Đầu tư công không thể đẩy nhanh bằng hô hào, khẩu hiệu

09:35 | 25/05/2018

Lĩnh vực đầu tư công chiếm phân nửa những nhiệm vụ Quốc hội giao cho ngành kế hoạch và đầu tư. Liên tiếp tại nhiều kỳ họp của QH, tình trạng đầu tư dàn trải, đội vốn gây thất thoát lãng phí trong đầu tư công đều làm nóng nghị trường.

Thực tế thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều động thái để bảo đảm thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư công. Đơn cử, từ tháng 7/2017, Bộ đã xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí lập kế hoạch đầu tư công năm 2018 theo hướng đơn giản hóa, minh bạch, đúng quy định và chỉ làm một lần “một lên, một xuống”; đồng thời trao quyền chủ động tối đa cho các địa phương. Theo đó, Bộ chỉ thông báo tổng nguồn vốn kế hoạch 2018, các địa phương chủ động lựa chọn chương trình mục tiêu, danh mục dự án và mức vốn bố trí cụ thể phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển của từng địa phương.

Bộ cũng báo cáo Thủ tướng cho phép điều chuyển toàn bộ số vốn phân bổ chưa đúng quy định của các bộ, ngành và địa phương để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi ứng trước mà không thông báo cho các bộ, ngành và địa phương số vốn chưa đúng quy định để điều chỉnh lại như các năm trước. Ngoài ra, Bộ đã tin học hóa toàn diện công tác xây dựng kế hoạch 2018 thông qua Hệ thống thông tin đầu tư công quốc gia và phân quyền hệ thống truy cập. Sau khi áp dụng Hệ thống thì quy trình tổng hợp, rà soát kế hoạch đã rút ngắn xuống còn 7 ngày.

Trong báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của QH về hoạt động chất vấn đã được gửi đến các ĐBQH, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: “Việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2018 được thực hiện theo đúng các Nghị quyết của QH. Trong phương án phân bổ của các bộ, ngành, địa phương bảo đảm bố trí vốn để thanh toán tối thiểu 20% tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn NSTƯ giai đoạn 2016 - 2020 còn lại chưa thanh toán và thu hồi tối thiểu 20% số vốn ứng trước nguồn NSTƯ dự kiến thu trong giai đoạn 2016 - 2020 còn lại chưa thu hồi. Các bộ, ngành, địa phương cơ bản phân bổ theo đúng thứ tự ưu tiên theo quy định của pháp luật”…

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận một hạn chế trong thực hiện đầu tư công là “việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2018 của các bộ, ngành và địa phương trong những tháng đầu năm còn chậm”, nhưng lại không nói cụ thể là chậm như thế nào. Để biết rõ thực trạng, phải nhờ vào Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017, kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2018 của Ủy ban Kinh tế.

Báo cáo chỉ rõ: Tốc độ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước đạt thấp (4 tháng đầu năm ước giải ngân đạt 16,4% dự toán, thấp hơn mức 22,3% cùng kỳ năm 2017); một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia chậm tiến độ; chậm hoàn thành thủ tục trình QH quyết định chủ trương đầu tư đối với một số dự án ODA có tổng mức đầu tư lớn tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.

“Các hạn chế trong giải ngân vốn đầu tư đã diễn ra trong nhiều năm qua nhưng chưa được khắc phục kịp thời”, Ủy ban Kinh tế nhận định. Nói nôm na, “giải ngân vốn đầu tư công còn chậm” đã trở thành “mãn tính”.

Mới đây, tại cuộc làm việc với một số bộ, ngành, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng việc giải ngân vốn đầu tư công chậm là “không thể chấp nhận”. Nhiều ĐBQH cũng chung tâm trạng “sốt ruột” này. Bởi lẽ, một đồng đầu tư công là vốn mồi, khi giải ngân chậm thì các nguồn vốn khác cũng chậm theo. Vốn ra chậm ngày nào thì chậm tăng trưởng ngày đó. Giải ngân chậm cũng sẽ làm ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô khi Nhà nước huy động được tiền từ trái phiếu, ODA mà lại không thể tiêu được!

Tại phiên thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế, xã hội sáng 22/5, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự quan ngại trước tình trạng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm trễ, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của nhiều địa phương.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2016, cả nước giải ngân vốn đầu tư công đạt 91,3% kế hoạch vốn giao, năm 2017 tỷ lệ này thấp hơn khi đạt 85,6%. Trong quý I/2018, cả nước mới giải ngân được 9,4% kế hoạch vốn.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đương nhiên đã nhận ra và có những động thái cụ thể. Theo đó, ngày 9/3/2018, Bộ có công văn số 1375/BKHĐT-TH đẩy nhanh thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2018 gửi các bộ, ngành, địa phương. Trong đó nêu rõ, “người đứng đầu bộ, ngành và địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân của cơ quan mình”. Tuy nhiên đến nay, câu chuyện trách nhiệm này vẫn còn rất mù mờ! Tương tự, việc sửa đổi các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư công cũng như sửa đổi luật này được kỳ vọng sẽ tạo ra diện mạo mới trong việc thực hiện đầu tư công - đáng tiếc cũng mới chỉ dừng ở các dự thảo!

Nhìn vào 7 nhóm giải pháp Bộ Kế hoạch Đầu tư đề ra để thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2018 trong báo cáo gửi đến QH, không khó để nhận ra những giải pháp này không hề mới, như: “Tiếp tục triển khai đồng bộ chủ trương, định hướng cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại đầu tư công đã được QH phê duyệt tại Nghị quyết số 24/2016/QH14”, “hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư”, “thực hiện có hiệu quả các giải pháp về cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, trong đó tăng tỷ trọng chi hợp lý, giảm tỷ trọng chi thường xuyên”, “tăng cường công tác theo dõi, đánh giá, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện đầu tư công”… Những giải pháp chung chung này liệu có giúp đẩy nhanh giải ngân đầu tư công hay không? Câu trả lời chắc chắn là không. Điều mà cử tri, ĐBQH mong chờ ở Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dĩ nhiên không phải chỉ là những khẩu hiệu “tiếp tục triển khai” hay “tăng cường công tác”. Mà đã đến lúc Bộ trưởng cần có những hành động quyết liệt hơn - thuộc thẩm quyền của mình, như một lời cảnh báo, đề xuất cắt vốn, điều chuyển vốn đối với những dự án nào không hoàn thành hay quy rõ ràng trách nhiệm thuộc về ai trong việc giải ngân vốn đầu tư công chậm.

P.H (t/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/dau-tu-cong-khong-the-day-nhanh-bang-ho-hao-khau-hieu-69936.html

In bài viết