Bạch Đằng Giang - Dấu ấn lễ hội văn minh

17:28 | 03/03/2019

Di tích lịch sử hải chiến Bạch Đằng Giang với 3 lần khiến giặc phương Bắc kinh hoàng, là một minh chứng thể hiện rõ trí tuệ quân sự đỉnh cao của người Việt Nam. Trên tinh thần đó UBND TP Hải Phòng đã có những đầu tư tôn tạo thiết thực, định kỳ hàng năm tổ chức Lễ hội chiến thắng tại khu di tích Bạch Đằng Giang với đầy ấn tượng văn hóa văn minh sâu sắc.

Trên thực tế, suốt chiều dài hàng ngàn năm phát triển của nhân loại, không có địa danh nào trên thế giới cũng như trên Đất Mẹ Việt Nam, có dấu ấn lịch sử đặc biệt như Khu di tích Bạch đằng Giang. Trên khúc sông chảy qua địa phận Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) và Quảng Yên (Quảng Ninh) đổ ra cửa biển Nam Triệu, dân tộc Việt Nam nhỏ bé đã ba lần oanh liệt chiến thắng đội chiến thuyền hùng mạnh của đội quân xâm lược khổng lồ phương Bắc trong những năm 938 , 981 và 1288.

bach dang giang dau an le hoi van minh

Các nhà địa lý lịch sử đời Nguyễn khi biên soạn bộ Đại Nam nhất thống chí đã nhận xét: “Nước ta chống người phương Bắc chỗ này là chỗ cổ họng”. đây là nơi quan ải do trời đặt ra thế hiểm yếu khiến hai người có thể chống được cả trăm người, lập công danh của các bậc hào kiệt. Cuối năm 938, Ngô Vương Quyền đã làm nên cuộc chung kết lịch sử toàn thắng của dân tộc Việt Nam ta, kết thúc nghìn năm đô hộ của kẻ thù phương Bắc. Tiếp đó, năm 981, Lê Hoàn đánh bại giặc Tống cũng ở Bạch Đằng giang. Hơn ba trăm năm sau, vùng đất thiêng này là nơi diễn ra những trận thủy chiến oai hùng của quân đội nhà Trần dưới sự chỉ huy của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, đánh tan đội quân xâm lược Nguyên Mông, thế lực chưa từng thất bại trong quá trình xâm lăng khắp lục địa Á - Âu. Bạch Đằng giang đã trở thành biểu tượng, niềm tự hào của dân tộc ta.

Cùng với sự chuyển mình chậm rãi nhưng đầy ấn tượng của Hải Phòng, khu di tích Bạch Đằng Giang đã chính thức được UBND TP khôi phục từ năm 2009, hình thành một quần thể các đền đài ấn tượng, đền Vua Lê Đại Hành, đền thờ Đức vương Ngô Quyền, đền thờ Mẫu, đền thờ Bác Hồ, Trúc Lâm tự Tràng Kênh, quảng trường Chiến thắng Bạch Đằng… khu trưng bày kỷ vật lịch sử khang trang và tượng các vị anh hùng dân tộc sừng sững uy nghi bên dòng Bạch Đằng mênh mông, nơi nhô lấn ra ngoài sông là tượng đài 3 vị anh hùng dân tộc đã làm nên những chiến thắng lịch sử trên khúc sông này: Đức Vương Ngô Quyền, Đức Hoàng đế Lê Đại Hành và Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. những bức tượng uy nghi, mắt dõi nhìn thẳng xuống dòng sông như đang chi huy trận đánh với dáng vẻ uy phong, lẫm liệt nhưng vẫn toát lên vẻ độ lượng, khoan hòa, điềm tĩnh, như bức tranh sinh động hoành tráng minh họa một chiều dài hiên ngang oai hùng của đất nước.

Sau khi khôi phục di tích Bạch Đằng Giang, đều đặn hàng năm Hải Phòng định kỳ tổ chức lễ khai ấn “Trần triều” tại đền thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, một mặt thể hiện sự trân trọng tôn vinh trí tuệ quân sự linh thiêng của tiên tổ, đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của đông đảo nhân dân và du khách đến từ mọi miền của tổ quốc. Lễ khai ấn là một tục lệ lâu đời của nhà Trần sau khi đánh thắng quân Nguyên Mông lần thứ nhất, ngày 14 tháng giêng, tại Phủ Thiên Trường (Nam Định), Vua Trần Thái Tông mở tiệc chiêu đãi và thưởng công, phong tước cho các quan, quân có công trong việc đánh giặc. từ đó đến nay cứ vào ngày này các vua Trần lại tổ chức nghi thức khai ấn đầy nhân văn và thiết thực này. Nhắc nhở con cháu nhớ về công ơn tiên tổ, truyền thống dựng nước và giữ nước, khởi động một năm mới đầy may mắn.

bach dang giang dau an le hoi van minh

Tại Khu di tích Bạch Đằng Giang, lễ khai ấn được tổ chức trang nghiêm, thành kính. Sau khi hành lễ, hàng đoàn người thứ tự chậm rãi lần lượt nhận ấn, Việc phát ấn được thực hiện hoàn toàn miễn phí. Mỗi người kính cẩn nhận ấn với ước vọng sâu thẳm cầu bình an, may mắn và thành công trong năm mới.

Sự linh thiêng cũng như công tác tổ chức lễ hội Bạch Đằng Giang của Hải Phòng trong những năm qua, với tiêu chí 3 không “không thu phí, không bày bán hàng quán và không xả rác bừa bãi” đã trở thành một điểm sáng về văn minh, văn hóa được nhắc đến rất nhiều trong hàng ngàn lễ hội dịp đầu năm trên khắp cả nước, đã thực sự gây được ấn tượng tốt với người dân thành phố. “ Tiếng lành đồn xa” sự hấp dẫn muôn màu của lễ hội đang ngày càng thu hút rất đông du khách thập phương đến tham quan, thắp hương chiêm bái. Thưởng thức một không khí lễ hội đầy trang trọng linh thiêng tràn ngập trong khuôn viên di tích bên dòng Bạch Đằng lịch sử.

bach dang giang dau an le hoi van minh

Suốt trong những ngày diễn ra lễ hội, du khách sẽ được thưởng thức rất nhiều hoạt động văn hóa, thể thao gắn liền với truyền thống chiến đấu, chiến thắng Bạch Đằng Giang. Lễ kỷ niệm chiến thắng của Ngô Vương Quyền trên sông Bạch Đằng, cùng nhiều nghi lễ truyền thống như lễ cáo yết, lễ dâng hương, hội đua thuyền rồng, thả đèn hoa đăng… tái hiện sinh động, trực quan chiến thắng đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc của Ngô Vương Quyền, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, tôn vinh Khí thiêng sông núi “ Địa linh, Nhân Kiệt”

Với tầm vóc về giá trị lịch sử cùng công tác tổ chức tiêu chuẩn cao, thực sự trang nghiêm, tôn kính và nhân văn. Ngoài ý nghĩa văn hóa Lễ hội Bạch Đằng Giang đã dần trở thành một trong những hoạt động giáo dục trực quan, về truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của cha ông và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc một cách văn minh, hiện đại, nhận được rất nhiều những phản hồi tích cực của đông đảo nhân dân, du khách thập phương đến dâng hương, cũng như rất nhiều chuyên gia văn hóa truyền thống và đại diện các công ty du lịch trên mọi miền đất nước.

Quốc Cường – Tùng Dương

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/bach-dang-giang-dau-an-le-hoi-van-minh-73100.html

In bài viết