Lâm Đồng: Phát hiện nhiều sai phạm trong việc bổ nhiệm cán bộ tại huyện Đức Trọng

06:00 | 28/10/2018

TĐO-Theo đó, qua kiểm tra, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng đã có thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng. Trong đó chỉ ra hàng loạt sai phạm trong việc bổ nhiệm cán bộ tại huyện này.

Bổ nhiệm “vô tội vạ”

Theo thông báo kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng thì trong năm 2016 - 2017, UBND huyện thực hiện bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 67 trường hợp sai quy định. Trong đó, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 51 trường hợp tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục không có tên trong quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý là chưa thực hiện theo đúng quy định. UBND huyện thực hiện việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các trường hợp không có tên trong quy hoạch nêu trên có 46 trường hợp không xin chủ trương của Huyện ủy.

Trong 67 trường hợp được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại sai quy định như trên có 51 trường hợp thiếu một số điều kiện, tiêu chuẩn của chức vụ bổ nhiệm theo. Khi thực hiện bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn này có 29 trường hợp UBND huyện không xin ý kiến của Sở Nội vụ.

Đến thời điểm thanh tra còn 38 trường hợp được bổ nhiệm năm 2016-2017 chưa đạt chuẩn và các điều kiện, tiêu chuẩn của chức vụ theo quy định (hiện nay, UBND huyện đã có kế hoạch đào tạo).

lam dong phat hien nhieu sai pham trong viec bo nhiem can bo tai huyen duc trong

Phát hiện nhiều sai phạm trong việc bổ nhiệm cán bộ tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Thanh tra tỉnh cũng nêu rõ 7 trường hợp chưa có trình độ Đại học được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cấp Trưởng, cấp Phó các đơn vị trực thuộc UBND huyện gồm: Ông Đặng Quốc Việt (đã nghỉ hưu); bà Phạm Thị Mỹ Liên và bà Đặng Thị Bạch (cùng SN 1966, còn hơn 2 năm là nghỉ hưu); bà Trần Thị Ngọc Huệ, bà Phạm Thị Nhị và bà Tou Neh Drong Minh Thanh đang học đại học năm cuối; trường hợp ông Hoàng Hồng Quang khi bổ nhiệm có xin ý kiến của Sở Nội vụ.

Cũng trong năm 2016 – 2017, UBND huyện chậm ban hành quyết định bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ cho 20 trường hợp từ 2 đến 6 tháng là chưa thực hiện đúng quy định tại khoản 2, Điều 51, Luật Cán bộ, công chức năm 2008.

Đáng chú ý là việc Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng phân công bà Phạm Thị Thanh Thúy - Phó Chủ tịch phụ trách, chỉ đạo, trong đó có lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng công trình sửa chữa, nâng cấp Trạm tế xã Tà Hine do bà Phạm Thị Thanh Thúy ký phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt quyết toán công trình nhưng chồng bà là Giám đốc Công ty TNHH Triệu Khánh ký hợp đồng thi công công trình là không thực hiện đúng quy định tại khoản 3, 4 Điều 37, Luật PCTN, gây dư luận không tốt.

Bất cập trong công tác quy hoạch cán bộ

Theo thông báo kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng thì đối với công tác quy hoạch cán bộ, lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2015 – 2020, UBND huyện không rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo. Ngày 2/10/2017, UBND huyện mới ban hành quyết định quy hoạch cán bộ quản lý các trường trung học cơ sở, trường tiểu học, trường mầm non trực thuộc UBND huyện quản lý giai đoạn 2017 - 2020 là chưa thực hiện đúng quy định.

Theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy: “Cấp huyện; các Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh: thực hiện xong trước tháng 8/2012”.

Bên cạnh đó, UBND huyện Đức Trọng còn ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch cán bộ quản lý của các trường trung học cơ sở, trường tiểu học, trường mầm non là sai thẩm quyền được quy định tại khoản 17, Điều 13 Quyết định số 51/2016/QĐ-UBND ngày 13/9/2016 của UBND tỉnh ban hành Quy định phân cấp quản lý CBCCVC người quản lý doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng: “UBND cấp huyện xây dựng quy hoạch các chức danh thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện trình Ban Thường vụ huyện ủy, thành ủy phê duyệt”.

Đối với công tác quy hoạch cán bộ, lãnh đạo, quản lý, UBND huyện chưa triển khai xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2020-2025 của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; Trường Dân tộc nội trú, các trường Trung học cơ sở, trường Tiểu học, trường Mầm non trực thuộc.

Thanh tra tỉnh Lâm Đồng xác định, Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng chưa kịp thời giới thiệu để HĐND huyện bầu bổ sung Ủy viên UBND, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính cấp huyện (thiếu 5 trong tổng số 17 Ủy viên UBND huyện từ ngày 29/6/2016 đến ngày 14/12/2017 và hiện nay vẫn thiếu 2 Ủy viên UBND) là chưa thực hiện đúng quy định tại Điều 27, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Đáng chú ý, 19/9/2017, Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng đã phê duyệt quy hoạch ông Trần Văn Nam (lao động hợp đồng) giữ các chức vụ Phó Trưởng phòng NN&PTNT, Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp là không thực hiện đúng quy định tại khoản 3, Điều 1, Quyết định số 1103/QĐ- UBND ngày 05/5/2008 của UBND tỉnh.

Theo Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, việc UBND huyện Đức Trọng đồng ý cho các phòng chuyên môn ký hợp đồng 9 trường hợp làm công việc chuyên môn là chưa thực hiện đúng theo quy định.

Không thông báo công khai tuyển dụng công chức cấp xã năm 2016 trên 3 số báo liên tiếp của cấp tỉnh là chưa thực hiện đúng quy định tại Điều 17 Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng trong giai đoạn 2016 – 2017 chưa kịp thời tổ chức thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng trên địa bàn huyện, dẫn đến kết quả tuyên truyền, phổ biến còn hạn chế.

Trước đó, một số cán bộ của huyện Đức Trọng cũng đã phải chịu kỷ luật vì liên quan tới vụ áp thuế 5,7 tỷ đối với cụ Đàm Thị Lích gây xôn xao dư luận.

Báo Thời Đại sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Nguyễn Hiếu

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/lam-dong-phat-hien-nhieu-sai-pham-trong-viec-bo-nhiem-can-bo-tai-huyen-duc-trong-68565.html

In bài viết