Tăng cường nguồn lực vùng dân tộc thiểu số và miền núi để thoát "rốn nghèo"

19:12 | 15/10/2018

TĐO-Hiện nay, vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là "rốn nghèo". Thu nhập bình quân đầu người thấp, số hộ nghèo còn cao, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, xu hướng gia tăng khoảng cách giàu - nghèo ngày càng rõ rệt. Tốc độ giảm nghèo không đồng đều giữa các vùng, miền; nhiều huyện thuộc Chương trình 30a có tỷ lệ hộ nghèo rất cao.

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 28, UBTVQH cho ý kiến về Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 và Báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 24, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, các Bộ, ngành, địa phương nhìn chung đã thực hiện với trách nhiệm cao và thực chất các chính sách về cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng...

tang cuong nguon luc vung dan toc thieu so va mien nui de thoat ron ngheo

Cơ cấu lại nền kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực.

Cũng trong chương trình làm việc, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo Tờ trình của Chính phủ, trong giai đoạn 2016-2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã dành sự quan tâm đặc biệt, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách dân tộc, hỗ trợ phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, vùng dân tộc thiểu số, miền núi giảm xuống còn 35,28% (giảm 4,33% so với năm 2016). Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm còn khoảng 28,45%. Tính đến tháng 8/2018, có 1.052 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 22,29%. Từ năm 2016 đến 8/2018, có khoảng 480 nghìn người dân tộc thiểu số được học nghề, trong đó: 130 nghìn người (chiếm 8%) học trung cấp, cao đẳng (trong đó có 62.748 người dân tộc thiểu số được hỗ trợ học trung cấp, cao đẳng nội trú theo Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); 350 nghìn người dân tộc thiểu số (chiếm 21%) được hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng theo chính sách của đề án 1956.

tang cuong nguon luc vung dan toc thieu so va mien nui de thoat ron ngheo

Nhiều chính sách hỗ trợ người dân vùng đồng bào dân tộc và miền núi.

Từ năm 2016 - 2018, ngân sách trung ương bố trí hơn 11 nghìn tỷ đồng để thực hiện chương trình, chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số, học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn, cho giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Năm học 2017-2018, tổng số học sinh dân tộc thiểu số chiếm khoảng 16% tổng số học sinh của cả nước. Mạng lưới trường lớp, giáo dục mầm non, phổ thông vùng dân tộc thiểu số và miền núi được củng cố, mở rộng.

Báo cáo thẩm tra của Hội đồng dân tộc cũng chỉ rõ, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên hiện nay vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là rốn nghèo, nơi khó khăn nhất của cả nước, thu nhập bình quân đầu người thấp, số hộ nghèo còn cao và chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số hộ đồng bào dân tộc, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, xu hướng gia tăng khoảng cách giàu - nghèo ngày càng rõ rệt; tốc độ giảm nghèo không đồng đều giữa các vùng, miền; nhiều huyện thuộc Chương trình 30a có tỷ lệ hộ nghèo rất cao.

Hội đồng Dân tộc cũng cho rằng, kết quả giảm nghèo ở các vùng phụ thuộc vào cơ cấu dân cư, dân tộc. Con số giảm nghèo chung ở các vùng chưa phản ánh đúng thực chất cho vùng dân tộc. Do vậy, Chính phủ cần có số liệu phân tích bổ sung rõ hơn về thu nhập bình quân, số hộ nghèo và tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào dân tộc ở các khu vực (nhất là Miền núi phía Bắc, Duyên hải Miền Trung và Tây Nguyên) để thấy rõ hơn thực chất kết quả giảm nghèo.

Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao những cố gắng của Chính phủ trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong 3 năm qua; cho rằng các hoạt động của Chính phủ đã bám sát các nội dung Quốc hội đề ra và đạt được kết quả khá toàn diện.

Xuân Hòa

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/tang-cuong-nguon-luc-vung-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-de-thoat-ron-ngheo-70399.html

In bài viết