Không thể xuyên tạc bước tiến của Nhà nước Việt Nam vì sự phát triển của đất nước và quyền con người

14:42 | 23/12/2018

Là thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, Việt Nam luôn coi việc bảo đảm quyền con người là bản chất, mục đích của chế độ xã hội chủ nghĩa và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên lĩnh vực này, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

khong the xuyen tac buoc tien cua nha nuoc viet nam vi su phat trien cua dat nuoc va quyen con nguoi

Ảnh minh họa

Trên lĩnh vực thể chế, pháp luật, cho đến nay, Việt Nam đã gia nhập, ký kết đầy đủ những công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, trong đó có “Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc làm mất phẩm giá khác” (CAT). Đây là sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người; ngăn chặn mọi hành vi tra tấn, đối xử vô nhân đạo hoặc xúc phạm nhân phẩm con người trong bất cứ hoàn cảnh nào, bởi bất cứ cá nhân, tổ chức nào, kể cả cơ quan thực thi pháp luật.

Từ năm 2014 đến nay, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã sửa đổi, ban hành nhiều luật, bộ luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cho mọi hoạt động của cá nhân, tổ chức nói chung và đảm bảo quyền con người nói riêng. Tiêu biểu như: Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2016); Luật Báo chí (năm 2016), đã đặt nền móng cho việc đảm bảo tự do tín ngưỡng, tôn giáo tốt hơn cho người dân; thực hiện nguyên tắc không kiểm duyệt đối với việc xuất bản, phát thanh, truyền hình. Ngoài ra, còn có các luật, như: Luật Trợ giúp pháp lý (năm 2017), Luật Đặc xá (năm 2018), v.v. Đáng chú ý, việc ban hành Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam (năm 2015), cùng với Luật Thi hành án hình sự, đã đảm bảo các phiên tòa và quyền lợi của những người bị tạm giữ, thi hành án đúng pháp luật, v.v.

Đặc biệt, trước đó, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Đây là văn kiện chính trị, pháp lý thể hiện đầy đủ về “quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”.

Có thể nói, những quy định về quyền con người tại Hiến pháp năm 2013 hoàn toàn tương thích với các công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có những quyền được xem là “nhạy cảm” cũng đã được đưa vào văn kiện này.

Hiến pháp năm 2013 quy định cụ thể như: Ở Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật; Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.Về phương diện bảo đảm quyền con người trên thực tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý, tổ chức của Nhà nước, sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trên các lĩnh vực: an sinh xã hội được bảo đảm và tăng cường. Đây chính là cơ sở quan trọng để quyền con người, nhất là những quyền cơ bản được đảm bảo ngày một tốt hơn.

Ngoài ra, Quốc hội đã sửa và xây dựng nhiều đạo luật mới, như: Luật Báo chí (năm 2016); Luật Tiếp cận thông tin (năm 2013); Luật An ninh mạng (năm 2018)... Các quy định của những bộ luật này đều nhằm bảo đảm an ninh Quốc gia, trật tự công cộng và quyền con người.

Trong bối cảnh internet, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, Đảng và Nhà nước ta đã bảo đảm quyền tự do ngôn luận, báo chí và đáp ứng đầy đủ nhu cầu thông tin của nhân dân. Việt Nam là quốc gia hòa mạng internet toàn cầu sớm hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực, từ ngày 1/12/1997. Theo tổ chức nghiên cứu về mạng xã hội quốc tế - Next Web, hiện nay, Việt Nam nằm trong “Top 10 quốc gia có nhiều người dùng Facebook nhất thế giới” với 64 triệu người, chiếm 3% tổng số tài khoản Facebook toàn cầu.

Người dân Việt Nam ngày nay có thể tự do đăng tải các video/clip, nếu không vi phạm pháp luật. Ngoài các đài phát thanh, truyền hình của quốc gia và các tỉnh, thành phố, hiện nay, Việt Nam có tới 74 báo và tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội, 1.174 trang thông tin điện tử được cấp phép hoạt động. Người nước ngoài và người dân Việt Nam có thể tiếp cận tin tức của các cơ quan thông tấn, báo chí trên thế giới mà không có bất kỳ hạn chế nào.

Những thành tựu trên là rất cơ bản và to lớn, nhất là hệ thống pháp luật Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra cho việc thúc đẩy, bảo vệ và phát triển quyền con người, quyền công dân.

Trên lĩnh vực kinh tế, theo báo cáo của Chính phủ năm 2017, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng GDP đạt 6,7%; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; GDP bình quân đầu người ước tính đạt 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016. Theo báo cáo của Chính phủ tại phiên Họp báo thường kỳ tháng 8-2018, tăng trưởng GDP năm 2018 có khả năng hơn 6,7%, thu ngân sách vượt dự toán 3%-5%; nợ công giảm, lạm phát dưới 4%; năng suất lao động tăng; bảo đảm sự phát triển của đất nước không chỉ tăng trưởng theo số lượng mà chất lượng cũng được nâng lên. Nhờ đó, đời sống của nhân dân được nâng lên, niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố, uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng cao.

Để bảo đảm quyền bình đẳng, sự phát triển công bằng cho mọi người, có thể nói, hiếm có một quốc gia nào lại có nhiều chính sách hướng đến nhóm xã hội yếu thế, đồng bào vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số như Việt Nam. Chẳng hạn như: tổ chức tín dụng phục vụ người nghèo, “Ngân hàng Chính sách xã hội”, v.v. Với các tổ chức này, người nghèo có thể vay trực tiếp hoặc vay ủy thác qua các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của mình, như: Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, v.v.

Ngoài ra, Nhà nước còn dành một khoản ngân sách lớn cho Chương trình 135, nhằm phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công cộng địa phương thiết yếu, như: điện, trường học, trạm y tế, nước sạch. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống, sinh hoạt cho các xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Theo kế hoạch, giai đoạn 2016 - 2020, có gần 2.300 xã được đầu tư; riêng hai năm (2014 - 2015), Chương trình đã dành số vốn từ ngân sách nhà nước lên đến 7.790 tỷ đồng.

Việc thực hiện bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ được quan tâm, đạt kết quả cao. Hiện nay, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội ở Việt Nam khóa XIV (nhiệm kỳ 2016 - 2021) là 26,72%, tăng so với hai khóa trước đó, cao hơn mức trung bình của thế giới (23,6%), giữ vị trí tương đối trong khu vực và lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội là nữ.

Với những nỗ lực trong việc bảo đảm, thực thi quyền con người, Việt Nam đã được bầu làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (nhiệm kỳ 2008 - 2009) và là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014 - 2016). Đây là sự ghi nhận và đánh giá cao của quốc tế đối với Việt Nam trong việc bảo đảm, thực thi quyền con người.

Tuy nhiên, trên không gian mạng, các thế lực thù địch vẫn đang tán phát những luận điệu lèo lái, xuyên tạc nhiều bộ luật mà Quốc hội Việt Nam mới thông qua. Mục tiêu của chúng là xuyên tạc bản chất của chế độ, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước Việt Nam lợi dụng internet, mạng xã hội. Đây là một trong những vấn đề mới trên lĩnh vực bảo đảm an ninh quốc gia nói chung, an ninh mạng và an ninh tư tưởng chính trị nói riêng, cần được nhận thức đầy đủ.

Hồng Ánh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/khong-the-xuyen-tac-buoc-tien-cua-nha-nuoc-viet-nam-vi-su-phat-trien-cua-dat-nuoc-va-quyen-con-nguoi-68821.html

In bài viết