Giao lưu tọa đàm về tập thơ Xứ của Trần Lê Khánh

16:00 | 25/09/2019

Ngày 25/9, tại Đại học Văn hoá Hà Nội diễn ra giao lưu và toạ đàm với tên gọi Xứ - thơ Trần Lê Khánh.
Bà Trần Hoàng Khánh Vân là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cộng đồng cựu du học sinh quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hoà Lê Thanh Quang xin nghỉ hưu trước tuổi Choáng ngợp với thị trấn giàu có toàn cung điện
xu voi tran le khanh
Nhà thơ Trần Lê Khánh.

Nhà thơ Trần Lê Khánh (48 tuổi), hiện sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trần Lê Khánh sinh ra tại Kim Bôi, Hòa Bình, tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, và có bằng CFA, bằng cấp về phân tích tài chính quốc tế do Viện CFA, Mỹ cấp năm 2004.

Trước kia, nghề nghiệp chính là chuyên gia phân tích đầu tư cho các định chế tài chính trong nước và quốc tế. Trần Lê Khánh vốn chỉ là người yêu văn chương, không tỏ rõ có năng khiếu sáng tác. Kể từ năm 2015 trở đi thì Trần Lê Khánh tập trung vào việc làm thơ và tham gia vào các hoạt động văn chương nghệ thuật.

Trần Lê Khánh chú trọng vào thơ lục bát và thơ ngắn. Tập thơ Lục Bát Múa trọn bộ là 756 cặp thơ lục bát hai câu, mỗi cặp được xem như một bài thơ ngắn và được kết với nhau thành một trường ca.

Về thơ ngắn, tới nay, Trần Lê Khánh đã làm hàng trăm bài thơ ngắn khác nhau và đã được chọn lọc để xuất bản. Các tập thơ đã xuất bản (NXB Hội Nhà văn Việt Nam) bao gồm Lục Bát Múa (2016), Dòng Sông Không Vội (2017), Ngày Như Chiếc Lá (2018), Lục Bát Múa trọn bộ (2018), Giọt Nắng Tràn Ly (2019) và dự kiến sẽ xuất bản trong năm 2020 tập thơ Xứ. Ngoài ra, một tuyển tập thơ với tên gọi là “Sự Bắt Đầu của Nước” đã được dịch sang tiếng Anh và dự định in ấn và xuất bản tại Mỹ trong thời gian sắp tới.

xu voi tran le khanh

Một số tác phẩm của Nhà thơ Trần Lê Khánh.

Có thể nói, Trần Lê Khánh khá có duyên với thể thơ lục bát truyền thống. Và anh biết tạo ra sự khác biệt bằng mỗi bài 2 câu độc lập trong một tập thơ liên hoàn như bản trường ca... Xuất thân từ nhà kinh tế học rồi gắn vào nghiệp thơ ca, nhiều người đặt câu hỏi với Trần Lê Khánh, anh thích mọi người gọi mình với danh xưng gì, một nhà thơ giỏi hay một người làm kinh tế tốt?

Nhà thơ chia sẻ, thật sự tôi không nghĩ là tôi muốn mọi người biết đến tôi như là gì cả. Tôi chỉ muốn những bài thơ khi tôi viết ra có sự đồng cảm và có những tri kỷ. Qua đó mình có thể tìm thấy những mối giao cảm, tương tác.

Mình có những danh xưng, mình có những tên gọi nhưng mà nó chẳng có ý nghĩa gì cả. Cái lớn nhất là cảm xúc của mình, tâm thức của mình khi mình còn ngồi viết được, còn sáng tác được thì có bao nhiêu cái danh xưng, bao nhiêu cái tên gọi thì cũng không thể nào đánh đổi được.

Nó chỉ là công cụ giao diện của mình để tương tác với xã hội. Còn thật sự khi mình ngồi xuống thì cái chân tình, cái tâm hồn của mình quan trọng lắm. Và người làm nghệ sĩ đích thực phải gạt qua tất cả những danh xưng đó… Tôi là tôi thôi.

Tôi nghĩ rằng là ai cũng có một cái tên nhưng mà đối với mình cái tên chỉ là cái phương tiện để xưng hô. Quan trọng là trong tâm hồn của mình, trong con người mình như thế nào để cuối cùng mình cảm nhận: À! đây là mình. Trong sách thiền hay hỏi câu “Tôi là ai?”, đó là câu hỏi muôn thuở. Câu hỏi đó để bóc mình ra...

xu voi tran le khanh

Buổi giao lưu và toạ đàm với tên gọi Xứ - thơ Trần Lê Khánh.

Nhìn nhận về những sáng tác của Trần Lê Khánh, tại buổi tọa đàm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đánh giá: “Thơ của Trần Lê Khánh là kết tinh của tính chính xác ngôn từ, sự độc đáo của hình ảnh, tính đa tầng của cảm xúc, độ sâu thẳm của tinh thần phương đông…. Thơ Trần Lê Khánh là sự hài hòa của sự rung cảm tột đỉnh và của những triết lý sâu sắc.

Bởi thế, khi câu thơ cuối cùng của bài thơ vừa kết thúc thì nó mở ra ngay lập tức vô vàn cánh cửa cho người đọc. Mỗi bài thơ của Trần Lê Khánh luôn chứa trong nó một bài thơ khác và cứ thế mở ra và mở ra mãi. Tôi luôn nghĩ đến những bài thơ của Trần Lê Khánh với vẻ đẹp, sự tĩnh lặng, sự bí ẩn và chiều kích vô tận của những hạt cây. Mỗi bài thơ của Trần Lê Khánh tinh kết tựa một hạt cây. Đó là sự chặt chẽ của bố cục, tính chính xác của hình ảnh, phép tối giản của ngôn từ, sự nén chặt của cảm xúc…. Và luôn chứa trong đó một phôi mầm triết lý”

Còn với nhà thơ Lê Thiếu Nhơn lại nhìn nhận, thi sĩ Trần Lê Khánh có thao tác làm thơ độc đáo. Anh thường tìm cách kéo hai sự vật hoặc hai hiện tượng rất xa lại gần nhau. Cứ thế, lửa đặt cạnh nước, trắng đặt cạnh đen, hiện thực đặt cạnh tưởng tượng, mặt đất đặt cạnh thiên đường… để từng sự tương tác chuyển hóa thành thơ, để từng cơn va đập chuyển hóa thành thơ. Bài thơ “Dè sẻn” vỏn vẹn hai câu, nhưng lại mở ra nhiều suy tư: “Dòng sông chỉ có một thân/ Mang theo chiều muộn bao lần hả anh”. Dòng sông trước mắt, còn chiều muộn mơ hồ, vậy mà khi dòng sông sánh đôi chiều muộn lại nảy sinh tâm trạng bâng khuâng tiếc nuối “một thân” xen lẫn ngẩn ngơ hoài niệm “bao lần”. Thi sĩ Trần Lê Khánh không hứng thú với những lời thánh thót hay những câu vang vọng. Thơ anh có xu hướng cô đặc lại, như viên sỏi ném xuống mặt hồ ý thức phẳng lặng những xa vắng trùng khơi.

Thơ Trần Lê Khánh thực đấy mà hư đấy, gần gũi đấy mà thăm thẳm đấy. Đọc thơ Trần Lê Khánh, không khó hình dung anh đang ngắm chiếc lá la đà cành thấp với màu xanh của bầu trời cao vọi. Thế nhưng, đọc thơ Trần Lê Khánh phải có sự giải mã để có thể tiếp cận đầy đủ giá trị thẩm mỹ mà anh gửi gắm qua từng dòng lơ lửng. Tất nhiên, Trần Lê Khánh không có mục đích đánh đố độc giả, anh chỉ tìm cách ký thác mới mẻ hơn, quyết liệt hơn những ý niệm của mình về cuộc sống, về ân nghĩa, về thị phi…

Minh Minh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/giao-luu-toa-dam-ve-tap-tho-xu-cua-tran-le-khanh-88593.html

In bài viết