Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Bảo an qua đánh giá của chuyên gia

09:35 | 02/06/2019

Đại sứ, chuyên gia, học giả của nhiều nước đều cho rằng, Việt Nam đang chuẩn bị tốt và ở vị trí thuận lợi để trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ trong đợt bầu cử sắp tới.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có 6 thành viên mới Thụy Điển ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
viet nam ung cu vao hoi dong bao an qua danh gia cua chuyen gia
Thứ trưởng, Đại sứ Trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Qúy tại một phiên họp của LHQ. Ảnh: TTXVN

Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa cuộc bỏ phiếu nhằm chọn ra 5 ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021 sẽ chính thức diễn ra. Việt Nam đã được Nhóm châu Á – Thái Bình Dương đề cử là đại diện duy nhất của nhóm vào vị trí này.

Thành công từ nhiệm kỳ đầu

Năm 2007, 30 năm sau khi trở thành thành viên LHQ, Việt Nam chính thức được cơ quan này giao trọng trách là Ủy viên không thường trực của HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009 với số phiếu ủng hộ 183/190.

Thành công của nhiệm kỳ đầu tiên đã để lại uy tín của Việt Nam với bạn bè quốc tế. Đây cũng là kinh nghiệm tốt để Việt Nam chuẩn bị cho những kế hoạch sắp tới khi có thể chính thức đảm nhiệm vị trí quan trọng này lần thứ hai.

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, khi đảm đương vị trí này, Việt Nam đã đóng góp vào nỗ lực chung xử lý xung đột ở một số khu vực, tăng cường hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, có sáng kiến cụ thể về tăng cường vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực hòa bình và an ninh.

Đánh giá về vai trò Ủy viên không thường trực của HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009, Giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales (Australia) Carl Thayer cho biết: “Trong nhiệm kỳ năm 2008 - 2009, Việt Nam đã được Mỹ ca ngợi vì những đóng góp tích cực về các vấn đề then chốt như không phổ biến vũ khí hạt nhân và chống khủng bố”.

Chia sẻ trên trang geopoliticalmonitor, cây bút chuyên về châu Á James Borton cho rằng, tầm quan trọng của Việt Nam trong an ninh quốc tế đã tăng lên kể từ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2017. Việt Nam đã đón tiếp thành công Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhiều lãnh đạo các nền kinh tế.

Với việc ứng cử vào HĐBA, Việt Nam muốn thể hiện tiếng nói ngày càng có trọng lượng tại ASEAN, thể hiện các kỹ năng ngoại giao mềm và tăng cường hội nhập quốc tế. “Vị trí này sẽ đưa Hà Nội đến mức hội nhập quốc tế cao nhất”, ông viết.

Cơ hội cho Việt Nam

Nhận định về cơ hội của Việt Nam trong đợt bỏ phiếu sắp tới, Đại sứ Thụy Điển tại LHQ Olof Skoog cho biết, Việt Nam hiện ở một vị trí hết sức thuận lợi để trở thành Ủy viên không thường trực của HĐBA trong đợt bầu cử sắp tới.

Theo Đại sứ Olof Skoog, Việt Nam rất được ủng hộ và việc ứng cử của Việt Nam lần này cũng thuận lợi hơn một chút so với thời điểm Thụy Điển ứng cử trước đây bởi khi đó quốc gia này phải cạnh tranh với hai nước châu Âu khác.

Đại sứ Olof Skoog cho rằng, ứng cử vào HĐBA lần này, Việt Nam mang theo một bề dày lịch sử đáng ngưỡng mộ khi từng trải qua nhiều cuộc chiến, đã tìm ra cách hàn gắn vết thương chiến tranh, tìm ra con đường tới hòa bình và Việt Nam hiểu rõ hơn ai hết tầm quan trọng của việc tìm ra các giải pháp chính trị ngoại giao cho các cuộc xung đột. Việt Nam cũng hiểu rõ cái giá của chiến tranh và sự cần thiết phải tránh, phải ngăn ngừa chiến tranh, giải quyết hậu quả chiến tranh, cũng như bảo vệ người dân trong các cuộc xung đột. Vì vậy, Việt Nam rất phù hợp để đảm nhận vị trí ủy viên của HĐBA LHQ.

Là một ủy viên không thường trực HĐBA, đồng thời là nước Chủ tịch luân phiên HĐBA tháng 5 vừa qua, Đại sứ Indonesia Triansyah Djani đánh giá, Việt Nam đã chuẩn bị rất tốt trong năm qua, nhất là mấy tháng gần đây. Phái đoàn Việt Nam tại LHQ đã tích cực vận động và các nước ASEAN cũng hỗ trợ Việt Nam hết mình bởi ASEAN cũng muốn nước thành viên của mình có mặt trong HĐBA. Với công tác chuẩn bị như vậy, Việt Nam sẽ không gặp trở ngại gì trong ngày bầu cử 7/6 sắp tới.

Nhiều thử thách

Theo chuyên gia về HĐBA LHQ đến từ Bộ Ngoại giao Australia Michael Bliss, một Uỷ viên không thường trực cần tận dụng mọi cơ hội khi nắm giữ vị trí Chủ tịch luân phiên của HĐBA. Bên cạnh đó, các Uỷ viên không thường trực cũng cần giữ vai trò tham gia trong mọi vấn đề nóng được HĐBA LHQ quan tâm. Đồng thời, đóng vai trò trong việc khơi dậy những chủ đề mới. Đây được xem là thách thức, song cũng là cơ hội giúp các Uỷ viên không thường trực có thể để lại dấu ấn trong cả nhiệm kỳ.

Chia sẻ bài học kinh nghiệm của Indonesia, Đại sứ Indonesia Triansyah Djani lưu ý, sau khi trúng cử, công tác chuẩn bị mới thực sự khó khăn bởi Việt Nam chỉ có 6 tháng để chuẩn bị cho việc đảm trách vị trí ở HĐBA trong 2 năm tới và thực sự 6 tháng đó là thời gian hết sức quan trọng. Việt Nam sẽ phải nắm bắt các quy trình, luật lệ của HĐBA.

Theo ông, dù cũng như Indonesia, Việt Nam đã từng đảm đương vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA và đã chuẩn bị tốt, song hiện tại mọi thứ đã thay đổi nhiều, cũng vẫn có nhiều vấn đề mới phải tiếp tục chuẩn bị bởi những thách thức trong thế giới ngày nay đã khác nhiều so với trước đây. Đơn cử như khối lượng công việc phải làm ở HĐBA hiện nay nhiều gấp 3 lần khối lượng công việc cách đây 10 năm. Tình hình địa chính trị cũng khác, thông tin cũng phát triển rất nhanh. Việc chuẩn bị kỹ càng là cần thiết bởi không thể đoán trước được tình hình thế giới sẽ xảy ra những gì, nhất là ở những nơi còn đang có xung đột và chiến tranh.

Đại sứ Thụy Điển Olof Skoog chia sẻ có rất nhiều thử thách khi đảm nhận vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA. Thứ nhất, bối cảnh chính trị toàn cầu hiện nay có sự chia rẽ rõ rệt giữa các Ủy viên thường trực của HĐBA khiến cho nhiều quyết định có ý nghĩa của hội đồng gặp khó khăn và bị cản trở.

Thứ hai, một số vấn đề hiện nay thực sự rất khó giải quyết trên bàn nghị sự của HĐBA. Đó là những cuộc xung đột đã diễn ra suốt một thời gian dài mà hệ lụy là những vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế về vấn đề nhân đạo.

Đại sứ Thụy Điển cho rằng một khi trúng cử và bước chân vào HĐBA, điều đầu tiên là Việt Nam cần phải tạo được ấn tượng riêng của mình, nhất là khi khả năng cao Việt Nam sẽ phải đảm trách vị trí chủ tịch HĐBA từ rất sớm.

Việt Nam cũng cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng cả về những vấn đề trong chương trình nghị sự của HĐBA cũng như những vấn đề mong muốn đạt được trong thời gian đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐBA. Ngoài ra, Việt Nam không chỉ đề xuất các chính sách của mình mà còn phải tìm đồng minh, tìm bạn bè để hợp tác cùng.

viet nam ung cu vao hoi dong bao an qua danh gia cua chuyen gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có 6 thành viên mới

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã có 6 thành viên mới, gồm: Guinea Xích đạo, Cote D'Ivoire, Kuwait, Hà Lan, Peru ...

viet nam ung cu vao hoi dong bao an qua danh gia cua chuyen gia Thụy Điển ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Sáng 6/4 (giờ địa phương), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã tới ...

Theo TG&VN

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/viet-nam-ung-cu-vao-hoi-dong-bao-an-qua-danh-gia-cua-chuyen-gia-78793.html

In bài viết