06:33 | 20/03/2019
Tìm kiếm thông tin việc làm uy tín tại: https://www.careerlink.vn/tim-viec-lam-nhanh
Đúng người, đúng việc
Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng Careerlink.vn cho rằng trong bất cứ việc gì, là sếp - bạn cần xác định rõ ràng người nào việc nấy, tránh nhầm lẫn. Có nghĩa là khi đưa ra lời phản hồi dù tốt hay xấu, bạn nên xác định đúng người, đúng việc cần nói. Tránh các trường hợp người này làm nhưng phản hồi với người khác, người này “gánh” thay cho người kia, một người làm tốt nhưng người khác lại hưởng thành quả hay người này làm sai nhưng một người khác lại chịu phạt...
Nếu để xảy ra tình trạng này, lỗi đầu tiên thuộc về quản lý vì đã không tìm hiểu và xác minh rõ ràng. Điều này sẽ gây xáo trộn và thiếu công bằng trong nội bộ nhân viên, đặc biệt với người có liên quan trực tiếp.
Đối thoại trực tiếp
Nếu là thông tin tốt, sếp có thể gửi emai hoặc thông báo qua các kênh truyền thông nội bộ của công ty. Tuy nhiên, nhân viên vẫn mong một cuộc gặp gỡ trao đổi trực tiếp với cấp trên, đặc biệt là với tin xấu. Mục đích là họ được bày tỏ quan điểm của mình đồng thời lắng nghe những tâm tư cũng như muốn biết chính xác sự nhìn nhận, đánh giá của lãnh đạo về vấn đề đang diễn ra. Vì vậy, tốt nhất khi muốn phản hồi điều gì sếp nên có cuộc đối thoại trực tiếp giữa hai bên, đặc biệt là tránh thông qua một người thứ ba, khiến nhân viên nghĩ rằng có điều gì còn khuất tất.
Công bằng, rõ ràng
Sếp đưa ra phản hồi công bằng rõ ràng sẽ làm cho nhân viên “tâm phục khẩu phục”. Công bằng ở đây là không phân biệt cảm tình cá nhân, mức độ mối quan hệ hay các yếu tố khác (ví dụ như năng lực, ngoại hình, thân thế...) mà dựa vào bản chất sự việc. Việc thưởng, phạt, khen, chê, góp ý hay điều chỉnh... đúng với quy định, minh bạch, rõ ràng với tất cả nhân viên đều nên công bằng như nhau.
Phản hồi mang tính động viên, xây dựng
Bất cứ ai được động viên, khích lệ sẽ làm việc tích cực hơn. Sự động viên khích lệ có một sức mạnh diệu kì, đặc biệt lời động viên đến từ sếp sẽ giúp “lên dây cót” tinh thần làm việc cho nhân viên.
Dù thông tin tốt hay xấu, khi phản hồi tới nhân viên, sếp nên chọn cách truyền đạt mang tính động viên, xây dựng hơn là chê bai, chỉ trích. Sếp cần là người thủ lĩnh vững vàng, điềm tĩnh có thái độ làm việc và ứng xử tích cực. Nên để nhân viên nhận biết rõ ràng thiếu sót và mong muốn được khắc phục. Những lời phản hồi tích cực từ sếp sẽ giúp nhân viên nỗ lực hơn để xứng đáng với niềm tin mà sếp dành cho họ.
“Tốt khoe, xấu che”
Điều này không phải là khi thành công, khen thưởng thì công bố rộng rãi, còn khi kết quả không tốt hay phạm sai lầm thì che đậy, lấp liếm đi. Mà có nghĩa là nếu thông tin tốt, khen ngợi thì sếp nên phản hồi rộng rãi để tất cả nhân viên trong công ty biết, nhằm tạo động lực, niềm vui sự hứng khởi cho người được khen cũng như để tạo mục tiêu cố gắng của mọi người. Còn nếu trong trường hợp đưa ra phản hồi không tốt hay khiển trách sai phạm nào đó thì tốt nhất sếp cần thông báo riêng với từng nhân viên và nội bộ người liên quan.
Ví dụ, trường hợp một nhân viên vì vi phạm gây hậu quả buộc phải nghỉ việc. Sếp cùng với bộ phận nhân sự trao đổi trực tiếp với riêng người này tất cả các vấn đề liên quan, giải quyết các khúc mắc thay vì email hay mở cuộc họp thông báo với toàn thể công ty. Đây là cách cư xử tế nhị, tôn trọng thể diện, danh dự của người vi phạm. Nếu sếp làm được điều này thì đảm bảo bất kì nhân viên nào cũng quy phục.
Được làm việc dưới quyền một lãnh đạo có năng lực, hội tụ các phẩm chất ưu tú lại có cách ứng xử hợp tình hợp lí sẽ làm cho nhân viên cảm thấy yêu mến và gắn bó lâu dài. Điều này đôi khi còn hấp dẫn hơn các yếu tố như tiền lương và chế độ đãi ngộ. Vậy nên, hãy không ngừng học cách đưa ra phản hồi một cách thuyết phục cho nhân viên, bạn sẽ nhận lại thành quả đáng giá.
Đặng Hảo