Vườn nổi – mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu tại Bangladesh

20:11 | 25/02/2019

Nhiều nông dân tại Bangladesh đang canh tác theo mô hình vườn nổi (floating garden) trên mặt nước trước diễn biến nóng lên toàn cầu.

vuon noi mo hinh ung pho voi bien doi khi hau tai bangladesh

Một khu vườn nổi tại Bangladesh. Ảnh: DW

Mùa hè năm 1988, một trận lũ tồi tệ tấn công Bangladesh gây nhiều thiệt hại mà đất nước này phải gánh chịu những năm sau đó.

Gia đình ông Hari Podo ở huyện Gopalganj không có nơi nào để thoát khỏi vùng nước dâng cao. Ông thu thập lục bình - một loại cây nổi phổ biến trong các kênh rạch, và xây dựng một chiếc bè rộng vài mét và dài khoảng 10m. Gia đình ông cùng vật nuôi tạm sinh sống ở đó.

Ông Podo nói với trang tin điện tử DW của Đức: “Chúng tôi sống trên bè lục bình. Con người ở sang một bên và động vật nuôi ở bên kia. Chúng tôi sống ở đó, trên mặt nước, khoảng 2 tháng”.

Việc hồi sinh những chiếc bè nổi như thế đã cứu gia đình ông . Nay, khi lũ lụt, ngập mặn trở thành một mối đe dọa lớn hơn bao giờ hết, vườn nổi có thể là nơi sinh kế của nhiều người.

Bangladesh là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất khi nói đến biến đổi khí hậu. Trái đất nóng lên, băng tan chảy, mực nước biển dâng cao kết hợp với sụt lún đất gây ngập mặn nhiều vùng, như xâm nhập vào đất sản xuất, thậm chí vào giếng nước của nhiều gia đình.

Từ năm 2000 đến 2009, xâm nhập mặn ăn sâu 15km bờ biển phía nam Bangladesh. Nhất là mùa khô, xâm nhập mặn đạt tới 160km vào đất liền và đe dọa 40% đất nông nghiệp khu vực.

Mahmud Shamsuddoha - người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu và phát triển tại thủ đô Dhaka, Bangladesh nói: “Xâm nhập mặn gây hại nghiêm trọng trong sản xuất nông nghiệp. Phía nam, nhiều nơi phải bỏ trống vì không thể canh tác. Chỉ trong vòng 1 thập kỷ qua, tỷ lệ GDP của nông nghiệp đã giảm từ 50% xuống còn khoảng 20%”.

vuon noi mo hinh ung pho voi bien doi khi hau tai bangladesh

Ông Hari Podo trên bè nổi chuẩn bị cho canh tác. Ảnh: DW

Nhiều nông dân canh tác thích nghi với điều kiện mới từ biến đổi khí hậu. Như ngôi làng Nazir Bazar ở quận Piorjasta, mọc lên từ vùng đất từng là khu rừng đầm lầy. Họ đổ đất lên mặt đất đầm lầy và đào kênh để giữ cho nó thoát nước, tạo ra một nền tảng vững chắc cho khu vườn của họ.

Ông Giassudin Saddar ở làng này trồng rau, chuối, ổi, dừa, xoài và đậu bắp. Mảnh đất của ông được bao quanh bởi những cây cao và một mê cung kênh rạch. Ông cũng rất lạc quan về tương lai: chúng ta đã học cách sống với một môi trường thay đổi.

Tổ chức Lương - nông thế giới (FAO) xem hệ thống nông canh trên mặt nước như tại Bangladesh là một phương thức canh tác quan trọng trên toàn cầu trước tình trạng nước biển dâng cao, gây ngập mặn, lụt lội.

Hàng trăm năm, nhiều ngôi làng tại Bangladesh sử dụng những vật liệu có sẵn như rơm rạ, lục bình, tre nứa… cùng với đất để tạo ra những chiếc bè hữu cơ nổi trên mặt nước, hay lớn hơn là hòn đảo thân thiện môi trường để gieo hạt và trồng cây tại đó. Đặc biệt, trên các nông trại nổi còn thiết kế cả pin năng lượng mặt trời để cung cấp điện khi cần.

Đáng nói, với mô hình canh tác vườn nổi trên mặt nước, cây trồng ít bị sâu bệnh và không cần phân bón, tưới nước. Tuy nhiên, không ít người cho rằng, mô hình này chỉ là một giải pháp cho các môi trường cụ thể, tùy theo điều kiện của từng vùng đất. Vấn đề là làm sao chúng ta phải bảo vệ môi trường, kìm hãm sự gia tăng của nhiệt độ trái đất để mang lại sự phát triển bền vững.

Quốc Hưng

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/vuon-noi-mo-hinh-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-tai-bangladesh-73088.html

In bài viết