Sử dụng biển xe "hộ đê" giả: Thực hiện hành vi ăn cắp tinh vi thật đáng xấu hổ

05:30 | 02/10/2018

TĐO-Thông tin hàng loạt xe ô tô sử dụng biển xe "hộ đê” để trốn mua vé, lách luật tại các trạm thu phí được xác định là giả mạo khiến dư luận không khỏi bất bình. Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, nếu các xe này trót lọt qua các trạm thì là một hành vi ăn cắp tinh vi và nó thật đáng xấu hổ.

Trước đó, báo Thời Đại đăng tải bài viết: "Nóng: Chủ ô tô siêu sang gắn biển xe "hộ đê" và trách nhiệm công dân" đã nhận được phản hồi tích cực từ độc giả.

Sau khi báo đăng tải, chúng tôi nhận được ý kiến của nhiều độc giả về vấn đề này.

Luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: “Hộ đê” chính là hoạt động nhằm bảo đảm an toàn cho đê điều, bao gồm cả việc cứu hộ các công trình liên quan đến an toàn của đê điều. Do đó, xe hộ đê chính là phương tiện di chuyển chuyên chở người làm công tác hộ đê và là một trong những xe được xếp vào dạng ưu tiên di chuyển.

Cụ thể, tại Điều 2, Nghị định 109/2009 có quy định về tín hiệu của xe được quyền ưu tiên. Theo đó, Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng các xe được quyền ưu tiên, gồm: Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ, xe quân sự, xe Công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, xe Cảnh sát giao thông dẫn đường, xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu, xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh, xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; các cơ sở, doanh nghiệp, cá nhân liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh thiết bị phát tín hiệu ưu tiên; phương tiện và người tham gia giao thông.

Trong quá trình tham gia giao thông thì chỉ đối với trường hợp làm nhiệm vụ, xe hộ đê mới có quyền ưu tiên.

su dung bien xe ho de gia thuc hien hanh vi an cap tinh vi that dang xau ho

Nhiều xe ô tô được phát hiện sử dụng phù hiệu không đúng.

Ngoài ra, theo Quyết định 113 năm 2015 Quy định về quản lý, phát hành và cấp biển xe "hộ đê" làm nhiệm vụ khẩn cấp về phòng chống thiên tai do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy định chi tiết về việc các cá nhân tổ chức được cấp biển xe "hộ đê".

Cũng theo luật sư Ứng, căn cứ theo quy định tại điểm e, khoản 2, Điều 5, Nghị định 46 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì “Xe được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên không đúng quy định hoặc sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp nhưng không còn giá trị sử dụng theo quy định” thì bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.

Ngoài ra, một số xe biển trắng không được cơ quan có thẩm quyền cấp biển xe "hộ đê” nhưng vẫn có được “bảo bối” này bằng nhiều cách khác nhau, có thể là làm giả rồi ngang nhiên chạy xe trên đường, lọt qua nhiều trạm thu phí có thể bị coi là có hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (được quy định tại Điều 341, BLHS năm 2015).

Nhận định về việc có nhiều xe sử dụng không đúng phù hiệu xe "hộ đê", dùng biển xe "hộ đê" giả, một số chuyên gia pháp lý khi được PV tham vấn ý kiến cho rằng, nhiều xe “trót lọt” qua các trạm là một hành vi ăn cắp và nó thật đáng xấu hổ. Các hành vi này cần phải bị xử lý nghiêm theo các quy định hiện hành.

su dung bien xe ho de gia thuc hien hanh vi an cap tinh vi that dang xau ho

Bộ NN&PTNT đề nghị bộ Công an vào cuộc, rà soát để xử lý nghiêm.

Cũng theo vị chuyên gia này, anh có tiền mua xe có giá trị tiền lớn như: Cadillac, Lexus…nhưng lại tìm cách để “trốn” vé đi đường bằng việc sử dụng không đúng các phù hiệu ưu tiên hoặc làm giả các phù hiệu đó. Việc làm giả sẽ bị xử lý, nhưng chính thói quen “trốn” đó sẽ tạo tiền lệ xấu, ảnh hưởng đến nhiều ngành và lĩnh vực khác. Đặc biệt, các công ty tư nhân, các công ty vận tải sử dụng phù hiệu ưu tiên với mục đích trốn phí thì đáng lên án và xử lý nghiêm.

Trước đó, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT đã kiểm tra và xác nhận theo danh sách phản ánh của các cơ quan báo chí, các biển số xe sau không được cấp biển xe "hộ đê" mà treo biển giả, bao gồm các xe: 30E-558.19; 30E-850.86; 14A-048.67; 15A-154.68; 15A-326.89; 29D-307.95; 29U-5069.

Để quản lý tốt việc sử dụng biển "hộ đê", Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có văn bản chỉ đạo các địa phương về việc cấp, quản lý và sử dụng biển xe hộ đê, trong đó đề nghị chỉ sử dụng biển xe "hộ đê" khi thi hành nhiệm vụ.
Ban chỉ đạo yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát, cấp, quản lý và sử dụng biển xe "hộ đê" thuộc thẩm quyền cấp của địa phương theo đúng quy định; kiên quyết thu hồi các biển xe cấp sai đối tượng và sử dụng sai mục đích, thông báo đến các trạm thu phí trên địa bàn để theo dõi các biển hộ đê lưu thông qua trạm.

Trường hợp phát hiện biển xe "hộ đê" giả hoặc sử dụng không đúng mục đích, Ban chỉ đạo đề nghị người dân thông báo đến các cơ quan chức năng để thu hồi và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi Bộ Công an đề nghị giao cơ quan chức năng trực thuộc phối hợp với Tổng cục Phòng chống thiên tai xác minh những trường hợp sản xuất, sử dụng biển xe "hộ đê" giả và có chế tài xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Xuân Hòa

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/su-dung-bien-xe-ho-de-gia-thuc-hien-hanh-vi-an-cap-tinh-vi-that-dang-xau-ho-68312.html

In bài viết