

Trong bến cảng có con tàu có công suất hơn 700CV có giá hàng tỉ đồng làm nghề lặn của một chủ tàu ở Đà Nẵng. Người chủ này đã bỏ lại cảng nhờ nhóm của ông trông giữ suốt 3 năm nay. Thế nhưng đó cũng là khoảng thời gian chủ tàu bỏ đi biệt tích không một lần quay lại. Thời gian đầu, ông cũng chỉ nghĩ rằng họ chỉ đi một thời gian nhưng không ngờ, qua năm này đến năm khác vẫn không thấy tin tức gì.

“Thường thì với những con tàu lớn như thế họ thường thuê chúng tôi trông giữ với giá 50 ngàn đồng/ngày đêm. Dù là tàu lớn hay nhỏ thì chúng tôi thường chờ tới khi chủ tàu đến và ra khơi đánh bắt lần tiếp theo mới lấy tiền chứ không lấy trước. Ai cũng nghĩ là với những con tàu có giá trị lớn như thế thì người chủ làm sao có thể "tham nhỏ bỏ lớn" được. Thế mà không ngờ bây giờ lại thành ra như vậy. Nhiều lần chúng tôi gọi chủ tàu nhưng không thể nào liên lạc được”, ông Anh tâm sự.

Hiện tại ngoài chiếc tàu nói trên thì nhóm của ông còn trông coi thêm 2 chiếc tàu khác làm nghề giã cào trong tình cảnh tương tự. Chủ tàu cũng “bặt vô âm tín” sau khi bỏ lại đây nhiều năm. Và, hầu như tất cả các nhóm người trông coi tàu thuyền ở Tịnh Hòa nhóm nào cũng có ít nhất từ 2 – 3 chiếc tàu bị “bỏ rơi" như vậy. Tính ra, tại cảng neo đậu này có đến hàng chục chiếc tàu nằm đợi chủ đến.

Suốt 3 năm qua nhóm người của ông Anh đành phải chấp nhận trông giữ không công nhưng vì trách nhiệm đã hứa không thể bỏ được.

“Mỗi ngày tôi phải hút nước và làm sạch khoang tàu 6 lần, mỗi lần như vậy mất từ 1-2 tiếng, ngoài việc tốn chi phí điện nước, mua bạt che để tránh cho tàu khỏi hư hỏng, còn phải tốn công sức túc trực trông coi. Tính sơ qua, 3 năm nay, tôi phải bỏ tiền túi ra thay cọ hút nước 5 lần, chi phí hơn 10 triệu đồng, bởi nếu cọ hút nước bị cháy mà mình không thay kịp thời thì tàu sẽ chìm. Tốn kém nhưng đành chịu, chỉ hy vọng chủ tàu quay lại. Khi đó chúng tôi cũng đã làm tròn trách nhiệm trông coi”, ông Anh than thở.

Nhiều chủ tàu cũng muốn rao bán lại cho người khác. Nhiều chủ tàu e ngại việc tiếp tục bỏ ra một số tiền để sang sửa lại nhưng tình cảnh đánh bắt sau đó không khá hơn thì tốn thêm tiền vô ích. Thế nhưng, có nhiều con tàu rao bán nhưng không ai hỏi mua. Cũng có một số người tìm đến nhưng sau một hồi xem qua lại bỏ đi.

Ông Bùi Văn Khôi, Trưởng Ban Quản lý (BQL) Cảng Tịnh Hòa cho biết, “Nhân viên trong BQL cảng hiện nay chỉ có 3 người nên không thể nắm hết được. Hơn nữa các chủ tàu khi vào neo đậu ở đây cũng không báo với BQL nên tình trạng này rất khó để xử lý. Phần lớn các tàu bị chủ bỏ lại nơi đây đều có công suất lớn từ 500 – 700 CV trở lên. Việc này ảnh hưởng đến công tác khai thác công trình cảng đặc biệt là vào mùa đánh bắt hải sản hoặc tàu thuyền vào trú bão không có chỗ neo đậu".

Tàu cá nằm bờ buồn hiu hắt, chủ tàu biệt tích, còn những người trông giữ tàu thì vừa xót xa cho phận tàu bao năm qua nằm im lìm trong bến cảng, vùa cám cảnh cho nghề nghiệp giữ tàu không công của mình chẳng biết đến khi nào chấm dứt.

Minh Ngọc - Trương Sơn

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/tau-ca-tien-ti-dap-chieu-va-nghe-trong-tau-khong-cong-o-cang-tinh-hoa-89987.html

In bài viết