Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được bảo vệ hơn là hỗ trợ

16:50 | 13/04/2017

TĐO – Với mong muốn góp ý, hoàn thiện Dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng hợp lý, khả thi hơn và đạt được các mục tiêu đề ra, ngày 13/4, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện Dự án Luật.

Hội thảo đã thu hút hơn 100 đại biểu là các đại diện Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, chuyên gia trên khắp cả nước.

Theo Tổng cục thống kê, có khoảng 97% tổng số doanh nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), đóng góp hơn 40% GDP cuả đất nước. Dự án Luật hỗ trợ DNNVV là dự án luật rất quan trọng, tác động đến đông đảo doanh nghiệp. Dự án Luật được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của DNNVV, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Việc lấy ý kiến dự thảo Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) lần này được coi là rất quan trọng trước khi dự thảo Luật được trình Quốc hội vào tháng 5/2017.

Sau một thời gian lấy ý kiến, chỉnh sửa, đến nay dự thảo Luật có 4 chương, 38 điều, trong đó đề ra 7 nội dung hỗ trợ cho các DNNNV, gồm: hỗ trợ tiếp cận vốn tín dụng, thuế, mặt bằng sản xuất, hỗ trợ ươm tạo và nâng cao năng lực công nghệ, hỗ trợ mở rộng thị trường, hỗ trợ thông tin và tư vấn, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực.

doanh nghiep nho va vua can duoc bao ve hon la ho tro

Các đại biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo

Góp ý cho điều 29 của dự thảo luật, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa cho rằng, DNNVV hoạt động tại các địa phương và nằm trong nhiều hiệp hội ngành hàng khác nhau. Nếu theo dự thảo luật, trách nhiệm của Hiệp hội DNNVV Việt Nam rất lớn, những hỗ trợ của Nhà nước cho DNNVV gần như đều phải thông qua Hiệp hội DNNVV Việt Nam, trong khi đó có nhiều DNNVV chỉ tham gia vào hiệp hội ngành hàng, hiệp hội DN tại các địa phương.

Theo ông Đệ, luật chỉ nên quy định chung, không nên đi vào chi tiết cho từng nhiệm vụ của Hiệp hội. Hơn nữa, hiện nay các tỉnh đang sát nhập thành hiệp hội DN các tỉnh, nhiều địa phương bỏ Hiệp hội DNNVV, vì trong quá trình hoạt động, việc có quá nhiều hiệp hội DN sinh ra nhiều mâu thuẫn trong hoạt động hội địa phương. Do đó, đại diểu này đề nghị ban soạn thảo xem và cân nhắc nội dung điều luật này, vì nếu luật được phê duyệt, khi thực hiện sẽ không hấp thụ được ở các địa phương.

Góp ý cho dự thảo luật này, ông Phan Đăng Tuất – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã chỉ ra các điểm bất cập. Một là dự thảo Luật đề ra giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Đây là vấn đề nhạy cảm, “kiêng kỵ” bởi lẽ sự hỗ trợ này dễ vi phạm cam kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia.

Theo ông Tuất, DNNVV là tế bào kinh tế của đất nước, họ cần môi trường kinh doanh minh bạch, sòng phẳng, được bảo vệ trước hàng rào của FTA, trước việc thương lái ép giá và nhiều thủ tục hành chính chứ không cần được hỗ trợ.

Đồng quan điểm này, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh cho rằng, nên xem xét kỹ trước khi ban hành bởi DNNVV khó tiếp cận được sự hỗ trợ.

doanh nghiep nho va vua can duoc bao ve hon la ho tro

Ông Phan Đăng Tuất phát biểu về việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico góp ý, dự án Luật đang hỗ trợ đối tượng quá rộng, cần phân biệt rõ để có sự hỗ trợ khác nhau. Có thể xem xét bỏ việc hỗ trợ đối với doanh nghiệp vừa (nhất là tiêu chí xếp hạng doanh nghiệp vừa theo Dự thảo đúng ra có thể coi là doanh nghiệp lớn), chỉ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, trong đó có các hộ kinh doanh.

"Đặc biệt lưu ý, doanh nghiệp siêu nhỏ gần như không có người đỡ đầu, không tham gia VCCI và các Hiệp hội doanh nghiệp, vì vậy vị thể trên thực tế giống như vừa là “trẻ em” vừa là “mồ côi”, ông Đức phát biểu.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may cũng chỉ ra bất cập trong việc phân loại doanh nghiệp vừa nhỏ. "Tiêu chí mức vốn dưới 100 tỷ đồng vậy đây là vốn điều lệ hay vốn tổng tài sản trên báo cáo tài chính?", ông Giang đặt dấu hỏi. Tài liệu nào để chứng minh đây là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tránh các doanh nghiệp lớn đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ để chuyển giá.

Chia sẻ với các ý kiến đóng góp tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết các thảo luận Dự án Luật hiện nay cũng đang xem xét kỹ tới tên gọi của dự án, có thể đề xuất đổi thành "Luật phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa" để phù hợp hơn trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Thùy Linh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/doanh-nghiep-nho-va-vua-can-duoc-bao-ve-hon-la-ho-tro-71611.html

In bài viết