Nhân Hội nghị T.Ư khóa 12: Những di sản vô giá trong tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ

09:08 | 08/05/2018

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới việc rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, nâng cao năng lực trong công việc của mỗi cán bộ, đảng viên. Người khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”,“muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, nên trong công tác cán bộ “phải hiểu và đánh giá đúng cán bộ”; “phải trọng nhân tài”.

"Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém"

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng một khi đã có đường lối cách mạng đúng đắn thì công tác cán bộ là khâu quyết định. Người viết: "muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém". Vì theo Người, nói đến cán bộ là nói đến cả đức và tài, không thể coi nhẹ mặt nào; trong đó đức là gốc, người cán bộ có đức thì bao giờ cũng phấn đấu không ngừng. Cán bộ là những người đem đường lối, chính sách của Ðảng, Nhà nước giải thích cho nhân dân hiểu rõ và thi hành; đồng thời nắm bắt tình hình, nguyện vọng của nhân dân báo cáo lại với Ðảng, Nhà nước hiểu rõ để đặt chính sách cho đúng.

nhan hoi nghi tu khoa 12 nhung di san vo gia trong tu tuong ho chi minh ve cong tac can bo

Ảnh minh họa (Nguồn: Dân trí)

Thực tế là mọi chủ trương, đường lối của Ðảng và Nhà nước đều do cán bộ nghiên cứu rồi đề xuất, đồng thời cũng do cán bộ tổ chức, hướng dẫn nhân dân thực hiện. Ðường lối của Ðảng đúng hay sai, tổ chức thực hiện thành hay không đều phụ thuộc vào đội ngũ cán bộ. Ðộng lực của mọi cuộc cách mạng là quần chúng nhân dân, mà hạt nhân chủ yếu của nó là lực lượng cán bộ. Người nói: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", chính là quan điểm về con người với vai trò vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng. Ðó là biểu hiện cụ thể của quan điểm "lấy dân làm gốc".

"Nếu biết tùy tài mà dùng người" thì sẽ thành công

Về tầm quan trọng của việc sử dụng, bố trí cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Phải cất nhắc cán bộ một cách cho đúng" và "Phải khéo dùng cán bộ". Người viết: "Khi cất nhắc cán bộ cần phải xét rõ người đó có gần gụi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không", nghĩa là phải xem xét uy tín cán bộ trước quần chúng đến mức độ nào và phải xem người ấy xứng đáng với việc gì. "Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc. Nếu cất nhắc không cẩn thận, không khỏi đem người bô lô ba la, chỉ nói mà không biết làm vào những địa vị lãnh đạo. Như thế rất có hại". Người chỉ ra tác dụng của việc bố trí sử dụng đúng người, đúng việc "Nếu biết tùy tài mà dùng người" thì sẽ thành công.

Bác còn nhắc nhở: Cân nhắc và khéo dùng cán bộ, dùng đúng cán bộ là trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, bởi vì không đánh giá, sử dụng đúng cán bộ sẽ dẫn đến sự lãng phí nhân tài là sự lãng phí lớn nhất của đất nước. Theo Bác: "Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ". "Người đời ai cũng có chỗ hay, chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được"; "Thường chúng ta không biết tùy tài mà dùng người. Thí dụ: thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao"; "Cất nhắc cán bộ, phải vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Như thế công việc nhất định chạy. Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong Ðảng. Như thế là có tội với Ðảng, có tội với đồng bào".

Quan điểm và phương pháp đánh giá, sử dụng cán bộ của Bác đầy tính nhân văn. Bác vừa tin yêu, vừa nghiêm khắc, vừa độ lượng đối với cán bộ. Bác nhấn mạnh cần phải tạo ra môi trường "khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến", "có gan phụ trách, có gan làm việc"; "Khi đã trao cho họ phải hoàn toàn tin họ. Không nên sớm ra lệnh này, trưa đổi lệnh khác". Ðảng phải thương yêu cán bộ nhưng thương yêu không phải là vỗ về, nuông chiều, phó mặc, mà "thương yêu là giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm", là "hễ thấy khuyết điểm là giúp họ sửa chữa ngay để vun trồng cái thói có gan phụ trách, cả gan làm việc của họ". Theo Bác, thương yêu cán bộ chính là ở thái độ thưởng phạt công minh, có thành tích thì khen, có khuyết điểm phải phạt. Bác nhấn mạnh: "Người đời, ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm. Chúng ta không sợ sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu sửa chữa sai lầm và khuyết điểm". Chỉ sợ những người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa sai lầm và khuyết điểm.

“Cán bộ phải thực hành chữ liêm trước để làm kiểu mẫu cho dân”

Cùng với việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng tốt đội ngũ cán bộ, điều rất quan trọng là phải thường xuyên và kiên quyết đấu tranh làm trong sạch bộ máy, loại bỏ những cán bộ không còn đủ phẩm chất. Ngay từ những ngày đầu của chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ quyết tâm đấu tranh chống những căn bệnh dễ mắc trong bộ máy Nhà nước. Người kịch liệt phê phán những khuyết điểm của các cán bộ: làm trái, cậy thế, chia rẽ, kiêu ngạo, hách dịch, ăn hối lộ, hủ hóa.

Tháng 11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời trước kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I về những thành viên của Chính phủ không trong sạch: “Chính phủ đã hết sức làm gương, và nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết”. Theo Người: “Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Vì vậy, cán bộ phải thực hành chữ Liêm trước để làm kiểu mẫu cho dân./.

Anh Duyên (tổng hợp)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nhan-hoi-nghi-tu-khoa-12-nhung-di-san-vo-gia-trong-tu-tuong-ho-chi-minh-ve-cong-tac-can-bo-69858.html

In bài viết