100% đại biểu Quốc hội bỏ phiếu thông qua Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi)

08:17 | 21/06/2017

TĐO - Sáng 20/6, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã biểu quyết thông qua qua Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) với 458/458 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) với 458/458 đại biểu Quốc hội tham gia phiên họp sáng 20/6 biểu quyết tán thành (chiếm 93,28% tổng số đại biểu Quốc hội). Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.

100 dai bieu quoc hoi bo phieu thong qua luat tro giup phap ly sua doi

Các đại biểu Quốc hội có mặt trong phiên họp sáng nay tại kỳ họp thứ 3 đều nhất trí thông qua Luật hỗ trợ pháp lý (sửa đổi)

Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) gồm 8 chương, 51 điều, quy định về người được trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý; hoạt động trợ giúp pháp lý; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động trợ giúp pháp lý.

Luật xác định rõ, trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong các vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.

Trước đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) gồm các nội dung: người được trợ giúp pháp lý; quy định hỗ trợ thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý phức tạp, điển hình; hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý, đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý; Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý; quyền và nghĩa vụ của người thực hiện trợ giúp pháp lý; tiêu chuẩn của Trợ giúp viên pháp lý; giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi)

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, qua thảo luận, nhiều ý kiến nhất trí với quy định tại Điều 7 dự thảo Luật về người được trợ giúp pháp lý. Có ý kiến đề nghị rà soát quy định về trẻ em, người khuyết tật, nạn nhân của hành vi mua bán người cho thống nhất với các luật có liên quan. Có ý kiến đề nghị bổ sung một số đối tượng được trợ giúp pháp lý như: người thuộc hộ cận nghèo là người bị hại, người chấp hành xong án phạt tù, chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, người Việt Nam ở nước ngoài.

Nhóm người được trợ giúp pháp lý tăng gấp đôi so với Luật trợ giúp pháp lý hiện hành

Theo Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi), nhóm người được trợ giúp pháp lý trong dự thảo Luật được bao quát và mở rộng gấp đôi so với Luật hiện hành: tăng từ 7 nhóm lên 14 nhóm người được trợ giúp pháp lý. Cụ thể gồm: Người có công với cách mạng; Người thuộc hộ nghèo; Trẻ em; Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; Người nhiễm chất độc da cam; Người cao tuổi; Người khuyết tật; Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; Người nhiễm HIV. Đồng thời quy định, Chính phủ quy định chi tiết điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý quy định tại khoản này phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.

Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp tục mở rộng diện người được trợ giúp pháp lý đối với tất cả trẻ em khi có yêu cầu trợ giúp pháp lý; người dân tộc thiểu số “cư trú” mà không chỉ là “thường trú” ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đối với những người chưa được quy định trong Luật này thì vẫn có thể được các tổ chức luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật và tổ chức, cá nhân khác hỗ trợ pháp lý “miễn phí” theo quy định của pháp luật về luật sư, tư vấn pháp luật; khi điều kiện kinh tế - xã hội cho phép sẽ tiếp tục nghiên cứu để bổ sung những người này vào Luật Trợ giúp pháp lý.

Dự thảo Luật đã bỏ điều kiện đối với tổ chức hành nghề luật sư “có ít nhất 01 luật sư làm việc thường xuyên tại tổ chức” khi ký hợp đồng hoặc đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý để tránh quy định trùng lặp với quy định của Luật Luật sư; đồng thời, quy định tổ chức tư vấn pháp luật được ký kết hợp đồng trợ giúp pháp lý khi “có ít nhất 01 tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên hoặc 01 luật sư làm việc thường xuyên tại tổ chức”. Bổ sung làm rõ quyền của người được trợ giúp pháp lý có thể gửi yêu cầu trợ giúp pháp lý thông qua cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng...

Minh Duy

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/100-dai-bieu-quoc-hoi-bo-phieu-thong-qua-luat-tro-giup-phap-ly-sua-doi-71720.html

In bài viết