"Bạn được cộng điểm, tôi thì không": Có bất công?

16:21 | 10/08/2015

"Bạn được cộng điểm vì bạn ở nông thôn; Tôi không được cộng điểm vì tôi ở thành phố. Ở đâu cũng có người giàu người nghèo. Ai dám khẳng định nông thôn không có người giàu, thành thị không có kẻ nghèo khó, sống cảnh hôm nay không biết ngày mai ăn gì. Đừng nói ở thành phố là sướng, bon chen lăn lộn mệt lắm. Không có tiền thì chẳng có trung tâm nào dạy bổ trợ kiến thức cho bạn đâu".

ban duoc cong diem toi thi khong co bat cong

Học sinh nông thôn đến trường: Ảnh TL

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm cộng ưu tiên cho các đối tượng, có ý kiến rằng việc cộng điểm ưu tiên cho học sinh nông thôn là bất công, không hợp lý.

Điều kiện học tập ở miền núi thua xa thành phố

Ngày 9/8, trang Facebook có tên Bồ Kết vừa đăng tải một bộ ảnh trong đó thể hiện quan điểm về những sự "bất hợp lý" trong chính sách "ưu tiên, cộng điểm cho thí sinh thi Đại học" hiện nay.

Chủ nhân trang Facebook này cho rằng: "Bạn được cộng điểm vì bạn ở nông thôn; Tôi không được cộng điểm vì tôi ở thành phố. Ở đâu cũng có người giàu người nghèo. Ai dám khẳng định nông thôn không có người giàu, thành thị không có kẻ nghèo khó, sống cảnh hôm nay không biết ngày mai ăn gì. Đừng nói ở thành phố là sướng, bon chen lăn lộn mệt lắm. Không có tiền thì chẳng có trung tâm nào dạy bổ trợ kiến thức cho bạn đâu".

Chỉ ít phút sau khi đăng tải status, đã có hàng ngàn lượt comment và đến nay, số người chia sẻ ý kiến này đã lên gần 10.000 người với 2 luồng ý kiến khác nhau: đồng tình và không đồng tình với quan điểm của bạn này.

Chia sẻ về việc cộng điểm ưu tiên, một sinh viên đến từ Lai Châu kể lại, 12 năm học, em đều phải dậy từ 4h30, phụ giúp bố mẹ làm việc đến 5h30. Sau đó đi bộ gần 6.5 km đến trường. Bữa sáng của em chỉ là khoai và sắn. Hôm nào sang lắm mới được ăn cơm nguội muối vừng. Mùa đông quần áo ấm không đủ, cũng không dám xin mua vì sợ bố mẹ phải nhịn ăn tiết kiệm cho mình.

Bạn này cũng cho biết, muốn mua sách để ôn đại học mà không có tiền, nên việc học thêm càng trở nên xa xỉ. Vì thế nếu không có những chính sách ưu tiên cho học sinh miền núi thì chắc chắn tỷ lệ đỗ đại học không nhiều.

Chính sách cộng điểm là hợp lý

Trao đổi với Infonet về vấn đề này, TS. Phạm Mạnh Hà, Phó trưởng khoa Công tác Thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho rằng, chính sách cộng điểm được tính toán dựa trên các tiêu chí như: Mức độ tiếp cận cơ hội học tập; Vùng miền, chính sách khuyến khích các đối tượng có công...

Chủ trương cộng điểm cho học sinh theo vùng miền và đối tượng chính sách theo TS Hà là hợp lý, tuy nhiên cần phải minh bạch. Ở đây phải tính đến việc tiếp cận cơ hội học tập của các em. Cho dù nhà nghèo ở thành phố thì việc đến trường cũng không quá khó khăn, chi phí học tập cũng đã được miễn giảm. Nên không cộng điểm cho học sinh ở thành phố là đúng.

“Nói gì thì nói, ở thành phố, các em có nhiều điều kiện học tập hơn. Nếu các em điểm thấp đó là do thiếu nỗ lực, hoặc do năng lực kém”- TS Hà phân tích.

Tuy nhiên, theo TS Hà thì ở khu vực nông thôn cùng cần bóc tách những khu vực đô thị, phát triển và điểm cộng cũng không nên nhiều. Những cũng nên có một mức sàn điểm cộng, tránh trường hợp thí sinh có điểm cộng quá cao, dẫn tới chất lượng học tập không đảm bảo.

Ví dụ trường hợp học sinh thi được 10 điểm nhưng được cộng 5 điểm thì trường hợp này rất khó học tốt ở đại học. Theo TS Hà mức tối đa cho điểm ưu tiên chỉ khoảng 3 điểm là phù hợp.

ban duoc cong diem toi thi khong co bat cong

Nói gì thì nói, ở thành phố, các em có nhiều điều kiện học tập hơn học sinh nông thôn. Ảnh TL

Chỉ nên ưu tiên cho các bạn sống ở vùng 135

Sinh viên Nguyễn Quý An (K2 Khoa Công tác thanh niên, Học viện Thanh thiếu niênViệt Nam) bày tỏ quan điểm: Đồng ý với chính sách cộng điểm cho các bạn ở quê, người dân tộc thuộc vùng 135, vùng đặc biệt khó khăn. Có lên đó mới biết con đường đi học của các bạn này khó khăn như nào. Các bạn phải đi bộ, may mắn có được xe đạp thì cũng chỉ xe cà tàng trên con đường đèo, đường đất đá hộc vài chục km mới tới điểm trường. Hầu hết đều phải dậy từ 4h30 sáng đi học, 12h trưa đi về, thường thì 2h chiều mới về đến nhà ăn trưa.

“Trong khi đó, các bạn ở thành phố đi học bằng xe máy, đường đẹp nhưng không ít bạn lười, nhiều hôm mưa to còn giả ốm xin nghỉ ở nhà dưỡng bệnh. Ở những vùng miền núi khó khăn, trời mưa lầy lội, có xe chưa chắc đi được, phải trèo đèo lội suối, đu mình trên những cầu treo tự chế để đến với con chữ, liệu có ai dám?”- An nói.

Tuy vậy, theo Quý An, việc cộng điểm cũng nên cân đối lại bởi ở nông thôn cũng có từng vùng mức thu nhập rất khá, nhiều người ở Hà Nội cũng thua xa.

Ngoài ra, An cũng đồng tình với việc cộng điểm cho con thương binh liệt sỹ. Bởi đó là điều đúng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta từ ngàn đời. An cho rằng, các bạn không thể lấy giọt mồ hôi hậu phương ra so sánh với xương máu nơi tiền tuyến, tất cả sự so sánh đều là khập khiễng.

“Những ai có người thân đi bộ đội đều không muốn gia đình mình được Tổ quốc ghi công cả, những chú thương binh trở về quê hương sau ngày giải phóng thì họ cũng trở về với bàn tay trắng, những đêm trái gió trở trời họ đau lắm, những viên đạn còn sót lại trong cơ thể ngày đêm hành hạ họ, nhiều người còn mất đi khả năng lao động. Các bạn đừng tị nạnh với những người là con thương bình, liệt sỹ. Bởi họ đã mất đi người đàn ông trụ cột trong gia đình. Nếu ở trong hoàn cảnh họ, các bạn mới biết.

Theo Infonet

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/ban-duoc-cong-diem-toi-thi-khong-co-bat-cong-68984.html

In bài viết