Điều chỉnh tên nghề nặng nhọc chưa đúng trong sổ bảo hiểm là rất cần thiết

06:41 | 13/11/2018

TĐO - Người lao động làm việc nhẹ, có người nặng và độc hại hơn nhưng ghi chưa đúng trong sổ bảo hiểm xã hội, họ có thể phải chịu thiệt thòi hơn... Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội điều chỉnh tên nghề nặng nhọc chưa đúng trong sổ bảo hiểm là rất cần thiết.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang dự thảo Thông tư hướng dẫn điều chỉnh tên nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ghi chưa đúng trong sổ bảo hiểm xã hội của người lao động. Đây là một việc điều chỉnh rất cần thiết, có tính chất linh hoạt để có sự công bằng cho người lao động.

Đó là quan điểm của chuyên gia và nguyên ĐBQH khi trao đổi với PV báo Thời Đại.

dieu chinh ten nghe nang nhoc chua dung trong so bao hiem la rat can thiet

Nguyên ĐBQH Trần Ngọc Vinh.

Thông tư này nêu rõ trong sổ bảo hiểm xã hội của người lao động đã ghi chưa đúng đó là: Chỉ thực hiện đối với người lao động thực tế làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, nhưng tên nghề, công việc ghi trong sổ bảo hiểm xã hội của họ ghi chưa đúng tên nghề, công việc mà họ làm.

Quan điểm của nguyên ĐBQH Trần Ngọc Vinh: “Theo tôi thì Thông tư điều chỉnh là rất cần thiết. Các loại bảo hiểm thì cần phân loại đối với các nhóm người lao động trong sổ bảo hiểm. Bởi, nếu ghi đúng được nghề họ làm trong bảo hiểm thì để đánh giá các loại bảo hiểm và cũng để ngành y tế quan tâm, có chính sách ưu đãi hơn đối với những người lao động nặng nhọc, độc hại".

Cũng theo ông Vinh thì việc phân loại để ghi đúng trong sổ bảo hiểm là phải chính xác và đúng với người lao động. Và, không để người lao động lợi dụng việc này để được ghi sai trong sổ bảo hiểm để trục lợi.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Về Thông tư này, điều chỉnh bây giờ là rất phù hơp, cần thiết. Bởi, trong quá trình người lao động bắt đầu làm việc có người làm việc nhẹ nhưng có người lại làm việc nặng nhọc, độc hại hơn. Vì thế, nếu người làm việc nặng hơn, độc hại hơn thì cần phải điều chỉnh để cho người lao động có lợi hơn.

“Đây cũng là một sự điều chỉnh có tính chất linh hoạt, năng động và phù hợp với thực tế. Đất nước ta luôn biến động thì việc điều chỉnh này sẽ phù hợp với người lao động và có sự công bằng hơn đối với người lao động..”, ông Doanh nhấn mạnh.

dieu chinh ten nghe nang nhoc chua dung trong so bao hiem la rat can thiet

Điều chỉnh tên nghề nặng nhọc trong bảo hiểm xã hội là rất cần thiết.

Theo đó, việc xác định nghề, công việc ghi trong sổ bảo hiểm xã hội căn cứ vào các nội dung sau: Đặc điểm về điều kiện lao động của nghề, công việc; các chế độ, chính sách đối với người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được áp dụng cho người lao động trong thời gian làm các nghề, công việc ghi trong sổ bảo hiểm xã hội (chẳng hạn như tiền lương, bồi dưỡng bằng hiện vật, nghỉ hằng năm, nghỉ ốm đau, nghỉ thai sản…).

Theo dự thảo, người sử dụng lao động có trách nhiệm đề nghị điều chỉnh thông tin trên sổ bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 98 của Luật Bảo hiểm Xã hội và các văn bản hướng dẫn của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, khi phát hiện sự việc hoặc khi có đề nghị của người lao động (bao gồm cả người đang làm việc, đã nghỉ việc hoặc chuyển nơi làm việc khác) về việc trong sổ bảo hiểm xã hội ghi chưa đúng tên nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Khi cơ quan bảo hiểm xã hội từ chối điều chỉnh, nếu người sử dụng lao động có các căn cứ xác định nghề, công việc ghi trong sổ bảo hiểm xã hội là nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì gửi văn bản đề nghị công nhận là nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm về bộ chủ quản hoặc tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước trực tiếp quản lý, để các cơ quan trên kiểm tra, rà soát, thống nhất các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong ngành, lĩnh vực quản lý, có ý kiến đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét, giải quyết. Trường hợp người sử dụng lao động không có bộ chủ quản hoặc không thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước thì gửi văn bản đề nghị về Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Trong văn bản đề nghị công nhận làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm quy định nêu trên phải nêu lý do ghi trong sổ bảo hiểm xã hội chưa đúng với tên nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đã được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành; đồng thời gửi kèm theo các tài liệu để chứng minh như: Bảng tổng hợp nghề, công việc đã ghi trong sổ bảo hiểm xã hội và tên nghề, công việc nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tương ứng; kèm theo mô tả đặc điểm điều kiện lao động của từng nghề, công việc; Bảng tổng hợp những người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm bị ghi chưa đúng tên nghề, công việc trong sổ bảo hiểm xã hội; kèm theo các chế độ, chính sách được áp dụng cho người lao động và các tài liệu khác liên quan (nếu có) để chứng minh là người lao động thực tế có làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Đơn của người lao động có chữ ký của người lao động, đóng dấu xác nhận của người sử dụng lao động và ban chấp hành công đoàn cơ sở.

Xuân Nguyễn

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/dieu-chinh-ten-nghe-nang-nhoc-chua-dung-trong-so-bao-hiem-la-rat-can-thiet-68663.html

In bài viết