Tốt thôi chưa đủ, phải tốt đúng cách

06:10 | 21/09/2019

Giúp đỡ người khác là một nghĩa cử cao đẹp, nhưng có mấy ai hiểu cho tường tận để đừng làm sai. Vì đâu phải cứ muốn giúp là giúp, cứ mang tiền đến cho là được. Nếu giúp không đúng, ta sẽ gây hại cả cho người khác lẫn bản thân mình. 
Việt Nam năm 1989 đẹp bình dị qua ống kính nhiếp ảnh gia người Mỹ Ảnh quý về Tết Trung thu xưa ở Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20 "Tứ Ân" trong đạo Phật nghĩa là gì?
Tâm Bùi là một nhiếp ảnh gia, travel blogger hiện đang sống tại TP. HCM. Qua những trải nghiệm từ các chuyến đi đến nhiều vùng đất trên thế giới, đặc biệt qua 5 lần đặt chân tới Ấn Độ, anh chia sẻ quan điểm cá nhân về việc làm từ thiện và phóng sinh.

Cứ mỗi năm, mùa Vu Lan, mùa Trung thu tới thì mọi người bắt đầu rục rịch đi làm từ thiện. Anh chị em í ới nhau người có tiền góp tiền, người có sức góp sức để mang niềm vui tới cho người khó khăn hơn mình. Thật là đáng quý.

Giúp đỡ người khác là một nghĩa cử cao đẹp, nhưng có mấy ai hiểu cho tường tận để đừng làm sai. Vì đâu phải cứ muốn giúp là giúp, cứ mang tiền đến cho là được. Nếu giúp không đúng, ta sẽ gây hại cả cho người khác lẫn bản thân mình. Sau đây là một vài câu chuyện đáng suy ngẫm về việc làm từ thiện, giúp đỡ người khác.

Làm từ thiện phải hội đủ ba chữ: “Bi”- “Trí”- “Dũng”

tot thoi chua du phai tot dung cach

Có một anh Việt Kiều về quê thăm gia đình. Thấy họ hàng nghèo khó quá, anh không cầm lòng được nên lấy tiền cho người một ít. Lần nào anh về cũng cho tiền mà họ hàng thì cứ nghèo hoài. Anh nghĩ không lẽ mình cho tiền tới già sao? Nên anh ngồi xuống động não một chút.

Lần tới anh về, anh quyết định ra chợ mua cho chị Bảy bộ bàn ghế để trước hành lang nhà, đầu tư cho chị bộ nồi niêu xoong chảo, chén dĩa và cấp luôn 1 số vốn cho chị bán bún riêu. Còn anh Bảy chồng chị, thay vì hàng ngày ra quán cà phê ngồi "chém gió" thì anh đi mua cho bộ đồ nghề vá xe để ra đầu xóm hành nghề. Còn mấy bà dì thì đầu tư cho bán nước kế quán bún của chị Bảy luôn. Nửa năm sau anh quay về, thấy gia đình làm ăn xôm tụ có đồng ra đồng vô, không còn xin tiền anh nữa.

tot thoi chua du phai tot dung cach

Câu chuyện thứ hai, tôi có người cô năm nay trên 80 , nổi tiếng làm từ thiện. Lần trước nhóm "Hiệp sĩ đường phố" có mấy anh không may qua đời lúc làm nhiệm vụ, cô phát tâm giúp đỡ sẽ nuôi 1 người con của các anh cho ăn học tới hết đại học luôn.

Cách làm từ thiện của cô như sau. Cô nói với gia đình là mỗi tháng hoặc định kỳ mấy tháng cũng được, chi phí ăn học của đứa nhỏ bao nhiêu, gom hoá đơn học phí các thứ tới nhà đưa cho cô rồi lãnh tiền lại. Nhưng gia đình không chịu, biểu cô là thôi cô đưa luôn một cục tiền đi. Cô thấy không được nên từ chối. Vì không phải cô không đủ tiền, mà đưa một cục tiền cho gia đình như vậy, chắc gì đứa nhỏ đó được nuôi ăn học tới thành tài. Lúc đó tấm lòng của mình tuy có nhưng mà nửa đường gãy gánh do mình không có theo sát được. Rồi người lớn lấy cục tiền đi cờ bạc này kia, có phải là hại không?

Giúp người khác mình phải hội đủ ba chữ là “bi”, “trí” và “dũng”.

"Bi" là lòng thương người, hành động của mình xuất phát từ tình thương thì nó mới có ý nghĩa.

“Trí” là trí tuệ, mình phải phán đoán một cách sáng suốt coi cách mình làm vậy đúng chưa, có vô tình làm hại người ta không. Đôi khi cứ cho tiền làm người ta ỷ lại không làm việc thì đó là gây hại chứ không phải giúp. Giúp là “cho cần câu chứ không cho con cá”.

Còn “Dũng” là lòng dũng cảm, theo sát cho tới khi hành động giúp của mình có được kết quả tốt mới thôi. Cô tui theo sát, quyết không đưa một cục tiền cho gia đình mà tự tay nuôi đứa nhỏ đi học. Thương thật!

tot thoi chua du phai tot dung cach

Phóng sinh là để những sinh linh có cơ hội được sống

Năm ngoái, tôi đi ra sông Hằng cùng đoàn hành hương Việt Nam lập đàn cúng vong linh ngoài đó. Thuyền của đoàn vừa ra sông là có ba bốn anh người Ấn bám theo, tay cầm thau cá, lồng chim, nói tiếng Việt luôn, gạ khách mua để phóng sinh. Bao đời nay người Ấn theo đạo Hindu có biết phóng sinh đâu, nhưng dân Việt qua đó nhiều quá, lần nào qua cũng phóng sinh cá, chim nên người ta thấy vậy đi bắt cá, chim bán lại. Nhìn mấy con chim lờ đờ thấy thương. Anh trưởng đoàn dặn là nhất quyết không mua để họ không còn lý do bắt cá chim nữa, vì phóng sinh như vậy là tội lắm.

Phóng sinh là giúp đỡ, phóng thích những sinh linh sắp bị giết, để cho chúng có cơ hội được sống. Công đức đó lớn lắm. Thường người phóng sinh sẽ âm thầm đi mua cá, hay chim ở một vùng hay khu chợ nào đó, rồi mang đi chỗ vắng người, không ai biết để thả. Chớ để người bán cá biết được, họ đi theo mang chích điện, cá vừa thả xong lại bị chích điện thì cũng vô ích.

Còn người Việt mình, thường vô chùa, mua chim mua cá, thả xong rồi người ta lại bắt nó bán tiếp. Cứ xào qua xào lại bao nhiêu lượt, tội con chim con cá. Mình cứ nghĩ “Tôi thả xong rồi đó, là tui có phước nghe. Chuyện còn lại, ai bắt cá thì tôi vô can !” Vậy là làm phước chưa tới, dễ bị “phước quật". Đó là tiếp tay cho bọn hành hạ động vật chứ không phải phóng sinh.

Trước khi nghĩ tới chuyện giúp người, mình coi lại gia đình mình đã yên chưa. Vì đôi khi mãi lo việc ngoài mà nhà không đủ ăn thì có ngày mình sẽ trở thành người chìa tay cần được xã hội giúp. Lúc đó lại là gánh nặng cho xã hội thì không nên. Sau đó, khi giúp người thì luôn nhớ "bộ 3 nguyên tắc" là “Bi, Trí, Dũng”.

Xin được kết bài bằng câu nói của Phú Sát Dung Âm trong phim Diên Hy Công Lược: “Thiện mà muốn người thấy không phải là thiện thật”, mình làm gì, mình biết, lòng mình an vui thanh thản, là được rồi.

Bài và ảnh: Tâm Bùi

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/tot-thoi-chua-du-phai-tot-dung-cach-88147.html

In bài viết