Ấm lòng Ngôi nhà yêu thương chan chứa tình người tại Hải Phòng

13:42 | 20/07/2018

TĐO - Giữa trung tâm thành phố cảng, Ngôi nhà yêu thương được biết đến là nơi nương tựa của những người vô gia cư, các em nhỏ mồ côi, các bạn sinh viên nghèo. Tại mái ấm này, những số phận không may mắn được chăm lo và nhận được sự thương yêu, sẻ chia của cộng đồng xã hội.

Mái ấm của những mảnh đời bất hạnh

Chúng tôi có dịp đến thăm đại gia đình đang sinh sống tại Ngôi nhà yêu thương (địa chỉ số 3/54/241B Lạch Tray, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) vào một buổi sáng của tháng 7.

Ngôi nhà yêu thương này được chị Đặng Thị Minh Thảo, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Hoàng Vũ xây dựng để đón những mảnh đời khó khăn về đây chăm sóc.

am long ngoi nha yeu thuong chan chu a ti nh nguo i tai ha i pho ng

Ngôi nhà yêu thương tại Hải Phòng.

Chia sẻ với PV báo Thời đại, chị Thảo cho biết: “Sau 8 tháng xây dựng, vào ngày 17/4, ngôi nhà yêu thương được hoàn thành và đi vào hoạt động. Ngôi nhà được xây dựng trên diện tích 200 m2, gồm 3 tầng có thể đủ cho khoảng 50 người ở. Đến nay, ngôi nhà yêu thương đã đón được hơn 10 cụ già và 2 em nhỏ về sinh sống”.

Các cụ già, trẻ em mồ côi được ăn ở miễn phí. Sinh viên nghèo được ở miễn phí, còn tiền ăn thì đóng một phần. Hầu hết các cụ ở đây đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải đi thuê nhà hoặc ngủ tạm ở các bến xe khách, bến ga hay gầm cầu.

Tầng 1 là nơi dành cho các cụ già vô gia cư, neo đơn, gồm 2 phòng riêng cho cụ ông, cụ bà, mỗi phòng có 8 giường đơn.

Tầng 2 là nơi dành cho các bạn sinh viên nữ có hoàn cảnh khó khăn, các bé gái mồ côi. Còn tầng 3 dành cho sinh viên nam có hoàn cảnh khó khăn và các bé nam mồ côi.

Tất cả các phòng đều được trang bị đầy đủ các vật dụng phục vụ cho sinh hoạt bao gồm gối, chăn, tủ đồ cá nhân, điều hoà nhiệt độ, ti vi và có khu vệ sinh riêng biệt. Khu nhà bếp được bố trí ở giữa phù hợp cho việc sinh hoạt chung của cả 3 tầng.

am long ngoi nha yeu thuong chan chu a ti nh nguo i tai ha i pho ng

Phòng ngủ đầy đủ tiện nghi.

am long ngoi nha yeu thuong chan chu a ti nh nguo i tai ha i pho ng

Bếp ăn sinh hoạt chung của các cụ già, em nhỏ.

Chị Thảo cũng cho biết thêm, từ khi ngôi nhà được hoàn thiện, cô cùng các bạn tình nguyện viên, các nhà hảo tâm phải lặn lội đi tìm các hoàn cảnh khó khăn. Trong quá trình tìm kiếm, ban quản lý ngôi nhà lập tức đi xác minh hoàn cảnh của các cụ rồi mới chính thức đưa các cụ về chăm sóc. “Ngay sau khi tìm và đưa các cụ về đây, ban quản lý đã liên hệ với các nhà hảo tâm, bệnh viện để tổ chức thăm khám sức khỏe cho các cụ.Mọi chi phí khám xét đều hoàn toàn được miễn phí. Có cụ đưa về vẫn khỏe mạnh, nhưng có cụ thì đau ốm liên miên. Để đảm bảo sức khỏe cho các cụ, ban quản lý ngôi nhà lại tiếp tục đưa các cụ đến bệnh viện điều trị”, chị Thảo cho biết.

"Vớ đâu là nhà, ngã đâu cũng là giường"

Cùng chia sẻ ngọt bùi, chung nhau những bữa cơm nhưng mỗi con người ở đây đều có những hoàn cảnh và nỗi niềm riêng. Các cụ đều là những người già neo đơn, nghèo và không nơi nương tựa. Nhưng qua rồi những quá khứ chẳng ai còn muốn nhắc lại, ở ngôi nhà yêu thương, các cụ được chăm sóc, quan tâm một cách tận tình. Hơn thế nữa, giữa các cụ và các tình nguyện viên dường như không có ranh giới, ở họ chỉ có yêu thương dành cho tất cả mọi người.

“Được ở đây là bác yên tâm rồi, giờ nắng không đến mặt, mưa chẳng đến đầu, lại có người bầu bạn, tâm sự mỗi ngày nên bác rất vui. Cuộc sống bây giờ đối với bác như từ chỗ bùn lầy được tái sinh nơi thiên đàng vậy”, cụ Nguyễn Duy Định (80 tuổi, sống lang thang trên phố Nguyễn Công Hòa, Q.Lê Chân) vui cười nói.

am long ngoi nha yeu thuong chan chu a ti nh nguo i tai ha i pho ng

Các cụ già trong bữa cơm ấm áp tình người.

Suốt 40 năm qua, ông Nguyễn Văn Hội, 78 tuổi (quê Hải Dương) phải sống cuộc đời lang bạt nay đây mai đó. Vì không lập gia đình nên ông đã không thể có cho mình một mái ấm. Cuộc sống không người thân khiến ông nhiều lần muốn gục ngã.

Nhiều lúc tôi cũng tủi thân lắm, nhìn thấy người ta có nhà mà về còn mình thì "vớ đâu là nhà, ngã đâu là giường", ốm đau cũng không ai hay. Cũng lắm khi ao ước giá mà đời mình cũng có chốn dung thân thì đỡ khổ hơn nhiều", ông Hội ngậm ngùi chia sẻ.

Ban ngày, ông Hội đạp xích lô và sửa xe kiếm sống. Chiều đến ông lại đi làm bảo vệ cho một cửa hàng điện thoại. Đêm về, ông thường trải chiếu ở một góc ngã tư Ngô Quyền để ngủ. Nhiều đêm mùa hè mưa giông bất chợt, hôm nào khỏe thì ông đạp chiếc xích lô đến trú tại một mái hiên nào đó.

Hôm nào mệt ông Hội đành khoác lên người chiếc áo mưa mỏng và trùm ngang xe một chiếc áo mưa khác mặc cho mưa táp vào người. Khi những người của "Ngôi nhà yêu thương" tìm thấy ông và động viên ông vào đó ở, ông đã đồng ý. Tuy nhiên, dù đã có nhà để ở, có cơm để ăn nhưng ông Hội vẫn không rời bỏ công việc thường ngày của mình.

Ông bảo: "Được vào đây sống tôi toại nguyện lắm rồi. Nhưng cũng không vì thế mà ngồi chơi xơi nước. Mình còn sức thì còn phải làm".

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình

Chia sẻ về việc xây dựng ngôi nhà, doanh nhân Đặng Thị Minh Thảo tâm sự: ”Chị có may mắn được tham gia nhiều chuyến thiện nguyện, mỗi chuyến đi là một lần chị phải chứng kiến nhiều mảnh đời bất hạnh không gia đình, không nơi nương tựa”.

Trở về sau những chuyến thiện nguyện, xót xa trước những hoàn cảnh không may mắn đó, chị nuôi hy vọng có thể xây một ngôi nhà tình thương để chia sẻ phần nào khó khăn cho những cảnh đời bất hạnh. “Phải làm sao có một mái nhà chung cho những người vô gia cư, người già neo đơn, trẻ em mồ côi ở để họ đỡ cảnh màn trời chiếu đất, đỡ co ro buốt giá mỗi đêm đông giá lạnh”, chị Thảo trải lòng.

am long ngoi nha yeu thuong chan chu a ti nh nguo i tai ha i pho ng

Tình nguyện viên chăm sóc cho các cụ.

Vậy là Ngôi nhà yêu thương – mái nhà chung cho những người vô gia cư, trẻ em mồ côi, những hoàn cảnh kém may, bất hạnh đã được đặt nền móng và xây lên từ cái tâm nhỏ bé trong một con người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu, giàu lòng trắc ẩn ấy.

Hơn 3 năm theo đuổi giấc mơ, đã nhiều lần tường chừng từ bỏ vì sự khó khăn khi chưa tìm được mảnh đất ưng ý để xây dựng ngôi nhà. Nhưng được sự động viên chia sẻ, tiếp thêm động lực từ bạn bè, người thân trong gia đình, những người cùng chị trên con đường thiện nguyện. Ước mơ đó đã trở thành hiện thực. Ngôi nhà yêu thương sẽ luôn mở rộng cánh cửa chào đón những cụ già, trẻ em mồ côi, sinh viên nghèo.

Tại Ngôi nhà yêu thương, trẻ mồ côi, các em sẽ được nuôi ăn học cho đến khi tự lập. Các cụ già thì ở lại đến lúc mất, ban quản lý ngôi nhà sẽ đứng ra lo hậu sự cho các cụ. Mọi chi phí sẽ do ban quản lý ngôi nhà chi trả và kêu gọi thêm sự ủng hộ từ phía các nhà hảo tâm”, chị Thảo cho biết.

am long ngoi nha yeu thuong chan chu a ti nh nguo i tai ha i pho ng

Thời gian nghỉ ngơi của các cụ tại ngôi nhà.

Hiện tại, các cụ trong Ngôi nhà yêu thương được chăm sóc bởi anh/chị em trong ban quản lý ngôi nhà và gần 20 bạn tình nguyện viên luôn sẵn sàng đến giúp đỡ. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng việc chăm sóc và san sẻ khó khăn là điều mà các thành viên trong ngôi nhà yêu thương đã làm được đối với những mảnh đời còn thiếu may mắn. Giờ đây, cuộc sống của những mảnh đời bất hạnh sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn bởi họ được sống trong một tập thể luôn tràn đầy tình yêu thương.

Không phải ai cũng có được may mắn là có một mái ấm để trở về sau một ngày làm việc vất vả. Ngoài kia, còn biết bao nhiêu người vẫn phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, không người thân, không nơi nương tựa. Ngôi nhà yêu thương không thể cưu mang hết những mảnh đời cơ cực ấy nhưng nó chính là ngọn lửa nhân ái, kết nối tình yêu thương giữa con người với con người. Và cũng là minh chứng để thấy cuộc đời này vẫn còn nhiều điều đẹp đẽ.

T. Dương - T. Đức

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/am-long-ngoi-nha-yeu-thuong-chan-chu-a-ti-nh-nguo-i-tai-ha-i-pho-ng-67743.html

In bài viết