Tổ tư vấn Kinh tế đưa ra 3 kịch bản triển vọng kinh tế Việt Nam

19:23 | 21/04/2018

Theo báo cáo do TS. Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng thì: “Tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy tăng năng suất lao động nội ngành cần được coi là mệnh lệnh chính trị đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, nâng cao chất lượng và tính bền vững của nền kinh tế, đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020, tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn tiếp theo”.

Báo cáo này được TS.Ngoạn trình bày ngày 21/4, tại cuộc làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Tổ tư vấn và lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

to tu van kinh te dua ra 3 kich ban trien vong kinh te viet nam

Thủ tướng làm việc với Tổ tư vấn kinh tế. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tổ tư vấn dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2018-2020 trên 3 kịch bản chính. Kịch bản 1, tăng trưởng GDP trung bình đạt 6,71%/năm; kịch bản 2 là 6,83%/năm và kịch bản 3 là 7,47%/năm.

Với 3 kịch bản được tính toán dựa trên mô hình kinh tế lượng dạng cấu trúc, Tổ tư vấn đề xuất mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân trong 3 năm tới, từ 2018-2020, ở mức 6,85%.

Cho rằng chủ nghĩa bảo hộ cùng xu hướng phản đối thương mại tự do đang có dấu hiệu gia tăng trong thời gian gần đây mà tiêu điểm là nguy cơ chiến tranh thương mại và tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc, Tổ tư vấn kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng kịch bản ứng phó các nguy cơ trên.

to tu van kinh te dua ra 3 kich ban trien vong kinh te viet nam

TS.Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng trình bày báo cáo tại buổi làm việc, Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tổ tư vấn cho rằng chính sách kinh tế năm 2018 và các năm tiếp theo cần tiếp tục ưu tiên mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đồng thời kiến nghị chưa tăng thuế đối với doanh nghiệp.

Thủ tướng cho rằng, có nhiều ý kiến quan trọng đối với việc định hình một số khung chính sách mà Chính phủ sẽ xử lý thời gian tới. Trong đó, nhiều ý kiến đã báo động cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những nguy cơ của nền kinh tế cũng như nêu ra nhiều vấn đề như bộ máy hành chính “trên nóng dưới lạnh”, không đồng bộ, vấn đề nguồn nhân lực, năng suất lao động, kết hợp giữa khu vực FDI và kinh tế trong nước…

Nhấn mạnh sự lạc quan và khát vọng về sự phát triển, Thủ tướng cho rằng, chưa thể thỏa mãn trước kết quả bước đầu vừa qua trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động và tồn tại không ít bất cập của nền kinh tế trong nước. Theo Thủ tướng, đây là điều gây nhiều lo lắng, phải có biện pháp ứng phó, “chứ chỉ có khát vọng thì chưa đủ mà nếu chủ quan thì dễ vấp ngã”.

Thủ tướng cho rằng, cần tiếp tục giải phóng sức sản xuất thông qua thể chế chính sách, đặc biệt là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Năng lực sản xuất trong nước đã gia tăng, vấn đề đặt ra là cần tìm thị trường mới, tổ chức sản xuất trong nước. Phải chuyển hướng tăng trưởng theo hướng xanh, chất lượng.

Thủ tướng nhìn nhận, chính sách kích cung vẫn được đặt ra trong bối cảnh hiện nay, đồng thời với đó là đẩy mạnh giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh.

Đặt vấn đề tìm động lực mới cho tăng trưởng, Thủ tướng nhất trí cho rằng, động lực là tiếp tục đổi mới thể chế quản lý, cải thiện môi trường đầu tư, nâng đỡ doanh nghiệp thông qua giảm chi phí và thủ tục, phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp tư nhân và đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế trong tất cả các lĩnh vực. “Chúng ta cố gắng tìm một số động lực cụ thể trong tiềm năng mà chúng ta đã nói trong báo cáo và các ý kiến phát biểu như du lịch, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp xuất khẩu”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng khẳng định sẽ thường xuyên gặp gỡ các nhà khoa học, trí thức để lắng nghe, trong đó đặc biệt là Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng.

H.V (t/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/to-tu-van-kinh-te-dua-ra-3-kich-ban-trien-vong-kinh-te-viet-nam-72709.html

In bài viết