Nỗi lo hơn 170 điểm sạt lở ở Cần Thơ mùa mưa lũ

06:07 | 01/07/2018

TĐO-Từ năm 2010 đến 2017, tại Cần Thơ đã xuất hiện 159 điểm sạt lở, với chiều dài sạt lở trên 6km, làm 66 căn nhà bị hư hại hoàn toàn. Năm 2018, có 15 điểm sạt lở bờ sông mới.

Quá nhiều điểm sạt lở

Nỗi lo hơn 170 điểm sạt lở khi mùa mưa lũ đến, làm đau đầu lãnh đạo thành phố.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cần Thơ có 15 điểm sạt lở bờ sông mới từ đầu năm 2018 đến nay. Hậu quả làm sạt hoàn toàn 10 căn nhà và 43 căn nhà bị ảnh hưởng. Tổng chiều dài do sạt lở gây ra là 368 mét, ước tổng thiệt hại trên 31 tỉ đồng.

noi lo hon 170 diem sat lo o can tho mua mua lu

Trên sông Hậu.

Trong đó, các địa phương như: Ô Môn, Bình Thủy, Cái Răng, Thốt Nốt bị ảnh hưởng lớn. Đáng chú ý là tại quận Ô Môn, đến nay xảy ra nhiều vụ sạt lở làm người dân mất nhà cửa và tài sản.

Tính từ năm 2010 đến 2017, có 159 điểm sạt lở. Diễn biến sạt lở bờ sông, kênh rạch trên địa bàn thành phố ngày một nghiêm trọng, phức tạp, gia tăng cả về cường độ và số lượng.

Thực tế, toàn tuyến kênh Cái Sắn đi qua huyện Vĩnh Thạnh có chiều dài khoảng 25km, qua rà soát, cả 2 bờ đều xuất hiện nhiều điểm bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở với tổng chiều dài gần 1,3km, có đoạn bị sạt lở 5- 7mét, có đoạn hàng chục mét.

Tại quận Ô Môn, sạt lở đang diễn ra tiếp tục tại một số khu vực và có dấu hiệu ăn sâu vào trong bờ.

Hàng trăm điểm nguy cơ

Hiện tại, Cần Thơ còn có trên 100 vị trí có nguy cơ sạt lở cao với tổng chiều dài khoảng 52 km. Các điểm nóng sạt lở gồm: Sông Cần Thơ, sông Ô Môn, sông Bình Thủy và Trà Nóc, sông Thốt Nốt; các cồn trên sông Hậu như: Cồn Sơn, cồn Khương (quận Bình Thủy), cồn Tân Lộc (quận Thốt Nốt), cồn Ấu (quận Cái Răng)…

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cần Thơ nói trên VOV: Diễn biến sạt lở bờ sông, kênh rạch trên địa bàn thành phố ngày một nghiêm trọng, phức tạp, gia tăng cả về cường độ và số lượng.

“Nhiều năm qua, Cần Thơ đã triển khai thực hiện đề án “Quy hoạch phòng chống sạt lở các sông rạch trên địa bàn”, với các giải pháp chủ yếu như: Củng cố hiện trạng, áp dụng các giải pháp phòng ngừa, phòng tránh, nhằm hạn chế tối thiểu mức độ thiệt hại do sạt lở gây ra; đầu tư xây dựng công trình kè chống sạt lở, di dời dân cư sống ven sông vào vùng đất ổn định. Tuy nhiên, những bất lợi và diễn biến bất thường của tự nhiên đã và đang tạo ra nhiều khó khăn trong công tác phòng chống sạt lở”.

noi lo hon 170 diem sat lo o can tho mua mua lu

Nhà nổi ven sông, trên đường ra chợ nổi Cái Răng.

Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn nhấn mạnh: “Từ nay trở đi phải chấm dứt việc cấp phép cho dân xây dựng nhà trên sông. UBND các xã, phường, thị trấn phải chịu trách nhiệm chính, nếu để xảy ra ở đâu thì Chủ tịch UBND cấp đó phải chịu. Tôi giao cho lãnh đạo UBND quận, huyện phải quản lý hiệu quả vấn đề này”.

noi lo hon 170 diem sat lo o can tho mua mua lu

Nỗi lo mùa mưa lũ.

Thực tế, dân cư ở Cần Thơ sống tập trung ven theo các con sông, rạch nên việc sạt lở bờ sông, rạch đã và đang đe dọa đến tính mạng, tài sản người dân.

Chính vì lo cho tính mạng, tài sản của người dân, năm nào, chính quyền Cần Thơ cũng phải dành một khoản ngân sách cho việc này. Vận động bà con không làm nhà nổi trên sống, không sống ven kênh rạch, nơi đã có cảnh báo của chính quyền.

Trên thực tế, nhiều người dân vẫn coi thường tính mạng của mình, gia đình, vẫn bám trụ ở ven cồn, ven bờ sông mà biết, làm như thế là đưa tính mạng mình, gia đình vào nguy hiểm. Có gia đình, chính quyền vận động đến 5-7 lần vẫn cứ ở ven sông, không di chuyển đi nơi khác sinh sống ổn định.

N.Hòa

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/noi-lo-hon-170-diem-sat-lo-o-can-tho-mua-mua-lu-67553.html

In bài viết