Không thể thu hồi tài sản thuộc sở hữu cá nhân của sư Thích Thanh Toàn?

15:18 | 07/10/2019

Đại đức Thích Tâm Vượng cho biết, với những tài sản mang tên thế danh là quyền của thầy Toàn, Ban Trị sự không được phép thu hồi và quản lý. 

Ngày 5/10, Thường trực Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc (BTS) đã tổ chức họp thường kỳ nhằm giải quyết các vấn đề Phật sự, trong đó, có việc liên quan đến Đại đức Thích Thanh Toàn - trụ trì chùa Nga Hoàng bị tố "gạ tình" phóng viên báo Phụ nữ TP.HCM gây xôn xao dư luận trong suốt nhiều ngày qua.

Trước đó, vào ngày 4/10, sư Thích Thanh Toàn đã có tờ trình xin xả giới, hoàn tục vì tự nhận thấy một số việc làm “ảnh hưởng đến Giáo hội và con cảm thấy không xứng đáng làm đệ tử xuất gia”.

Đại đức Thích Tâm Vượng cho biết, tại cuộc họp, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã xem xét việc thi hành kỷ luật đối với Đại đức Thích Thanh Toàn theo công văn của Trung ương Giáo hội PGVN và thỉnh nguyện xin được giữ lại những tài sản như trang trại, đất đai, xe cộ mang tên chủ sở hữu là thể danh của sư Toàn.

khong the thu hoi tai san thuoc so huu ca nhan cua su thich thanh toan
Phiên họp ngày 5/10 về việc sư Toàn xin xả giới hoàn tục của GHPGVN tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: Tiền Phong)

Không thể thu hồi tài sản thuộc sở hữu cá nhân của sư Thích Thanh Toàn?

Trả lời câu hỏi của PV báo Tiền Phong về việc những bức xúc của dư luận đối với thỉnh nguyện của Đại đức Thích Thanh Toàn xin được giữ lại tài sản thuộc sở hữu cá nhân sau khi xả giới hoàn tục, Đại đức Thích Tâm Vượng khẳng định Ban Trị sự không được phép thu hồi và quản lý tài sản thuộc sở hữu cá nhân của sư Toàn.

“Chúng ta phải hiểu rõ nguồn gốc tài sản. Nếu phật tử cúng pho tượng, quả chuông đó là tài sản tôn giáo rõ ràng. Nhưng ai đó biếu thầy cái xe thầy muốn lưu thông phải đăng ký, muốn đăng ký phải dùng tên chứng minh thư theo thế danh. Cho nên khi xả giới tài sản mang tên thế danh là quyền của thầy, Ban Trị sự không được phép thu hồi và quản lý tài sản đấy. Theo quy định của pháp luật, người ta đứng tên chủ sở hữu thì người ta có quyền với tài sản đấy.”, thầy Thích Tâm Vượng phân tích.

Ngoài ra, Đại đức Thích Tâm Vượng cũng nói thêm: “Trước khi có tờ trình xin sám hối, Đại đức Thích Thanh Toàn có trình bày nguyện vọng, các tài sản mua bán với nhân dân tại chùa Nga Hoàng, cụ thể là đất đai còn chưa rõ ràng và việc chuyển đổi mới chỉ giữa sư Toàn cùng người dân, chưa được cơ quan Nhà nước chấp thuận.

Đồng thời, Sư Toàn nói đây không phải tài sản thuộc về tôn giáo nên xin được giữ lại. Tại cuộc họp, Ban Trị sự cũng nêu rõ, nếu các tài sản này hợp pháp, theo đúng quy định của pháp luật, không thuộc tài sản của Giáo hội thì Ban Trị sự không can thiệp và đó là tài sản cá nhân.

Bởi sau khi hoàn tục, sư Toàn trở thành một cư sĩ, Phật tử nhưng vẫn là một công dân bình thường và được sở hữu các tài sản đó”, báo Trí Thức Trẻ đưa tin.

khong the thu hoi tai san thuoc so huu ca nhan cua su thich thanh toan
Đơn xin xả giới, hoàn tục của sư Toàn. (Ảnh: báo Công lý)

Đồng thời, Đại đức Thích Tâm Vượng cũng cho biết, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục họp để giải quyết các Phật sự liên quan chùa Nga Hoàng và đại đức Thích Thanh Toàn trong thời gian tới, nhưng cơ bản sẽ đồng ý với thỉnh nguyện của sư Toàn, bao gồm cả thỉnh nguyện sở hữu tài sản cá nhân, theo báo Kiến Thức.

Như vậy đồng nghĩa với việc, chỉ đến khi thầy Toàn bàn giao chính thức, có văn bản giấy tờ, có sự chứng kiến của chính quyền thì lúc bấy giờ mọi việc mới giải quyết xong.

Quy trình xả giới của Đại đức Thích Thanh Toàn là "hội nghị nội bộ"

Tại phiên họp diễn ra vào 5/10, Đại đức Thích Thanh Toàn đã sám hối trước mặt các Chư Tăng, đồng thời nhận các khuyết điểm, lỗi lầm, vi phạm nghiêm trọng của mình gây ra, làm ảnh hưởng đến Giáo hội và Tăng đoàn.

khong the thu hoi tai san thuoc so huu ca nhan cua su thich thanh toan
Sư thầy Thích Thanh Toàn tại phiên họp. (Ảnh: Phatgiao.org.vn)

Đại đức Thích Tâm Vượng, Phó Trưởng Ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc thông tin sau cuộc họp: "Trong cuộc họp, Đại đức Thích Thanh Toàn đã thành tâm phát nguyện sám hội Đại tăng và có tờ trình nêu rõ, những việc làm trong thời gian qua đã gây ảnh hưởng đến Giáo hội, không còn xứng đáng làm một đệ tử xuất gia.

Đại đức Toàn đã xin xả giới hoàn tục, giao chùa Nga Hoàng cho Ban Trị sự Phật giáo VN tỉnh Vĩnh Phúc quản lý", theo báo Người Lao Động.

Ngoài ra, về quy trình xả giới, Đại đức Thích Tâm Vượng cũng cho biết đó là hội nghị nội bộ.

Đại đức Thích Thanh Toàn, tên thế danh là Lê Hữu Long, SN 1976 tại Quảng Trị.

Đại đức Thích Thanh Toàn được bổ nhiệm về làm trụ trì chùa Nga Hoàng từ năm 2008.

Trước đó, trong thời gian trụ trì tại chùa Nga Hoàng, đại đức Thích Thanh Toàn đã có nhiều vi phạm về lĩnh vực đất đai, xây dựng trái phép... và bị UBND xã Hợp Châu (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) ban hành 6 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng mức phạt 14 triệu đồng.

Không chỉ thế, Đại đức Thích Thanh Toàn cũng từng bị Ban Trị sự Phật giáo kỷ luật với hình thức cảnh cáo, theo báo Người Lao Động.

Tuy nhiên, vào cuối tháng 9 vừa qua, sau khi báo Phụ nữ TPHCM phản ánh sư Thích Thanh Toàn có hành vi "gạ tình" nữ phóng viên, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc đã họp và quyết định đình chỉ chức trụ trì chùa Nga Hoàng của đại đức Thích Thanh Toàn 3 tháng và yêu cầu phải sám hối Đại Tăng.

Tiếp đó, vào ngày 5/10, sư Toàn đã có tờ trình xin xả giới hoàn tục. Ngoài ra, sư Toàn cũng xin được giữ lại những tài sản như trang trại, đất đai, xe cộ mang tên chủ sở hữu là thế danh của sư Toàn (tức Lê Hữu Long).

Lam Anh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/khong-the-thu-hoi-tai-san-thuoc-so-huu-ca-nhan-cua-su-thich-thanh-toan-89510.html

In bài viết