Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và hành trình tìm "Đường về" cho những thân phận thời hậu chiến

11:15 | 27/07/2019

Lựa chọn đề tài tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, tuy nhiên "Đường về" của Tạ Quỳnh Tư không nhấn mạnh vào hành trình gian nan, vất vả khi tìm kiếm hài cốt, đạo diễn muốn chia sẻ những mảnh ghép còn thiếu trong một bức tranh thời hậu chiến: sự nhầm lẫn hy hữu trong khi tìm mộ và cách ứng xử đầy nhân văn của những bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Ngành công nghiệp làm móng 8 tỷ USD của người Việt ở Mỹ lên phim tài liệu Liên hoan Phim Tài liệu Châu Âu - Việt Nam lần thứ 9 Công chiếu miễn phí 8 bộ phim tài liệu kinh điển đề tài chiến tranh, hậu chiến dịp 27/7

dao dien ta quynh tu va hanh trinh tim duong ve cho nhung than phan thoi hau chien

Luôn ám ảnh với những thân phận và những chuyện đời, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư mang những trăn trở và suy ngẫm của mình để làm hành trang đến với phim tài liệu. "Đường về" là một bộ phim tài liệu không lời bình, một phong cách làm phim quen thuộc của đạo diễn 8x này. Trước đó, phim "Hai đứa trẻ" với câu chuyện nhầm con đầy hy hữu đã lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt của khán giả cũng với thể loại trên.

Như một duyên nợ, lần này Tạ Quỳnh Tư lại chạm vào đúng những thân phận đầy ám ảnh qua câu chuyện tìm mộ liệt sỹ, và cũng đúng một đề tài nhầm lẫn, câu chuyện tìm mộ liệt sỹ dưới lăng kính chân thực của đạo diễn, "Đường về" ca ngợi đức hy sinh và tâm thái sống bao dung, cao cả vượt trên mọi hành xử thông thường của hai người mẹ liệt sỹ, để lại nhiều bài học giá trị cho khán giả về ý nghĩa thực sự của cuộc sống.

Phim kể 2 bà mẹ của 2 liệt sỹ có cùng tên, cùng quê, hi sinh và nhập ngũ cùng năm, chỉ khác tên họ và đệm. Năm 2002, sau nhiều năm tìm kiếm, mẹ Lưu Thị Hinh ở Ninh Bình tìm được hài cốt của người con trai liệt sỹ Đinh Duy Tuân tại An Giang. Vì nhiều lý do, gia đình để phần mộ anh lại đây và lập bàn thờ, thờ tự từ xa.

Năm 2018, đến thắp hương tại mộ, gia đình nhà mẹ Hinh mới biết hài cốt đã không còn ở đó 8 năm nay. Gia đình mẹ Hà Thị Xuân cùng quê Ninh Bình chuyển về xây cất tại nghĩa trang dòng họ địa phương vì cho rằng đây là liệt sĩ Bùi Thanh Tuân, con trai mẹ Xuân.

Mâu thuẫn nổ ra, cả hai bà mẹ 83 tuổi đã phải đứng trước quyết định: Khai quật mộ để xét nghiệm ADN nhằm xác nhận hài cốt dưới nấm mồ kia là con ai. Cuối cùng, mẫu xét nghiệm không đủ tiêu chuẩn nên không thể xác định liệt sỹ là con ai. Một lần nữa, hai gia đình phải làm thủ tục để an táng lại.

Cái kết vừa đau xót, ám ảnh những cũng đầy nhân văn khi cả hai mẹ đều gửi chung một thông điệp:

dao dien ta quynh tu va hanh trinh tim duong ve cho nhung than phan thoi hau chien

Cảnh cuối phim, hai người mẹ ở tuổi 83 nắm tay nhau ra thăm mộ, vừa đi vừa thủ thỉ: "Ở tuổi xế chiều rồi, chẳng biết còn gặp nhau được bao lần nữa, thì bây giờ cứ ngày lễ tôi với bà thắp hương cho con mình, thôi thì con chung bà ạ".

Những câu thoại đắt giá thể hiện tư duy văn minh và cao thượng của hai người phụ nữ ở tuổi xế chiều, lại trải qua bao đau thương mất mát, ngay cả khi chiến tranh đã qua đi, thì nỗi đau khi nghĩ về những đứa con đã hy sinh vẫn nguyên vẹn. Câu chuyện hy hữu được khép lại đầy nhân văn và để lại nhiều dư ba, nhất là với những người đã và đang ôm nỗi đau tương tự.

dao dien ta quynh tu va hanh trinh tim duong ve cho nhung than phan thoi hau chien

Lựa chọn đề tài không mới, cách làm phim không mới, nhưng Tạ Quỳnh Tư luôn biết cách lấy đi những giọt nước mắt của khán giả một cách lặng lẽ. 45 phút phim là 45 trạng thái cảm xúc, vừa hồi hộp, vừa bàng hoàng, vừa đau xót, vừa ám ảnh, lại vừa cảm phục và nghĩ ngợi miên man về giá trị của cuộc sống, về cách ứng xử giữa con người với con người, giữa người còn và người đã khất, giữa tâm linh và hiện thực, giữa toan tính vật chất và bản ngã thiện lương,... "Đường về" qua cách kể của vị đạo diễn Cánh diều vàng đã mang lại một góc nhìn hiện thực mới mẻ cho một chủ đề tưởng như đã cũ và rất khó có thể nhận được sự đồng cảm của khán giả trẻ.

Hơn một năm để hoàn thành bộ phim, Tạ Quỳnh Tư ít khi nói về những khó khăn, nghi ngại của nhiều người về động cơ làm phim hay những trắc trở khi tác nghiệp, sự nhạy cảm thiên phú và vốn sống dày dặn đã cho anh luôn có những linh cảm đặc biệt về nghề. Nhân vật hai bà mẹ trong "Đường về" chính là một ví dụ minh họa cho điều đó.

Lúc đầu, nhân vật của anh là một gia đình khác, với một hành trình tìm mộ liệt sỹ khác, tuy nhiên, khi bắt đầu tác nghiệp, anh vô tình bắt gặp câu chuyện của hai mẹ liệt sỹ có con cùng tên, bằng trực giác nghề nghiệp, Tạ Quỳnh Tư đã tìm hiểu câu chuyện hy hữu trên, và thế là "Đường về" có một câu chuyện khác, một góc nhìn khác, một cảm xúc đặc biệt xưa nay chưa từng có ở chủ đề về phim phóng sự tài liệu tìm mộ liệt sỹ.

Chia sẻ về "Đường về", Tạ Quỳnh Tư cho biết bản thân anh cũng gặp nhiều áp lực sau khi phim lên sóng, bên cạnh những lời động viên, khen ngợi thì cũng có những ý kiến không hài lòng với cách kể chuyện trong phim. Tuy nhiên, là đạo diễn, Tạ Quỳnh Tư đón nhận tất cả những ý kiến khen chê của khán giả, anh tin rằng với mục đích tốt đẹp và thông điệp nhân văn của bộ phim, "Đường về" sẽ nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả. Sau khi phim lên sóng, hai gia đình đã gọi điện cảm ơn anh đã chia sẻ câu chuyện của họ, đó cũng là niềm động viên lớn của anh khi thực hiện bộ phim này.



.

Diệp Anh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/dao-dien-ta-quynh-tu-va-hanh-trinh-tim-duong-ve-cho-nhung-than-phan-thoi-hau-chien-83227.html

In bài viết