Điên Biên: Người dân sống trong lo sợ của vùng sạt lở, sút lún đến bao giờ?

06:00 | 01/10/2018

TĐO-Đó là thực tế mà gần 460 học sinh và giáo viên trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) và Tiểu học Tìa Dình cùng 23 cán bộ, công chức làm việc tại UBND xã và 44 hộ dân thuộc bản Tìa Dình C, xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên đang phải sống. Họ sống trong lo sợ vì sụt lún, gãy nứt, sạt sụt đất có thể rình rập tính mạng bất kỳ lúc nào.

Sống trong sợ hãi

Những ngày đến với xã Tìa Dình, chúng tôi mới có thể cảm nhận hết sự lo âu, bất an và hoảng sợ của cán bộ, công chức, viên chức và người dân đang phải làm việc, sinh sống và học tập trong vùng sạt lún, nứt gãy có nguy cơ sạt sụt đất bất kỳ lúc nào.

Theo người dân sống ở đây cho biết: Vết nứt gãy, sụt lún bắt đầu xuất hiện từ những năm trước. Tuy nhiên, những vết nứt gãy, sụt lún chỉ xuất hiện lớn và trở nên nguy hiểm từ sau những trận mưa lớn, kéo dài vào đầu tháng 9 vừa qua. Vết nứt dài gần 1 km ở khu vực chân đồi bao quanh cả khu dân cư, UBND xã và trường học.

dien bien nguoi dan song trong lo so cua vung sat lo sut lun den bao gio

Vết sụt lún làm gãy nứt nền nhà các hộ dân bản Tìa Dình C.

Với vẻ mặt lo lắng có chút sợ hãi, thầy giáo Ngô Xuân Vinh - Hiệu trưởng trường PTDTBT và Tiểu học Tìa Dình dẫn chúng tôi thị sát những vết nứt gãy cho biết: Hiện, nhà trường có 460 học sinh thì có hơn 250 học sinh bán trú đang học tập và sinh sống tại trường. Các vết nứt ở tường và nền nhà, đất bị trôi trượt đẩy cho cong vẹo hết khu nhà lớp học. Đặc biệt là 3 gian nhà mới xây dựng vào năm 2016. Để đảm bảo an toàn, hiện tại nhà trường đã đóng cửa tất cả các lớp học, học sinh phải chuyển đến nhà kho, nhà ăn, và dồn lớp lại để học tập.

“Nếu thời tiết tiếp tục mưa thì nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào là không thể tránh khỏi và đe dọa lớn đến tính mạng của các em học sinh, thầy cô giáo”, thầy giáo Ngô Xuân Vinh nhấn mạnh.

Tình trạng nứt gãy, sụt lún cũng đặt 44 hộ dân sinh sống tại bản Tìa Dình C và 23 cán bộ, công chức làm việc tại UBND xã Tìa Dình vào tình trạng báo động. Xuất hiện nhiều vết nứt, có những khe nứt rộng 20cm và sâu hơn 1m. Nhiều điểm bị sụt lún sâu đã làm nhiều ngôi nhà bị xô lệch, xiêu vẹo, ngả nghiêng. Tính mạng con người đang bị rình rập bởi sự nguy hiểm; cuộc sống sinh hoạt bị xáo trộn bởi sự lo lắng, sợ hãi. Vì thế đã có nhiều hộ gia đình phải di chuyển đến nơi khác để sinh sống.

Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"

Trước tình trạng gãy nứt, sạt lún xảy ra lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Điện Biên Đông đã đến kiểm tra tình hình thực tế và yêu cầu UBND xã chủ động theo dõi, bám sát tình hình để có biện pháp chỉ đạo kịp thời. Đồng thời tổ chức tuyên truyền để nhân dân đề cao tinh thần cảnh giác trước nguy cơ sụt lún và yêu cầu di chuyển người dân đến nơi an toàn khi có mưa lớn. Ban giám hiệu trường PTDTBT tiểu học Tìa Dình chủ động các phương án nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các em học sinh và giáo viên.

“Tuy nhiên, đó mới chỉ là giải pháp tình thế và tạm thời, tính mạng của người dân nơi đây vẫn đang bị đe dọa hàng ngày nếu không có phương án di dời kịp thời”, ông Trần Xuân Thượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông nói.

Trao đổi với PV Thời Đại, ông Vừ A Bằng - Bí thư Huyện ủy huyện Điện Biên Đông thông tin: "Hiện huyện đã đưa ra các phương án nhằm bố trí, sắp xếp và di dời trường học, trụ sở UBND xã và 44 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt sụt. Tuy nhiên, điều đó đang gặp rất nhiều khó khăn và vướng mắc. Vì huyện Điện Biên Đông là một huyện nghèo của tỉnh nên nguồn kinh phí phục vụ cho công tác di dời hạn hẹp, phụ thuộc vào nguồn ngân sách trung ương và của tỉnh. Mặt khác, một số vấn đề vượt quá chức năng, thẩm quyền giải quyết của huyện. Để có phương án giải quyết tối ưu nhất, huyện cũng đã báo cáo UBND tỉnh và đề nghị các cơ quan chuyên môn đến hiện trường kiểm tra, xác minh thực tế đánh giá hiện trạng. Từ đó, có phương án di dời trường học, trụ sở UBND xã và các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm một cách nhanh nhất, giảm thiểu tối đa thiệt hại có thể xảy ra".

dien bien nguoi dan song trong lo so cua vung sat lo sut lun den bao gio

Lãnh đạo UBDN tỉnh cùng đoàn công tác đi kiểm tra tình hình thực tế tại xã Tìa Dình.

Cũng theo ông Vừ A Bằng thì: "Hiện tượng gãy nứt, sụt lún không chỉ diễn ra trên địa bàn xã Tìa Dình mà này còn diễn ra tại khu vực bản Mường Tỉnh A, xã Xa Dung. 14 hộ dân của bản Mường Tỉnh A, xã Xa Dung cũng đang phải sống trong vùng sụt lún, có thể sạt sụt bất kỳ lúc nào và đe dọa đến tính mạng của người dân. Trước mùa mưa lũ năm nay, huyện Điện Biên Đông cũng đã có văn bản trình UBND tỉnh và gửi các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh để đưa ra phương án di dời 14 hộ dân bản Mường Tỉnh A, xã Xa Dung. Tuy nhiên, đến thời điểm này sau hơn 4 tháng các sở, ban, ngành và UBND tỉnh vẫn chưa có phương án, thủ tục cần thiết để di dời các hộ bị ảnh hưởng ra khỏi vùng nguy hiểm".

“Mặc dù, đang là thời điểm của mùa khô nhưng với sự biến đổi của khí hậu, cùng nhiều kiểu thời tiết cực đoan diễn ra phức tạp, tôi rất lo cho người dân. Mong sao UBND tỉnh và các sở, ban, ngành nhanh chóng đưa ra các phương án di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đừng để chuyện xảy ra quá muộn”, ông Vừ A Bằng - Bí thư Huyện ủy huyện Điện Biên Đông lo lắng.

Bài và ảnh Duy Linh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/dien-bien-nguoi-dan-song-trong-lo-so-cua-vung-sat-lo-sut-lun-den-bao-gio-68298.html

In bài viết