Azerbaijan – Một vùng trời ký ức không thể nào quên

14:53 | 27/03/2019

Azerbaijan - đất nước có hình cánh chim sải cánh vươn ra biển Caspi là một “vùng trời ký ức” với không ít người Việt Nam...Trong số đó, có ông Nghiêm Vũ Khải, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Azerbaijan và bà Nguyễn Vũ Hà Lê, Vụ trưởng Vụ Đối ngoại - Văn phòng Chủ tịch nước, hai người đã được Tổng thống Azerbaijan trao tặng Huy chương Tiến bộ năm 2017.
azerbaijan mot vung troi ky uc khong the nao quen
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Đại sứ Azerbaijan tại Việt Nam Anar Imanov và ông Nghiêm Vũ Khải, cắt băng khai mạc triển lãm ảnh “Xa mà gần” ngày 24/05/2018. Nguồn: Đại sứ quán cung cấp

Từ “kẻ trộm táo” trở thành khách quý

Là người luôn nỗ lực kết nối người dân hai nước, ông Nghiêm Vũ Khải kể về đất nước Azerbaijan bằng những câu chuyện rất đời thường, gắn liền với năm tháng sinh viên khi ông theo học tại Đại học Quốc gia Azerbaijan (1971-1976).

“Mỗi lần nghĩ về những ngày sinh viên xa xôi ấy, bất kỳ ai trong chúng tôi đều mỉm cười trong sáng như nhớ về mối tình đầu với cảm xúc dâng đượm nỗi buồn lâng lâng khó tả. Thành phố Baku và những người thầy, người bạn Azerbaijan đã cho chúng tôi bao điều tốt đẹp. Trong những điều tốt đẹp ấy, có lẽ tình người vẫn là điều quý giá nhất”, ông Khải chia sẻ.

Ông Khải kể, mùa hè năm 1974, lớp sinh viên địa chất năm thứ 4 trong đó có ông đi thực tập để chuẩn bị luận án tốt nghiệp tại vùng núi Kap-kar, gần thành phố Zakataly, Tây Bắc Azerbaijan. Sau bữa cơm tối, ông Khải cùng bạn bè đi dạo quanh thành phố. Đến một khu vườn táo sum sê nhưng không thấy có hàng rào bảo vệ. Nghĩ đây là khu vườn vô chủ nên ông và những người bạn leo lên những cây táo, vừa hái những quả chín mọng để thưởng thức vừa cười râm ran, cứ như ở khu vườn nhà mình.

Bỗng dưng có tiếng phụ nữ la ó bằng tiếng Azerbaijan. Không ai hiểu bà nói gì, nhưng ai nấy đều nhận ra là có chuyện không lành. Tiếp theo là những tiếng hô hoán của đàn ông. Ông Khải và những người bạn vội trèo xuống và tìm bụi cây để ẩn nấp. Lúc đó, ông Khải vội chui vào bụi cây gai và bị xây xước. Mặc dù chân tay rớm máu nhưng ông vẫn cố chịu và giữ im lặng.

Đám thanh niên địa phương bắt đầu lùng sục, tìm kiếm. Biết là không thể thoát nên ông đành phải ra đầu thú. Một người đàn ông trung niên vạm vỡ với râu quai nón, tay cầm gậy, hỏi ông Khải với giọng rất nghiêm khắc: “Anh từ đâu đến? Sao lại hái táo mà không xin phép?”. Ông Khải trả lời rằng “Chúng tôi là người Việt Nam, đang học tại Đại học Quốc gia Azerbaijan, đến khu vực mỏ đa kim loại Katech để thực tập tốt nghiệp. Chúng tôi xin nhận lỗi, mong được tha thứ, vì nghĩ đây là vườn táo thiên nhiên vô chủ”.

Người đàn ông quay lại giải thích bằng tiếng địa phương với đám đông. Sau đó, sắc mặt của người dân đột nhiên thay đổi và có tiếng từ phía họ: “Việt Nam anh hùng! Việt Nam cừ khôi lắm!”. Cả hội thở phào nhẹ nhõm. Thế là những kẻ ăn trộm táo bỗng dưng trở thành người cừ khôi.

Ông Khải kể, sau đó, ông và những người bạn được mời vào nhà, được mời trà đặc sản, bánh ngọt, và cả những trái táo từ khu vườn đó. Những người hàng xóm kéo đến mỗi lúc một đông thêm. Những người dân quan tâm về việc học tập, về cảm tưởng của ông khi xa quê hương Việt Nam đang trong chiến tranh ác liệt. Không những vậy, chủ nhà còn đem ra một nhạc cụ truyền thống là cây đàn dây và hát mấy bài dân ca cho ông và các bạn cùng nghe.

“Có thể nói, trong bối cảnh như vậy, tôi thực sự thấy những giai điệu dân ca Azerbaijan tuyệt diệu biết bao! Điều làm tôi ấn tượng mãi và cho đến tận bây giờ là tại một vùng núi hẻo lánh của Azerbaijan mà người dân bình thường lại biết và yêu quý đất nước Việt Nam đến vậy. Họ đã đối xử với chúng tôi bằng tình cảm khoan dung và thân thiện”, ông Khải chia sẻ.

Đó chỉ là một trong rất nhiều kỷ niệm của hàng nghìn học sinh Việt Nam được đào tạo và trưởng thành tại các trường đại học của Azerbaijan. Dưới thời Liên Xô cũ, còn có hàng trăm chuyên gia quân sự và dân sự Azerbaijan tình nguyện sang giúp đỡ nhân dân Việt Nam bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Ngày nay vẫn còn rất nhiều công trình, biểu tượng tại Việt Nam mang dấu ấn của quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác hiệu quả giữa nhân dân Việt Nam và Azerbaijan, trong đó không thể không nhắc đến Liên doanh Vietsovpetro. Chắc chắn, đây sẽ là những nền tảng vững bền để hợp tác hai nước tiến xa hơn.

azerbaijan mot vung troi ky uc khong the nao quen
Các đại biểu tham dự Hội thảo “Ngoại giao Việt Nam và Azerbaijan: Sự tương đồng, phát triển và vai trò trong xây dựng đất nước” ngày 12/3/2019. Nguồn: Báo Quốc tế

Những cây cầu kết nối

Đối với bà Hà Lê, Azerbaijan lại là một cái tên rất đỗi thân quen, bất kể khoảng cách địa lý hoặc những thay đổi địa-chính trị.

Bà Hà Lê chia sẻ, quan hệ hai nước có bề dày lịch sử đáng trân trọng. Bác Hồ đã từng đến Azerbaijan từ những năm 1920 và chuyến thăm chính thức của Bác năm 1959 như một minh chứng cho sự gắn bó giữa hai dân tộc.

Những năm tháng nhân dân Việt Nam chiến đấu giành độc lập thống nhất đất nước, Azerbaijan đã dành cho Việt Nam sự giúp đỡ quý báu và chân tình mà Việt Nam không bao giờ quên. Sự ủng hộ đó đã góp phần giúp Việt Nam không những chiến thắng trong chiến tranh mà còn rất hiệu quả trong công cuộc tái thiết, xây dựng đất nước.

Tên tuổi những người thầy, người bạn Azerbaijan luôn được nhiều thế hệ cựu sinh viên tri ân, trước hết là lãnh tụ của dân tộc Azerbaijan, cố Tổng thống Heydar Aliyev, hay ông Jusuf Zade, người đã góp sức phát triển ngành dầu khí Việt Nam…

Theo bà Hà Lê, tình hữu nghị hợp tác truyền thống giữa hai nước càng ngày càng được thắt chặt và nâng lên tầm cao mới, thể hiện qua các chuyến thăm cấp nguyên thủ, năm 2014 Tổng thống Aliyev và Phu nhân thăm Việt Nam; năm 2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân thăm Azerbaijan. Với hàng loạt văn kiện được ký kết, nền tảng vững chắc của quan hệ chính trị còn được bổ trợ thêm bằng hợp tác kinh tế mà tiềm năng và cơ hội vẫn còn rộng mở.

Azerbaijan có thế mạnh là một nền văn hóa đặc sắc, trong đó có khá nhiều điểm tương đồng với văn hóa cổ truyền thống của Việt Nam. Đại sứ Azerbaijan tại Việt Nam Anar Imanov từng nêu tại một Hội thảo văn hóa tại Hà Nội rằng, ông thấy hứng thú khi được biết hai dân tộc đều chuộng uống trà, nghệ thuật dân gian, thể hiện phong phú qua lời ca tiếng hát, truyện cổ tích, ngụ ngôn, chỉ cần đọc Molla Narserddin cũng có thể cảm nhận được.

Sự hiện diện của Trung tâm Văn hóa Azerbaijan tại Hà Nội và Hội Hữu nghị Việt Nam – Azerbaijan vừa được thành lập cũng là một cầu nối vô cùng quan trọng trong việc phát triển quan hệ hai nước. Đặc biệt, theo bà Hà Lê, quyết định phát hành tạp chí “IRS” bằng tiếng Việt cũng là một sự kiện văn hóa nổi bật, hy vọng sẽ mang gió biển Caspi cũng như những truyền thống đặc sắc, lịch sử hào hùng của dân tộc Azerbaijan đến với bạn đọc Việt Nam.

Theo bà Hà Lê, sẽ rất thú vị đối với người dân Việt Nam nếu được biết và cảm nhận nhiều hơn những địa danh nổi tiếng như hang Azikh, Gobustan, Shirvan Shahs hoặc Taza Pir Camii, nếm thử các món ăn lừng danh vùng Kavkaz như dograma, lavangi, kelem, người hâm mộ nghệ thuật sẽ được biết đến những người tên tuổi như Vagif và Aziza Mastafasade, Answar Sadigov,… Ngược lại, người dân Azerbaijan chắc cũng sẽ rất hào hứng nếu đến thăm vô số danh lam thắng cảnh của Việt Nam, tận mắt chứng kiến một đất nước Việt Nam đang vươn lên và đặc biệt là cảm nhận lòng mến khách và tình cảm của người dân Việt Nam./.

Hà Phương (Theo Báo Quốc tế)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/azerbaijan-mot-vung-troi-ky-uc-khong-the-nao-quen-73756.html

In bài viết