Nguyên ĐBQH Lê Văn Cuông: Cần có một quy định cụ thể bằng văn bản về văn hóa từ chức

08:28 | 10/11/2018

TĐO - Trao đổi với PV báo Thời Đại về vấn đề văn hóa từ chức ông Lê Văn Cuông, nguyên ĐBQH tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Vấn đề văn hóa từ chức tuy bấy lâu bàn luận rất nhiều nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Theo tôi vấn đề này cần có một quy định cụ thể bằng văn bản để những cán bộ chưa làm tròn nhiệm vụ phải tuân thủ…”.

Trong kết luận Hội nghị Trung ương 8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ, việc thực hiện các chủ trương, quy định về nêu gương của Đảng đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng bên cạnh đó, một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong việc rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống..., gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Dưới đây là cuộc trao đổi của PV báo Thời Đại và nguyên ĐBQH Lê Văn Cuông:

Thế nhưng, đến nay văn hóa từ chức vẫn đang là một vấn đề chưa có văn bản quy định cụ thể. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Nguyên ĐBQH Lê Văn Cuông: Về vấn đề văn hóa từ chức thì mình cũng nói từ lâu rồi nhưng thực tế ra thì cũng chưa có mấy người từ chức. Vấn đề này cũng liên quan đến danh dự, quyền lợi và các mối quan hệ cho nên xảy ra đến việc không dễ gì để từ chức một cách dễ dàng.

Vì những lí do trên nên hiện tại còn một số đối tượng sức khỏe yếu, không làm tròn nhiệm vụ nhưng vẫn cố níu kéo, không có ý định từ chức. Thậm chí còn nhiều người mắc một số thiếu sót, khuyết điểm nhưng vẫn bình chân như vại không nghĩ đến vấn đề từ chức của mình.

nguyen dbqh le van cuong can co mot quy dinh cu the bang van ban ve van hoa tu chuc

Nguyên ĐBQH Lê Văn Cuông.

Thưa ông vấn đề văn hóa từ chức chưa làm tốt thì nó ảnh hưởng như thế đến xã hội?

Nguyên ĐBQH Lê Văn Cuông: Vấn đề văn hóa từ chức chưa được làm tốt thì nó ảnh hưởng rất lớn đến xã hội. Là một lực cản đến việc phát triển của cơ quan đơn vị và ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước.

Không chỉ thế, vấn đề văn hóa từ chức chưa được làm tốt thì sẽ làm cho xã hội có cái nhìn khác hơn đối với những cán bộ chưa làm trọn nhiệm vụ mà cố tình níu kéo, quan hệ để giữ được chức. Ngoài ra, việc này nếu cán bộ chưa làm tốt thì sẽ không được dân tin tưởng và dần xa lánh những cán bộ này.

Vấn đề này hiện tại trên các diễn đàn Quốc hội hay hội thảo dư luận cũng mong muốn Việt Nam ta phải xây dựng được quy định văn hóa từ chức.

Ở nước ngoài vấn đề văn hóa từ chức làm rất tốt, rất dễ dàng. Bởi theo nguyên tắc của các cán bộ ở nước ngoài thì khi thấy mình sai phạm hay làm chưa tốt thì sẽ ảnh hưởng đến danh dự cá nhân và ảnh hưởng đến tổ chức cơ quan đơn vị, cho nên người ta sẵn sàng từ chức.

Theo ông có cần một quy định cụ thể không về vấn đề văn hóa từ chức?

Việc từ chức là một việc tự nguyện, cán bộ thấy không đạt được các yêu cầu của cơ quan Nhà nước thì cần phải mạnh dạn từ chức. Tuy nhiên, đến nay việc tự nguyên là chưa có. Vậy, khi chưa có việc tự nguyện thì chúng ta cần phải có một quy định cụ thể bằng văn bản để vấn đề này được đưa vào quy củ. Vấn đề này không thể bất lực trước cái trì trệ của cán bộ như thế này.

Vừa qua, Trung ương có đưa ra Nghị quyết về vấn đề nêu gương thì theo tôi đây là một Nghị quyết rất phù hợp với xu thế và tình hình của đất nước hiện nay. Bởi lâu nay nhiều cán bộ chưa nêu gương nên khi Nghị quyết này ra sẽ là một Nghị quyết sẽ chấn chỉnh, mở đường cho văn hóa từ chức ở Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn ông!

Xuân Nguyễn

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nguyen-dbqh-le-van-cuong-can-co-mot-quy-dinh-cu-the-bang-van-ban-ve-van-hoa-tu-chuc-68673.html

In bài viết