Bộ GD&ĐT đưa ra giải pháp giảm tải trong chương trình giáo dục phổ thông mới

10:41 | 28/12/2018

Bộ GD&ĐT đã công bố kế hoạch triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm 2020-2021, bắt đầu từ lớp 1 với cam kết giảm tải so với chương trình hiện hành.

Giảm tải chương trình giáo dục từ lớp 1

Chiều 27/12 Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT cho biết: Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ triển khai với lớp 1 trên toàn quốc từ năm học 2020-2021. Các năm tiếp theo sẽ triển khai lần lượt với lớp 2, lớp 6 từ năm học 2021-2022...

Theo Bộ GD&ĐT, Chương trình giáo dục phổ thông mới đã giảm tải so với chương trình hiện hành là giảm số môn học, giảm số giờ học, chọn lọc nội dung giáo dục thiết thực, đổi mới phương pháp giáo dục, tạo điều kiện để học sinh được lựa chọn môn học, chủ đề học tập và tăng cường các hoạt động thực hành.

bo gddt dua ra giai phap giam tai trong chuong trinh giao duc pho thong moi

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh ANTĐ.

Cụ thể: Ở tiểu học, chương trình mới có 7 môn học ở lớp 1 và lớp 2; 9 môn học ở lớp 3; 10 môn học ở lớp 4 và lớp 5. Chương trình hiện hành có 10 môn học lớp 1, lớp 2 và lớp 3; 11 môn học ở lớp 4 và lớp 5.

Ở THCS, theo chương trình mới, các lớp đều có 12 môn học. Theo chương trình hiện hành, lớp 6 và lớp 7 có 16 môn học; lớp 8 và lớp 9 có 17 môn học.

Ở THPT, theo chương trình mới, các lớp đều có 13 môn học. Theo chương trình hiện hành, lớp 10 và lớp 11 có 16 môn học; lớp 12 có 17 môn học.

Về giờ học, ở bậc tiểu học, học sinh học 2.838 giờ. Theo chương trình hiện hành, học sinh học 2.353 giờ.

Chương trình mới là chương trình học 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 1,8 giờ/lớp/buổi học. Chương trình hiện hành là chương trình học 1 buổi/ngày (5 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 2,7 giờ/lớp/buổi học.

Ở THCS, học sinh học 3.070 giờ; giảm 54 giờ so với chương trình hiện hành.

Ở THPT, học sinh học 2.284 giờ; giảm 262 giờ so với chương trình Ban cơ bản hiện hành; giảm 315 giờ so với chương trình Ban A, Ban C hiện hành…

Chương trình giáo dục phổ thông mới chú ý hơn đến tính kết nối giữa chương trình của các lớp học, cấp học trong từng môn học và giữa chương trình của các môn học trong từng lớp học, cấp học. Việc xây dựng chương trình tổng thể lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, đặt cơ sở cho sự kết nối này.

6 giải pháp giảm tải

Theo Bộ GD&ĐT, có sáu nguyên nhân chính làm cho việc học hành của học sinh trở nên quá tải. Thứ nhất, nội dung giáo dục còn nặng về lý thuyết; nhiều nội dung không không thiết thực, vừa khó học, dễ quên, vừa không gây được hứng thú cho học sinh.

Thứ hai, phương pháp dạy học còn nặng về thuyết trình, không phát huy được tính tích cực của học sinh trong việc khám phá, thực hành và vận dụng kiến thức, khiến học sinh thiếu hứng thú học tập.

Thứ ba, thời lượng học được phân bổ đồng loạt đối với tất cả các trường trong cả nước, nhiều khi chưa tương thích với nội dung học tập; trong khi đó, giáo viên không được quyền chủ động bố trí thời lượng dạy học phù hợp với bài học, học sinh và điều kiện thực tế của trường, lớp mình.

Thứ tư, học sinh phải đối phó với nhiều kỳ thi, đặc biệt là thi chuyển cấp và thi tốt nghiệp THPT.

Thứ năm, hiện tượng dạy thêm học thêm tràn lan chiếm thời gian nghỉ ngơi, khiến học sinh căng thẳng và mệt mỏi.

Thứ sáu, do mong muốn quá nhiều ở con và do áp lực cạnh tranh, nhiều bậc cha mẹ bắt con tham gia quá nhiều chương trình học tập ngoài nhà trường.

bo gddt dua ra giai phap giam tai trong chuong trinh giao duc pho thong moi

Ảnh minh họa KT.

Để khắc phục, trong Chương trình GDPT mới vừa được chính thức công bố ngày 27/12, Bộ GD&ĐT đã đề ra những biện pháp để “giảm tải” cho học sinh. Theo đó, chương trình GDPT mới áp dụng sáu biện pháp “giảm tải”.

Đầu tiên là giảm số môn học và hoạt động giáo dục thông qua thực hiện dạy học tích hợp và sắp xếp lại kế hoạch giáo dục ở các cấp học. Chương trình GDPT mới giảm được số môn học so với chương trình hiện hành. Theo chương trình tiểu học mới, lớp 1 và lớp 2 có 7 môn học (giảm 3 môn); lớp 3 có 9 môn học (giảm 1 môn); lớp 4 và lớp 5 có 10 môn học (giảm 1 môn).

Theo Bộ GD&ĐT, để khắc phục được triệt để nguyên nhân gây quá tải, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, cơ sở giáo dục và giáo viên cần phối hợp chặt chẽ để quản lý việc dạy thêm học thêm; các bậc cha mẹ học sinh cũng cần tính toán để giúp con xây dựng kế hoạch học tập, vui chơi, nghỉ ngơi hợp lý, tránh tạo thêm áp lực cho con ngoài giờ học ở trường.

V.H (t/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/bo-gddt-dua-ra-giai-phap-giam-tai-trong-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-72999.html

In bài viết