Cần xoá bỏ khoảng cách nhận thức về quyền con người ở Việt Nam

11:38 | 22/12/2018

Mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về quyền con người và được quốc tế ghi nhận, nhưng vẫn còn một số khác biệt trong nhận thức về vấn đề này.

Quyền con người ở Việt Nam

Ngày 10/12/1948, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân quyền (TNQTNQ). Văn kiện này đã thể hiện khát vọng chung của nhân loại về những gì tốt đẹp nhất cần phải có để mỗi con người được sống như một con người. Suốt 70 năm qua, TNQTNQ tạo ra động lực to lớn, là nguồn cảm hứng cho mọi cá nhân, tổ chức xã hội và các thực thể xã hội khác đẩy mạnh mọi hoạt động của mình vì một cuộc sống tốt đẹp.

Riêng đối với Việt Nam, nỗ lực đảm bảo và thúc đẩy quyền con người đã trở thành mục tiêu quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước, nhất là 30 năm đổi mới. Những thành tựu về quyền con người ở Việt Nam được quốc tế ghi nhận nhưng không phải không có những khác biệt trong nhận thức về vấn đề này. Đối với người dân trong nước, mặc dù đã có rất nhiều cải thiện trong thực thi quyền con người nhưng không phải ai cũng nhận thức đầy đủ.

Hoàn thiện hệ thống luật pháp về quyền con người

can xoa bo khoang cach nhan thuc ve quyen con nguoi o viet nam

Quyền được đi học là một trong những yêu cầu cơ bản của quyền con người. Ảnh minh hoạ: Internet.

Đảng và Nhà nước ta xác định chủ trương nhất quán là đảm bảo quyền con người, đặt con người ở trung tâm của mọi chính sách phát triển, thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.

Đặc biệt, việc thông qua Hiến pháp 2013 đã thể hiện một thay đổi lớn trong nhận thức về quyền con người và việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam. Cụ thể, Hiến pháp năm 2013 đã tạo cơ sở pháp lý và là tiền đề quan trọng để Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan khác tiếp tục việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về quyền con người nói riêng.

Ngay sau khi thông qua, dư luận trong nước và nước ngoài đặc biệt đánh giá cao những quy định cởi mở về quyền con người, được thể hiện trong Chương II cũng như xuyên suốt toàn bộ Hiến pháp sửa đổi 2013.

Theo đó, Hiến pháp quy định: Mọi người có quyền sống, quyền có nơi ở hợp pháp, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, về nhà ở, về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; được pháp luật bảo hộ quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác theo quy định của luật.

can xoa bo khoang cach nhan thuc ve quyen con nguoi o viet nam

Thúc đẩy xoá đói giảm nghèo góp phần đảm bảo quyền con người ở Việt Nam. Ảnh minh hoạ: Internet.

Kể từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới 96 luật, pháp lệnh liên quan đến việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Một số đạo luật quan trọng được Quốc hội thông qua trong thời gian này như: Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật nhà ở, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật trưng cầu ý dân (xây mới), Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Luật trẻ em, Luật báo chí, Luật tiếp cận thông tin (xây mới), Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp…

Hàng năm, việc rà soát các quy định của pháp luật về quyền con người luôn được bộ ngành thực hiện trên cơ sở đối chiếu với các cam kết quốc tế về quyền con người để qua đó có đề xuất ban hành sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật.

Không phải ai cũng nhận thức được quyền con người

Trong những năm qua, sự tiến bộ về nhân quyền là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trên thực tế, việc phổ cập, tuyền truyền về quyền con người vẫn còn hạn chế. Nhiều người dân thực sự không biết quyền lợi của mình khi bị người khác xâm phạm, dù đó chính là quyền lợi chính đáng của mỗi cá nhân.

Vì không nhận thức đầy đủ về quyền con người đã dẫn đến nhiều vụ việc, gây ra những hậu quả đáng tiếc. Chẳng hạn như việc công khai hình ảnh, danh tính của những phụ nữ bán dâm, lạm dụng quyền lực trong trường học của các thầy cô giáo, cha mẹ xâm phạm đời tư của con cái, tung clip đánh ghen hay nhục mạ, vu khống người khác trên môi trường mạng…

can xoa bo khoang cach nhan thuc ve quyen con nguoi o viet nam

Chăm sóc sức khoẻ cho trẻ em nói riêng và toàn dân nói chung nhằm đảm bảo an sinh xã hội. Ảnh minh hoạ: Internet.

Những vụ việc trên cho thấy hạn chế về nhận thức là khó khăn lớn nhất trong thực hiện quyền con người ở Việt Nam. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền con người chưa được chú trọng. Việc đưa nội dung giáo dục về quyền con người còn là nội dung mới, chưa được quan tâm thích đáng cả về nội dung và thời lượng.

Ngoài ra, ý thức pháp luật của người dân nói chung còn hạn chế mà cụ thể là ý thức tuân thủ pháp luật, sử dụng luật sư hoặc tư vấn pháp luật trong hoạt động hàng ngày còn chưa được quan tâm. Cuối cùng là nguồn lực dành cho công tác phổ cập tuyên truyền về quyền con người còn chưa được đầu tư thích đáng.

Từ thực tế trên, tháng 9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Theo Đề án, nội dung quyền con người được giáo dục từ bậc mầm non đến đại học.

Với mục tiêu là đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tổ chức giáo dục quyền con người cho người học, Đề án được kỳ vọng sẽ khắc phục được căn bản những hành vi vi phạm nói trên về quyền con người.

Ngọc Linh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/can-xoa-bo-khoang-cach-nhan-thuc-ve-quyen-con-nguoi-o-viet-nam-68823.html

In bài viết