Một Luật tác động nhiều Luật cũng rất đáng lo

10:21 | 14/09/2018

TĐO- Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thảo luận về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội năm 2018, một số ý kiến cho rằng hiện việc sửa đổi luật nhiều dẫn đến thiếu tính ổn định, thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và cần phải khắc phục trong thời gian tới.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, cần phải chấn chỉnh trong công tác lập pháp để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, điều đáng mừng là hệ thống pháp luật được sửa đổi thường xuyên để đáp ứng yêu cầu tình hình thực tiễn, nhưng cũng rất lo sự phá vỡ của một số luật dẫn tới tính thống nhất không đảm bảo.

Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng, qua thảo luận dự án Luật Giáo dục tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy dự án Luật có chính sách mới trong đó có những chính sách đòi hỏi những khoản chi tiêu liên quan ngân sách, tác động ngân sách trong điều kiện ngân sách đang khó khăn như hiện nay. Việc ban hành chính sách mới là cần thiết nhưng phải tạo điều kiện cân bằng được ngân sách, còn chính sách mới đưa ra để thực hiện cơ chế bao cấp thì có cần thiết không?

mot luat tac dong nhieu luat cung rat dang lo

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

Cùng với đó là thực trạng một luật tác động nhiều luật cũng rất đáng lo. Như chỉ riêng dự án Luật Giáo dục mà đề cập đến thuế, chính sách tiền tệ cho vay, miễn giảm, các cơ chế có liên quan đến một ngành nhưng tác động đến các lĩnh vực khác, chỉ thiếu không có Luật Hình sự trong này. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, thực tế này là do khâu phối hợp trong xây dựng pháp luật không đảm bảo nên mỗi bộ, mỗi ngành đề xuất một dự án luật đều đưa ra những vấn đề có lợi cho quản lý, điều hành, chỉ đạo của bộ, ngành đó nhưng không nhìn đến tổng thể chung.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, hệ thống pháp luật khá đầy đủ, toàn diện, nhưng quan trọng nhất là do tổ chức thực hiện chưa tốt nên cứ vướng mắc là lại phải sửa, trong khi vướng mắc do tổ chức thực hiện mà không phải do sự không hợp lý, không hoàn thiện của luật. Như trường hợp Luật Đầu tư công, Luật Phòng, chống tham nhũng nếu chúng ta cứ làm tốt luật cũ, cộng với hệ thống pháp luật liên quan như Luật Chống rửa tiền, Luật Thuế, các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ cũng góp phần trong công tác chống tham nhũng nhưng 3 khóa rồi đều sửa, đến nay lại sửa không rõ sửa có giải quyết được không.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chính sự sửa đổi liên tục không bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật, nhiều luật tồn tại không quá 5 năm. Nếu chỉnh sửa thì chỉnh sửa những gì thật sự chín muồi. Nếu sửa theo dạng chạy theo số lượng, đánh giá sự cần thiết chưa kỹ, đưa vào chương trình rồi lại rút ra, công tác chuẩn bị chưa tốt thì không đảm bảo, sửa đổi bổ sung liên tục gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. Điều quan trọng là đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tập trung vào những luật để cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013. Những luật nào mà hiện nay trong Hiến pháp năm 2013 quy định mà còn thiếu cần cố gắng tập trung; những luật tốt rồi, có một vài điểm khiếm khuyết không đáng kể thì cố gắng làm tốt.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng bày tỏ thống nhất với ý kiến cần phải tính tới học tập kinh nghiệm hay của quốc tế về bảo đảm tính ổn định và dễ nhớ, tinh thần tôn trọng pháp luật; sửa đổi như thế nào để luật sửa một số điều của luật trước dễ theo dõi và tiến tới pháp điển hóa hệ thống pháp luật.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, công tác xây dựng pháp luật phải bảo đảm được tính khả thi, tính ổn định, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Đây là một nguyên tắc xuyên suốt trong các nghị quyết của Đảng cũng như trong các luật, nghị quyết Quốc hội, nghị quyết Chính phủ. Vì vậy phải quán triệt thực hiện nguyên tắc này ngay từ khâu lập chương trình cho đến soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, cho ý kiến và xem xét thông qua dự án luật và hoàn thiện kỹ thuật trước khi ban hành.

Xuân Hoà

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/mot-luat-tac-dong-nhieu-luat-cung-rat-dang-lo-68146.html

In bài viết