Bảo đảm an sinh xã hội cho nhóm đối tượng yếu thế

09:45 | 20/12/2018

TĐO - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) phối hợp với Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam (VUFO) tổ chức Hội nghị xúc tiến hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) trong lĩnh vực an sinh xã hội (ASXH).

Tham dự Hội nghị có đại diện các đối tác xã hội, tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, các sở, ngành liên quan tại địa phương. Ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH và ông Đôn Tuấn Phong, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác PCPNN, Phó Chủ tịch phụ trách kiêm Tổng Thư ký VUFO đồng chủ trì Hội nghị.

bao dam an sinh xa hoi cho nhom doi tuong yeu the

Toàn cảnh Hội nghị.

Nguồn lực đáng kể để giảm nghèo và an sinh xã hội

Hội nghị diễn ra tại Hà Nội, ngày 19/12, phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Tấn Dũng nhấn mạnh chủ trương quan điểm của Đảng và Nhà nước về vấn đề ASXH, trong đó khẳng định Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật (NKT), người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ trưởng đánh giá cao sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, tổ chức PCPNN trong an sinh xã hội. Đóng góp của của các tổ chức có giá trị to lớn, không chỉ vì giá trị vật chất và cũng không thể đo bằng giá trị vật chất mà là tình cảm, tấm lòng của người dân các nước đối với nhân dân Việt Nam.

Thứ trưởng hy vọng các đại biểu đưa ra được những phát hiện qua đó có những đề xuất, những kiến nghị về chính sách với Bộ LĐ,TB&XH và các sở, ngành địa phương, tổ chức hữu quan đồng thời đề nghị các đại biểu đóng góp tích cực, thẳng thắn và trao đổi cởi mở nhằm tăng cường sự kết nối, phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành tại cơ sở trong việc kết hợp các chương trình, dự án và các chính sách xã hội.

Ông Đôn Tuấn Phong cho biết: các tổ chức quốc tế, tổ chức PCPNN đã rất quan tâm tới Việt Nam, đồng hành với Việt Nam trong sự nghiệp giảm nghèo và phát triển bền vững. Đặc biệt các tổ chức PCPNN đã dành sự quan tâm rất lớn tới người dân Việt Nam, đối tượng đặc biệt, các nhóm yếu thế: Trẻ em, NKT, người cao tuổi, nạn nhân chiến tranh và chất độc da cam...

Đến ngày nay, đã có trên 1.000 tổ chức PCPNN có quan hệ với Việt Nam, trong số đó có 500-600 tổ chức thường xuyên có chương trình và dự án hoạt động. Bộ LĐ,TB&XH và các tổ chức PCPNN cũng đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác hiệu quả với trung bình 40 tổ chức thường xuyên có hợp tác trực tiếp với Bộ và các đơn vị trực thuộc.

Ông nhấn mạnh: Bức tranh kinh tế xã hội của Việt Nam ngày nay đã thay đổi rất nhiều so với 30 năm trước đây. Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp. Tuy nhiên, nhu cầu trong giải quyết các vấn đề xã hội của Việt Nam vẫn còn rất lớn và vẫn cần sự hợp tác chặt chẽ của các tổ chức quốc tế, tổ chức PCPNN.

Ông Đôn Tuấn Phong bày tỏ hy vọng các tổ chức quốc tế, tổ chức PCPNN và Bộ LĐ,TB&XH sẽ tăng cường hợp tác, tiếp tục cùng nhau giải quyết các vấn đề xã hội tại Việt Nam. Liên hiệp Hữu nghị, với chức năng của mình, cũng cam kết cùng Bộ LĐ,TB&XH, chính quyền địa phương, sở, ban, ngành các cấp phối kết hợp chặt chẽ với các tổ chức PCPNN, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà tài trợ và các tổ chức nước ngoài trong lĩnh vực ASXH.

bao dam an sinh xa hoi cho nhom doi tuong yeu the

Quỹ VinaCapital và đoàn bác sĩ Bệnh Viện Tim Tâm Đức tới tỉnh Đồng Tháp khám sàng lọc bệnh tim cho hơn 1.100 em bé từ 0 – 18 tuổi.

TS.Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội thuộc Bộ LĐ,TB&XH cho biết: Khoảng 25% dân số cần trợ giúp xã hội, khoảng 3 triệu người cần trợ cấp xã hội, 1,8 lượt hộ cần hỗ trợ lương thực. Hiện nay, các tổ chức PCPNN hoạt động trong lĩnh vực trợ giúp xã hội tại địa phương nào cũng có, lĩnh vực hoạt động rộng. Kết quả hoạt động của các tổ chức PCPNN đã trực tiếp giúp cho các đối tượng bảo trợ xã hội thay đổi cuộc sống, là mô hình tốt cho việc tăng cường năng lực ở địa phương. Tuy nhiên, hoạt động của các tổ chức này thường ngắn, chưa đủ để xây dựng thành mô hình; các hoạt động ít được tổng kết để đưa thành chính sách nên tính bền vững không cao, hoạt động còn mang tư tưởng nhân đạo từ thiện.

Bởi vậy, cần phát huy vai trò hoạt động của các tổ chức PCPNN tại các địa phương, phải tập trung ưu tiên hỗ trợ sinh kế; cần đặt nền tảng xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người dân, hướng vào nhóm đối tượng và nhu cầu hỗ trợ mà chính sách chưa bao phủ đầy đủ.

Phân bổ công bằng nguồn lực giữa các nhóm yếu thế

Theo đại diện của Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Bộ LĐ,TB&XH, trung bình mỗi năm Bộ vận động được khoảng 10 triệu USD. Tuy nhiên, số lượng viện trợ PCP đang có xu hướng giảm dần. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tổng giá trị viện trợ năm 2018 là khoảng 7 triệu USD. Số lượng các tổ chức hoạt động tương đối mỏng so với các địa phương có nhu cầu hỗ trợ về ASXH. Một tỉnh chủ yếu chỉ có từ 1-3 tổ chức hoạt động, rất ít tỉnh có hơn 5 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực ASXH. Cá biệt chỉ có tỉnh Quảng Trị thu hút 30 tổ chức hoạt động với 50 các dự án/hoạt động hợp tác.

Mặc dù hoạt động của các tổ chức bao phủ hết các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn về ASXH nhưng lại phân bổ không đồng đều. Theo thống kê, đối tượng trẻ em nhận được nhiều sự quan tâm nhất (43/56 tổ chức), chỉ có 18 tổ chức tập trung vào đối tượng NKT và người nghèo, 4 tổ chức hướng tới phụ nữ, và 2 tổ chức hướng tới người cao tuổi.

Tuy vậy, thông qua các hoạt động hợp tác với các tổ chức PCPNN, cách tiếp cận với việc giải quyết các vấn đề ASXH của các đối tượng yếu thế đang dần chuyển hướng từ nhân đạo từ thiện đơn thuần sang đảm bảo quyền con người. Bản thân các đối tượng cũng được nâng cao năng lực, nhận thức để phát huy tính tự chủ, và chủ động để phát triển và hòa nhập vào cuộc sống. Hiệu quả quản lý nhà nước và thực hiện chính sách ASXH cũng được nâng cao.

Các đại biểu từ các tổ chức xã hội cũng đồng ý rằng: Do phân bổ không đồng đều về vị trí địa lý và lĩnh vực hoạt động, nhiều khía cạnh của ASXH đang còn bị bỏ ngỏ hoặc ít được sự quan tâm hợp tác của các tổ chức PCPNN, trong khi nhu cầu trợ giúp của các đối tượng yếu thế tại địa phương vẫn còn rất lớn.

Cụ thể, theo đại diện Hội người mù Việt Nam: NKT hiện nay gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ ASXH, thiếu cơ hội việc làm, chưa được đào tạo nghề đúng mức cũng như tư vấn chọn nghề. Số lượng NKT là lao động di cư ở khu vực phi chính thức cũng rất nhiều. Trong đó có một lượng lớn người khiếm thị làm công việc xoa bóp, bấm huyệt. Đây là một trong những nghề phù hợp với khả năng của người khiếm thị. Tuy vậy, tại Việt Nam chưa có môi trường đào tạo cơ bản, khoa học cho nghề này.

Đại diện Hội Người mù chỉ ra, Việt Nam chưa có đầy đủ các phục hồi chức năng nên NKT, trong đó có người khiếm thị, chưa có khả năng độc lập được nên họ là đối tượng cần đến sự hỗ trợ rất nhiều từ Nhà nước và các tổ chức quốc tế, PCPNN.

bao dam an sinh xa hoi cho nhom doi tuong yeu the

Đại diện của tổ chức PCPNN chia sẻ ý kiến tại Hội nghị.

Các đại biểu từ các tổ chức PCPNN cũng đã nêu ý kiến chia sẻ kinh nghiệm, những khó khăn và thuận lợi khi triển khai dự án tại Việt Nam, đồng thời đề xuất khuyến nghị đối với các bên liên quan.

Đại diện tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam (CARE) cũng nhấn mạnh cần có sự đổi mới theo hướng tinh gọn, cắt giảm thủ tục hành chính trong quá trình xin phép phê duyệt dự án. Qua đó giúp các tổ chức PCPNN thuận lợi khi triển khai các chương trình, dự án tại Việt Nam, đồng thời nâng cao hiệu quả nguồn viện trợ của các tổ chức.

Thêm vào đó, đại diện CARE cũng hy vọng Chính phủ Việt Nam và các tổ chức tập trung nhiều hơn vào các đối tượng lao động nữ di cư, đặc biệt lao động đơn giản trong khu vực kinh tế phi chính thức, không có hợp đồng lao động, không tham gia BHYT, BHXHTN…, bên cạnh các nhóm yếu thế truyền thống khác như trẻ em, NKT…

Phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn viện trợ

Cảm ơn những ý kiến đóng góp ý nghĩa và thiết thực của các sở, ban, ngành, tổ chức xã hội, tổ chức PCPNN, ông Đôn Tuấn Phong nhấn mạnh: Đầu tiên, trong lĩnh vực xã hội, nhu cầu của cộng đồng, các nhóm đối tượng đặc biệt hiện nay vẫn còn rất lớn.

Ngoài một số nhóm đối tượng truyền thống như NKT, trẻ em, nạn nhân chất độc da cam, phụ nữ thì những nhóm đối tượng mới như lao động di cư và nhập cư - một kết quả của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, cũng rất cần sự quan tâm giúp đỡ.

Song song với đó, sự hỗ trợ trong nước cũng như quốc tế cần mang tính bao phủ và đa lĩnh vực, tập trung mang lại cơ hội cho các nhóm yếu thế để họ có thể tự giúp mình nhiều hơn là cứu trợ đơn thuần. Ngoài ra, tăng cường hỗ trợ nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật của các cơ quan Việt Nam, trong đó có Bộ LĐ-TBXH và các tổ chức xã hội, tổ chức của NKT...

Thứ hai, để khắc phục khó khăn, vướng mắc của các tổ chức khi triển khai dự án tại Việt Nam, chúng ta sẽ cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác chia sẻ thông tin, nhu cầu kết nối giữa địa phương với các nhà tài trợ, quỹ, doanh nghiệp và các tổ chức PCPNN. Năng lực hợp tác, triển khai, phát huy hỗ trợ quốc tế của các tổ chức của Việt Nam, trong đó có tổ chức của NKT cũng cần được nâng cao.

Ông Đôn Tuấn Phong chỉ ra rằng vẫn còn khoảng trống trong điều phối hoạt động của các tổ chức quốc tế, tổ chức PCPNN trong đó có các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực ASXH…Do đó, cần tăng cường công tác điều phối, phối hợp giữa các tổ chức PCPNN để tránh sự trùng lặp, phát huy được hiệu quả của các dự án viện trợ.

Đồng thời, xây dựng một cơ chế chia sẻ thông tin giữa cơ quan đầu mối về hoạt động cứu trợ PCPNN với Bộ LĐ,TB&XH. Chú trọng tập huấn nâng cao năng lực cho các đơn vị trong Bộ và Sở tại địa phương cùng các tổ chức đối tác của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực LĐ-XH.

Cuối cùng, về vấn đề thủ tục phê duyệt dự án, ông Phong cũng chia sẻ: Hiện ra, Chính phủ Việt Nam đã có chủ trương sửa đổi, bổ sung Nghị định 93/2009/NĐ-CP theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức PCPNN. Song song với đó, Nghị định 12/2012/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hoạt động tổ chức PCPNN cũng đang được tích cực xem xét.

M.A

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/bao-dam-an-sinh-xa-hoi-cho-nhom-doi-tuong-yeu-the-68807.html

In bài viết