Có thể thu được 5.000 tỷ đồng từ việc đấu giá biển số đẹp năm 2016

16:23 | 29/05/2017

TĐO - Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng qua khảo sát với số lượng ô tô bán trong năm 2016 là hơn 300 ngàn chiếc thì nếu đấu giá biển số đẹp thì có thể thu được 5.000 tỷ đồng. Đồng thời đề nghị Quốc hội cần giao cho Chính phủ bộ ngành tiếp thu quy định về việc đấu giá biển số xe.

Thảo luận về Dự thảo Luật quản lý, sử dụng tài sản công, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Bình Định bày tỏ sự đồng tình với việc Uỷ ban Thường vụ Quốc đã tiếp thu đưa biển số xe là tài sản công.

Tuy nhiên, đại biểu Cảnh đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần xác nhận rõ là nếu đồng ý biển số xe được định giá đấu giá, thành tài sản của chủ phương tiện thì khi thông qua Luật Quản lý, sử dụng tài sản công cần bãi bỏ việc cấm mua bán biển số xe vốn được quy định trong Luật giao thông đường bộ.

Về ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ, cụ thể việc tiếp nhận các tài sản cho/biếu/tặng ngay trong Luật, vì thực tế hiện nay một số cơ quan, đơn vị sử dụng các tài sản cho, biếu, tặng (ô tô) không đúng tiêu chuẩn, định mức, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cho biết, pháp luật đã quy định các cơ quan, đơn vị chỉ được nhận quà tặng theo đúng quy định của pháp luật.

co the thu duoc 5000 ty dong tu viec dau gia bien so dep nam 2016

Ảnh minh họa

Đối với quà tặng không đúng chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng thì đại diện cơ quan, đơn vị phải từ chối và giải thích rõ lý do với người tặng quà. Trường hợp tổ chức, cá nhân tặng cho vẫn có nguyện vọng thì phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc xác lập quyền sở hữu của Nhà nước và xử lý theo quy định của pháp luật.

"Thực tế hiện nay, việc tiếp nhận và sử dụng các tài sản cho/biếu/tặng có nhiều trường hợp sai quy định, gây dư luận không tốt, đặc biệt đối với tài sản là ô tô và các tài sản phục vụ cho cá nhân", ông Hải nói.

Đề cập đến việc sử dụng ô tô và các tài sản khác do các tổ chức, cá nhân biếu tặng không đúng mục đích, đang được dư luận quan tâm hiện nay, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất trong quản lý, sử dụng tài sản công là cơ quan, tổ chức phải tuân thủ nghiêm các quy định của Nhà nước.

“Thời gian qua, một số trường hợp gây bức xúc dư luận là việc nhận ô tô đắt tiền cho lãnh đạo cơ quan sử dụng. Vì vậy, cơ quan soạn thảo thống nhất cao với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy định cấm sử dụng ô tô, các tài sản khác do tổ chức, cá nhân biếu tặng không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ và sử dụng cho cá nhân”, Bộ trưởng Tài chính khẳng định.

Về thẩm quyền quyết định sử dụng tài sản công, ông Đinh Tiến Dũng cho hay, việc giao cho Chính phủ phân cấp thẩm quyền quyết định về mua sắm, thuê, mua, điều chuyển, chuyển nhượng, thay thế, thanh lý, tiêu… tài sản công là phù hợp với chính sách hiện hành và trong thực tiễn vừa qua không có gì vướng mắc.

“Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Quốc hội giao cho Chính phủ quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó có việc đầu tư, xây dựng, mua sắm, khai thác tài sản công và các vấn đề khác có liên quan theo nội dung, báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng kiến nghị.

Tuấn Kiệt (t/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/co-the-thu-duoc-5000-ty-dong-tu-viec-dau-gia-bien-so-dep-nam-2016-71687.html

In bài viết