Giáo dục mầm non cần thêm quy định về việc bảo vệ trẻ từ 3 tháng đến 3 tuổi

16:45 | 15/11/2018

TĐO - Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận về dự án luật Giáo dục (sửa đổi), một số đại biểu cho rằng, giáo dục mầm non đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam, do vậy cần quan tâm hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Điều 21 dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi) quy định: Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam, thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ ba tháng tuổi đến sáu tuổi. Nhiều ý kiến thảo luận tại nghị trường Quốc hội cũng cho rằng, việc xác định như trên là chưa đầy đủ, mà cần phải bổ sung thêm việc bảo vệ đối với trẻ em mầm non, đặc biệt là đối với nhóm trẻ ở độ tuổi từ 3 tháng đến 3 tuổi.

Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Kim Yến (Đoàn Đà Nẵng) cho rằng, việc xác định như trên là chưa đầy đủ, mà cần phải bổ sung thêm việc bảo vệ đối với trẻ em mầm non, đặc biệt là đối với nhóm trẻ ở độ tuổi từ 3 tháng đến 3 tuổi. Những năm gần đây, tình trạng bạo lực xảy ra đối với trẻ em mầm non ngày càng nhiều, có những sự việc khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ. Giáo dục mầm non là nền móng cho sự phát triển toàn diện của trẻ trong tương lai, và đó cũng chính là tương lai của đất nước, đại biểu cho rằng việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phải đi đôi với việc bảo vệ trẻ em.

giao duc mam non can them quy dinh ve viec bao ve tre tu 3 thang den 3 tuoi

Đại biểu Ngô Thị Kim Yến.

Nếu không bảo vệ được trẻ em là một thất bại lớn của ngành giáo dục, xã hội. Trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như sự phát triển lâu dài của trẻ, do đó đề nghị Ban soạn thảo bổ sung việc bảo vệ bên cạnh việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, để những người làm công tác giáo dục và cấp chính quyền có nhận thức đầy đủ hơn về nhiệm vụ bảo vệ các em trước nguy cơ bạo lực, xâm hại.

Về trình độ chuẩn giáo viên mầm non, Điểm a Khoản 1 Điều 72 quy định nâng chuẩn từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm đối với giáo viên mầm non. Các đại biểu cho rằng, việc nâng chuẩn giáo viên là mong muốn để nâng chuẩn giáo dục, tuy nhiên, cần tính đến khả năng và sự phù hợp của quy định, bởi lẽ, ở những địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng hải đảo, việc thiếu giáo viên có trình độ đạt chuẩn còn phổ biến. Thêm vào đó, xã hội cũng đang rất lo ngại việc “chạy” thêm bằng cấp mà chưa chú trọng đến năng lực và chất lượng nghề.

Đối với giáo dục mầm non, đối tượng là trẻ mầm non trong độ tuổi 3 tháng đến 6 tuổi và được chia thành 2 giai đoạn: nhà trẻ (3 tháng đến 3 tuổi), mẫu giáo (3 tuổi - 6 tuổi), như vậy giáo dục mầm non nhận trẻ trong độ tuổi rộng, ở từng giai đoạn đòi hỏi rất khác nhau về nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục, đòi hỏi rất khác nhau về trình độ giáo viên, không nhất thiết phải nâng chuẩn toàn bộ giáo viên mầm non có trình độ cao đẳng mà nên có sự bồi dưỡng theo chuyên đề đối với từng độ tuổi chăm sóc trẻ cho các giáo viên đang phụ trách từng lứa tuổi tương ứng. Như vậy sẽ giảm áp lực cho ngành giáo dục khi cùng một thời gian ngắn, phải nâng chuẩn cho giáo viên tiểu học, đào tạo giáo viên đáp ứng chương trình sách giáo khoa mới...

Là một bà mẹ có con nhỏ dưới 3 tuổi đang gửi tại trường mẫu giáo trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (TP. Hà Nội), chị Trần Thị Liên cũng bày tỏ đồng tình quan điểm với việc nên thêm việc bảo vệ trẻ từ 3 tháng đến 3 tuổi. Theo chị Liên chia sẻ, trẻ trong độ tuổi này chưa biết nói, chưa biết phản ứng lại với những hành vi đánh đập, bạo hành của giáo viên nên trong quy định cần quy định thêm việc bảo vệ các em.

giao duc mam non can them quy dinh ve viec bao ve tre tu 3 thang den 3 tuoi

Nhiều vụ bạo hành cũng khiến các bậc phụ huynh đắn đo khi gửi con em đến trường.

“Thời gian vừa qua xảy ra nhiều vụ việc giáo viên có những hành vi bạo hành với các bé, nhất là với các cháu bé dưới 3 tuổi khiến dư luận xã hội hết sức bức xúc. Đơn cử như vụ việc bảo mẫu tại Trường Mầm non tư thục Mầm Xanh (TPHCM) thường xuyên đánh, đạp, đập can nhựa vào đầu... các bé 2-5 tuổi vào tháng 11/2017 được báo chí phản ánh. Vụ bạo hành đã được đưa ra xét xử và các bảo mẫu đã bị xử lý theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, nếu chúng ta không có những quy định cụ thể trong luật thì sẽ không thể hạn chế được những vụ việc, những hành vi bạo hành với trẻ được”, chị Liên nói.

Nhiều phụ huynh có con nhỏ dưới 3 tuổi đang có con theo học tại trường mầm non khi được PV hỏi đều cho rằng, cần phải có quy định chi tiết việc bảo vệ các học sinh học mẫu giáo, trong đó chú ý đến các em nhỏ tuổi vì các em chưa biết "mách" những việc ở lớp với phụ huynh. Và việc việc đưa yêu cầu cần phải bảo vệ các em vào trong luật là điều cần thiết.

Theo quan điểm của luật sư Vũ Văn Biên (Đoàn Luật sư Hà Nội), đối với các hành vi bạo hành các cháu nhỏ của giáo viên nếu bị phát hiện thì đối tượng có hành vi đó nếu nhẹ thì bị xử lý hành chính, nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở tội danh Hành hạ người khác.

Xuân Hoà

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/giao-duc-mam-non-can-them-quy-dinh-ve-viec-bao-ve-tre-tu-3-thang-den-3-tuoi-68681.html

In bài viết