Nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai cho người dân Sóc Trăng

19:13 | 27/12/2018

Ngày 27/12, Quỹ Hỗ trợ Chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức hội thảo tổng kết Dự án “Xây dựng năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó với thiên tai tại đồng bằng sông Cửu Long”. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của hơn 60 đại biểu đến từ một số bộ ngành trung ương, sở ngành liên quan của các tỉnh, các tổ chức, các viện nghiên cứu hoạt động trong lĩnh vực phòng ngừa giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, đại diện chính quyền và người dân tại địa bàn dự án.

Hội thảo nhằm tổng kết các hoạt động dự án “Xây dựng năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó với thiên tai tại Đồng bằng sông Cửu Long” do Tổ chức Bánh mỳ cho thế giới (BftW) và Tổ chức ActionAid Việt Nam (AAV) đồng tài trợ. Dự án do Quỹ Hỗ trợ Chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) thực hiện từ tháng 1/2017 đến tháng 12/2018 tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng và TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.

nang cao nang luc ung pho voi thien tai cho nguoi dan soc trang

Quang cảnh buổi Hội thảo.

Sau hai năm thực hiện, dự án đã hoàn thành các hoạt động theo kế hoạch và đạt được các mục tiêu đề ra. Dự án đã triển khai và áp dụng thành công một số mô hình và thực tiễn tốt được cộng đồng và chính quyền địa phương đánh giá cao như: Mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu - Trồng rau hữu cơ trong nhà lưới; Ứng dụng công nghệ thông tin để cập nhật dữ liệu về rủi ro thiên tai, tình trạngdễ bị tổn thương và vận hành hệ thống cảnh báo sớm; xây dựng kế hoạch phòng ngừa và giảm nhẹ rủi ro thiên tai (PNGNRRTT) dựa vào cộng đồng và lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương; xây dựng và vận hành cơ chế phối hợp phòng ngừa và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Trong buổi sáng, các đại biểu đi tham quan công trình khắc phục sạt lở tại xã Thới An Hội thuộc huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Dự án đã hỗ trợ xây dựng lại 4 đoạn đường giao thông và bờ kè tại 3 xã Thới An Hội, An Mỹ và Kế Thành với tổng chiều dài lên đến 143m. Trong đó, dự án hỗ trợ 50% chi phí, 50% còn lại do ngân sách địa phương và người dân đối ứng. Công trình đã giúp khắc phục tình trạng sạt lở do biến đổi khí hậu gây ra, đồng thời giúp nâng cao trách nhiệm của cộng đồng và chính quyền địa phương thông qua việc vận động, đóng góp kinh phí thực hiện công trình. Ông Trần Văn Hùng, sống tại ấp Trường Lộc, xã An Mỹ cho biết: “Từ đầu năm 2018 đến nay tình trạng sạt lở diễn ra ở khu vực này rất nghiêm trọng. Nhờ có dự án hỗ trợ chi phí và giúp thực hiện việc xây dựng, chỉ trong 1 tháng người dân đã có thể đi lại bình thường qua đoạn sạt lở. Bờ kè cũng đã được xây kiên cố lại, bà con không lo vườn trái cây, hoa màu bị ảnh hưởng nữa”.

nang cao nang luc ung pho voi thien tai cho nguoi dan soc trang

Giao lưu cùng Tổ PNGNRRTT tại chùa Tập Rèn.

Sau khi thăm công trình khắc phục sạt lở, các đại biểu tham dự buổi truyền thông về phòng ngừa giảm nhẹ rủi ro thiên tai (PNGNRRTT) và giao lưu cùng Tổ giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại chùa Tập Rèn, xã Thới An Hội. Các thành viên của Tổ đã được dự án đào tạo kiến thức về BĐKH, cách sử dụng máy vi tính, điện thoại thông minh, sử dụng phần mềm cảnh báo sớm, từ đó cập nhật thông tin và lập kế hoạch ứng phó với thiên tai, huy động nguồn lực và vận động cộng đồng thực hiện các biện pháp PNGNRRTT ở địa phương.

Buổi chiều, các đại biểu được nghe kết quả đánh giá cuối kỳ của dự án, xem phim tổng kết hoạt động dự án và lắng nghe chia sẻ về tác động của dự án của cộng đồng cũng như chính quyền địa phương đến từ huyện Kế Sách và thành phố Trà Vinh. Sau đó, toàn thể đại biểu tham gia đối thoại về mô hình sinh kế nông nghiệp bền vững và trao đổi về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng. Ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ AFV cho biết: “Dự án tập trung vào 2 vùng trọng điểm dễ bị tổn thương và bị ảnh hưởng nhiều nhất của BĐKH là thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh và huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Với sự quan tâm và vào cuộc của tất cả các bên liên quan, các kế hoạch công việc của dự án đã được hoàn thành như mong đợi. Sau 2 năm triển khai, kết quả nổi bật của dự án là đã góp phần giúp cộng đồng dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và thanh niên người dân tộc thiểu số sinh sống trong khu vực bị tác động bởi thiên tai và biến đổi khí hậu được đảm bảo an toàn, đời sống được cải thiện thông qua hỗ trợ các giải pháp và cơ chế phòng ngừa, giảm nhẹ, phối hợp và ứng phó với rủi ro thiên tai theo cách bền vững”.

A.N

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nang-cao-nang-luc-ung-pho-voi-thien-tai-cho-nguoi-dan-soc-trang-68852.html

In bài viết