Lùi dự Luật sửa đổi Luật Thuế bảo vệ môi trường: “Việc lấy ý kiến nhân dân chưa thực hiện chặt chẽ theo quy trình"

18:20 | 30/05/2018

Các Uỷ ban tán thành với đề nghị của Chính phủ lùi thời điểm trình Quốc hội dự luật này sang kỳ họp thứ 8 để có thêm thời gian nghiên cứu.

Tiếp theo chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 5, sáng 30/5, Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.

Cần thêm thời gian để đánh giá thận trọng

Trình bày Tờ trình, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đối với Chương trình năm 2018, Chính phủ đề nghị lùi thời gian trình 2 dự án luật. Đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 8 để xem xét thông qua theo quy trình tại một kỳ họp. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự từ kỳ họp thứ 5 sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6.

Ủy ban Pháp luật thống nhất với ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, tán thành với đề nghị của Chính phủ lùi thời điểm trình Quốc hội dự án Luật này sang kỳ họp thứ 8 để có thêm thời gian nghiên cứu, đánh giá một cách thận trọng, bảo đảm khoa học và phù hợp với thực tiễn.

lui du luat sua doi luat thue bao ve moi truong viec lay y kien nhan dan chua thuc hien chat che theo quy trinh

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định. Ảnh: VOV

Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị vẫn giữ việc trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật này theo quy trình tại hai kỳ họp Quốc hội để xem xét một cách thận trọng, vì đây là dự án Luật có nội dung quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân.

“Đề nghị đưa dự án này vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và thông qua tại kỳ họp thứ 9; tại kỳ họp thứ 8, căn cứ vào nội dung, chất lượng chuẩn bị của dự án, Quốc hội sẽ quyết định thông qua ngay tại kỳ họp thứ 8 hay tại kỳ họp tiếp theo”, ông Nguyễn Khắc Định nói.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đề nghị đưa ra khỏi Chương trình dự án Luật Công an xã để nhập nội dung vào Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Bổ sung mới vào Chương trình 10 dự án, trong đó có 6 dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến luật Quy hoạch được đề nghị soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Chưa sát sao lấy ý kiến nhân dân

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (đoàn Quảng Ngãi) lưu ý một trong những nguyên nhân khiến cho chất lượng dự án luật còn hạn chế chính là phương thức và đối tượng lấy ý kiến vào dự án luật. Nhiều năm nay vẫn còn tồn tại những hạn chế chưa được xử lý triệt để.

lui du luat sua doi luat thue bao ve moi truong viec lay y kien nhan dan chua thuc hien chat che theo quy trinh

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang. Ảnh: quochoi.vn

Theo nữ đại biểu, việc lấy ý kiến còn hình thức, đối tượng chưa đầy đủ, sự tham gia của các cơ quan chức năng còn nặng về hình thức, chưa làm hết trách nhiệm. Chính điều này đã làm giảm chất lượng dự thảo trình Quốc hội, gây mất thời gian thảo luận, tranh luận mà đáng ra có vấn đề có thể giải quyết ngay từ khâu soạn thảo.

“Việc lấy ý kiến nhân dân chưa thực hiện chặt chẽ theo quy trình cụ thể nhằm đảm bảo sự tham gia của người dân, dẫn tới có luật, Nghị định mới ban hành đã có sự phản ánh, nhiều ý kiến khác nhau trong xã hội”, bà Phạm Thị Thu Trang nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Vương Ngọc Hà (đoàn Hà Giang) cho rằng, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật xác định rõ trách nhiệm của cơ quan đề nghị và soạn thảo dự án luật trong việc lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động trực tiếp. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần sớm có hướng dẫn chi tiết, quy định rõ ràng chủ thể tiến hành lấy ý kiến và thể hiện rõ vai trò của các đại biểu Quốc hội trong quá trình lấy ý kiến để tránh tính hình thức như thời gian qua.

V.H (t/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/lui-du-luat-sua-doi-luat-thue-bao-ve-moi-truong-viec-lay-y-kien-nhan-dan-chua-thuc-hien-chat-che-theo-quy-trinh-69975.html

In bài viết