Nhà bảo tồn trẻ đam mê công việc bảo tồn động vật quý hiếm

14:46 | 28/09/2018

TĐO-Với tình yêu lớn lao cho môi trường thiên nhiên, Lê Thị Trang đã dành cả tuổi trẻ của mình gắn bó với công việc bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD). Những cống hiến này đã giúp Trang vinh dự trở thành Top 10 Quỹ Future for Nature 2015 - một trong những giải thưởng uy tín quốc tế...

Lựa chọn từ ước mơ xanh

Lê Thị Trang (SN 1986) là một học sinh trường THPT Phan Châu Trinh, TP.Đà Nẵng thường ấp ủ ước mơ trở thành một trong những người góp phần bảo vệ môi trường nên quyết định thi tuyển vào khoa Môi trường – Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Bước vào giảng đường đại học, cô gái trẻ nhận ra ngành học mình đã lựa chọn thiên về máy móc, không liên quan gì đến giấc mơ thuở bé. Thế là, Trang rủ rê bạn thành lập CLB Môi trường, xông xáo trên hành trình hỗ trợ xử lý chất thải và nhiệt huyết tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường đến học sinh tiểu học.

nha bao ton tre dam me cong viec bao ton dong vat quy hiem

Câu lạc bộ Môi trường.

Mỗi ngày, cô sinh viên trường ĐHBK Đà Nẵng lân la từ quán ăn này đến quán ăn khác để tìm hiểu và cung cấp thông tin về việc tiêu thụ ĐVHD. Yêu thích công việc này, sau khi tốt nghiệp đại học, Trang tiếp tục gắn bó với ENV trong vai trò là cán bộ dự án Mac Arthur khu vực MTTN. Trang chia sẻ: “Công việc lúc đó của Trang là điều tra các mạng lưới tội phạm đứng sau những vụ săn bắt, buôn bán ĐVHD ở khu vực từ Quảng Trị đến Gia Lai nhằm cung cấp những thông tin quan trọng cho các cơ quan thi hành luật, vạch trần các đối tượng trong các mạng lưới buôn bán ĐVHD”.

Chúng tôi gặp Trang vào năm 2010 nhưng phải đến năm 2012, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) mới chính thức được thành lập với mong muốn tìm hiểu, nghiên cứu, phổ biến các giá trị của đa dạng sinh học đến cộng đồng người dân Việt Nam. Qua đó, nâng cao hiểu biết, thúc đẩy hành động của cộng đồng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và ứng xử thân thiện với môi trường, sử dụng một cách bền vững tài nguyên môi trường đa dạng sinh học của Việt Nam”, Trang tâm sự:

nha bao ton tre dam me cong viec bao ton dong vat quy hiem

Nhà bảo tồn Lê Thị Trang

“Những ngày đầu, khi chưa có bất kỳ dự án nào tài trợ, Trang vẫn nhiệt huyết, cần mẫn với công việc của mình dù không có lương. Trong vai trò Phó Giám đốc GreenViet, Trang cùng những cộng sự đã tập trung vào 3 nhóm lĩnh vực chính: nghiên cứu, truyền thông – giáo dục và chính sách (chia sẻ tài liệu cho cơ quan chức năng của nhà nước trong tiến trình hoạch định chính sách)”

Phải nói rằng, sau gần 6 năm đi vào hoạt động, GreenViet đã có nhiều hoạt động tích cực trong việc bảo vệ tốt đa dạng sinh học, môi trường của quốc gia và thích ứng kịp thời với biến đổi khí hậu, như: đánh giá hiện trạng và giám sát đa dạng đa dạng thú linh trưởng trên địa bàn TP Đà Nẵng; thành lập bảo tàng mini về đa dạng sinh học và CLB giáo dục kỹ năng sống thân thiện với thiên nhiên cho thế hệ trẻ tại TP.Đà Nẵng; tổ chức các hội thảo, cuộc thi tìm hiểu về vai trò của đa dạng sinh học với sự phát triển của thành phố; tổ chức một số chương trình điều tra, khảo sát về đa dạng sinh học trên địa bàn các tỉnh Miền Trung – Tây Nguyên...

Sơn Trà hòn ngọc quý

Mong muốn Bán đảo Sơn Trà được nhìn nhận là hòn ngọc quý, GreenViet đã bắt đầu hành trình quảng bá “thương hiệu” Sơn Trà đến với cộng đồng. “Các anh chị từng tham gia chương trình nghiên cứu tập tính sinh thái loài chà vá chân xám ở Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, tỉnh Gia Lai nên biết ở Sơn Trà có Voọc chà vá chân nâu - loài sinh vật chỉ thị môi trường và là nguồn gen quý hiếm. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, chỉ có một vài công trình nghiên cứu về loài này tại Sơn Trà nhưng ở quy mô nhỏ, không bao quát toàn bộ khu vực. Vì vậy, GreenViet đã quyết định thực hiện nghiên cứu hiện trạng quần thể Voọc tại Sơn Trà với quy mô đầy đủ hơn”, Trang kể.

Sau 5 năm, bắt đầu từ 5 giờ sáng mỗi ngày, GreenViet kiên nhẫn ghi dấu chân của mình ở Sơn Trà theo 16 tuyến với quy định chặt chẽ về đường đi, chiều dài, khoảng cách để có được kết quả nghiên cứu chính xác với những chỉ số cụ thể. Cùng với việc nghiên cứu, Trang cùng GreenViet đẩy mạnh truyền thông và giáo dục thông qua poster, toạ đàm, triển lãm ảnh... Đặc biệt, hành trình “Tôi yêu Sơn Trà” do GreenViet khởi xướng từ năm 2013 đã mang Sơn Trà nói chung và Voọc chân nâu nói riêng lại gần hơn với mọi người.

nha bao ton tre dam me cong viec bao ton dong vat quy hiem

Nhà bảo tồn Lê Thị Trang nói chuyện với học sinh về cách bảo vệ động vật quý hiếm.

“Không còn là Sơn Trà được miêu tả qua câu chữ hay hình ảnh mà có một Sơn Trà gần gũi, chân thực được cảm nhận bằng tất cả giác quan của mỗi người. Khám phá Sơn Trà rồi, mọi người mới trân quý và ra sức bảo vệ nơi đây”, Trang xúc động. Nhận thấy nhiệt huyết của cô gái trẻ, Tiến sĩ Chia Luen Tan (Vườn thú San Diego của Mỹ) - đối tác của GreenViet giới thiệu giải Future For Nature Award 2015 và động viên Trang tham gia. Rồi, cũng chính Tiến sĩ Chia Luen Tan hỗ trợ Trang làm hồ sơ.

Với Trang, việc loài voọc chà vá chân nâu đang ngày càng nhận được sự quan tâm, yêu mến nhiều hơn, trở thành hình ảnh nhận diện của Đà Nẵng trong sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC 2017 là một thành công bước đầu. Và hành trình bảo vệ môi trường thiên nhiên nói chung, ĐVHD nói riêng của cô gái trẻ vẫn đang tiếp nối mỗi ngày với những công việc lặng thầm...

Hành trình tiếp theo của Trang là nghiên cứu, cũng như những người trong CLB là làm thế nào đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm bảo vệ môi trường sống tự nhiên của bán đảo Sơn Trà TP Đà Nẵng, nơi mà có nhiều nhất loài Vooc chà vá chân nâu đang sinh sống và phát triển tại Sơn Trà. Đừng để loại động vật quý hiếm này tiệt chủng mai sau nếu ngay từ bây giờ chúng ta phải có giải pháp căn cơ đồng điệu nhất quán của cơ quan chính quyền địa phương và những người có trách nhiệm bảo vệ động vật quý hiếm này. Và đây chính là trách nhiệm bảo vệ của mỗi con người dân chúng ta khi tiếp cận đến loài Vooc chà vá chân nâu này.

Theo GreenViet, Voọcchà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) là một loài linh trưởng đặc hữu quý hiếm và đang trong tình trạng nguy cấp tại Việt Nam. Tại Sơn Trà Đà Nẵng hiện nay có khoảng hơn 1300 cá thể loài chà vá chân nâu đang tồn tại ngoài tự nhiên và đây là quần thể lớn nhất, bền vững nhất hiện nay của loài.Các điểm phân bố Voọc được GreenViet ghi nhận từ cuối năm 2012 đến nay cho thấy Voọc chủ yếu phân bố nhiều ở phía Bắc bán đảo.Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tôn vinh Voọc chà vá chân nâu là "nữ hoàng của các loài linh trưởng". Chúng được xếp hạng Nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam và IUCN thế giới chỉ sinh sống tại khu vực Đông Dương. Theo Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Voọc chân nâu đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng cao, đứng thứ hai trong danh lục đỏ của IUCNvề các loài bị đe dọa.

Duy Cường - Đắc Bình

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nha-bao-ton-tre-dam-me-cong-viec-bao-ton-dong-vat-quy-hiem-68288.html

In bài viết