Cán bộ làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn một số hạn chế

10:56 | 30/09/2018

TĐO- Tại buổi làm việc với bộ, ngành để xem xét các dự thảo Báo các chuẩn bị trình UBTVQH, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết: Tình hình khiếu nại, tố cáo đang có xu hướng tăng hơn so với cùng kỳ các năm trước, nhất là tại một số địa phương có tốc độ phát triển kinh tế-xã hội cao.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết: Từ ngày 16/8/2017 đến 15/8/2018, Quốc hội đã nhận được 43.324 đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân tăng 469 đơn thư so với cùng kỳ, riêng Ban Dân nguyện nhận được 18.715 đơn. Trong đó có hơn 72% đơn trùng lặp, công dân gửi nhiều lần, gửi nhiều cơ quan, đơn nặc danh, mạo danh, khuyết danh, đơn không rõ nội dung.

Sau khi xem xét, 7.043 đơn đủ điều kiện xử lý đã được gửi đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đạt tỷ lệ gần 60%. Quốc hội đã nhận được 4.285 văn bản trả lời, đạt tỷ lệ 60%, còn 2.758 vụ việc đã chuyển đơn nhưng Quốc hội chưa nhận được văn bản trả lời của cơ quan có thẩm quyền, chiếm 39,16%.

can bo lam cong tac giai quyet khieu nai to cao con mot so han che

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải.

Trong kỳ, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với 9 tỉnh, thành phố. Đề nghị Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và UBND 54 tỉnh, thành phố báo cáo về công tác tiếp công dân, kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo do Quốc hội chuyển đến.

Kết quả xem xét báo cáo và kết quả giám sát cho thấy, tình hình khiếu nại, tố cáo tiếp tục có xu hướng tăng hơn so với cùng kỳ các năm trước, nhất là tại một số địa phương có tốc độ phát triển kinh tế-xã hội cao, có nhiều dự án, công trình quan trọng được triển khai có liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng; có nơi, có lúc còn có hiện tượng lôi kéo, kích động tụ tập đông người để gây sức ép với cơ quan có thẩm quyền. Nội dung khiếu nại, tố cáo tương tự như các đơn thư gửi đến Quốc hội.

Ban Dân nguyện đánh giá: Việc tham mưu, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo do Quốc hội chuyển đến Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được quan tâm xem xét, xử lý theo trách nhiệm và có nhiều chuyển biến tích cực; đã tổ chức đoàn liên ngành để thẩm tra, xác minh việc giải quyết đối với một số vụ việc có kiến nghị cụ thể của cơ quan giám sát; đã tăng cường phối hợp với Ban Dân nguyện trong việc tiếp công dân, xem xét, đôn đốc cơ quan có thẩm quyền giải quyết và đạt được kết quả đáng khích lệ, như: việc tiếp công dân phục vụ các kỳ họp Quốc hội; việc giải quyết một số vụ việc phức tạp. Các cơ quan đã tích cực, chủ động tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài tiềm ẩn nguy cơ trở thành “điểm nóng”.

can bo lam cong tac giai quyet khieu nai to cao con mot so han che

Trong một năm Quốc hội nhận được hơn 43.000 đơn thư khiếu nại tố cáo.

Tuy nhiên, việc thông báo kết quả giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo do Quốc hội chuyển đến còn chưa được quan tâm đúng mức; chậm đề xuất, đôn đốc việc thực hiện một số nội dung kiến nghị giám sát tại Báo cáo kỳ trước của UBTVQH, như chưa có báo cáo việc tổng kết Nghị quyết 23 và Nghị quyết 755, một số vụ việc cụ thể có kiến nghị từ các kỳ trước còn để kéo dài. Những hạn chế có nguyên nhân là do nhiều vụ việc rất phức tạp, đã được xem xét ở nhiều cấp, những ý kiến của một số cơ quan Trung ương và địa phương còn khác nhau. Năng lực, ý thức trách nhiệm nhất là kỹ năng trong tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư, giải quyết khiếu nại tố cáo của một số cán bộ công chức còn hạn chế...

Tại buổi làm việc, Ban Dân nguyện cũng chỉ rõ: Việc bố trí cán bộ làm công tác tiếp công dân, tham mưu về giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian qua còn hạn chế về nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác, chưa đáp ứng yêu cầu, một số nơi tỷ lệ cán bộ chuyên ngành luật còn thấp, như ở Thái Nguyên chiếm tỷ lệ 14,2%, Hà Giang chiếm tỷ lệ 19%...

Việc luân chuyển, điều động, triển khai công tác cán bộ thực hiện công tác tiếp công dân có nơi không hợp lý, không phù hợp chuyên môn hoặc thực hiện chính sách cán bộ. Nhận thức về giải quyết khiếu nại, tố cáo của một số cán bộ, nhất là cấp cơ sở còn hạn chế, ngại va chạm cũng dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; công tác phối hợp xử lý khiếu kiện đông người, phức tạp ở một số địa phương còn lúng túng, thiếu chủ động nên người dân khiếu kiện vượt cấp.

Công tác kiểm tra, thanh tra trách nhiệm đối với thủ trưởng các đơn vị hành chính các cấp trong thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chưa được thường xuyên, còn hình thức. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, cập nhật dữ liệu về tiếp công dân, xử lý lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chậm được triển khai; công tác phối hợp giữa các cơ quan Trung ương, địa phương và cơ quan dân cử để trao đổi thông tin về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo còn nhiều hạn chế...

Xuân Hòa

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/can-bo-lam-cong-tac-giai-quyet-khieu-nai-to-cao-con-mot-so-han-che-70377.html

In bài viết