Quy hoạch cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch có tránh được loạn mức phí?

17:00 | 22/06/2018

TĐO-Bộ Giao thông vận tải vừa có quyết định về việc bổ sung quy hoạch đào tạo lái xe cơ giới đường bộ và trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ đến ngày 31/12/2018. Quyết định bổ sung quy hoạch này có tránh được loạn mức phí và sự thiếu biết, thậm chí là “văn hóa lùn” của người dạy lái xe không? Đó là điều dư luận quan tâm.

Theo quyết định bổ sung quy hoạch thì toàn quốc có tổng số 386 cơ sở đào tạo, trong đó mở mới 43 cơ sở, còn lại 343 cơ sở nâng cấp để tăng năng lực, lưu lượng đào tạo.

Điều chỉnh được loạn phí?

Thực tế những con số khô khan trên chẳng thể nói lên điều gì và cũng không thể giải quyết được tình trạng loạn thu phí học đào tạo lái xe. Đã loạn thu học phí, giáo viên hướng dẫn lái thì hình như “chưa được đào tạo kỹ năng cơ bản nhất” của nghiệp vụ sư phạm.

quy hoach co so dao tao trung tam sat hach co tranh duoc loan muc phi

Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Ảnh internet.

Người viết bài này nói không hề ngoa chút nào, bởi cách đây vài năm, rộ lên tình trạng người người, nhà nhà học lái xe. Thế là các trung tâm đào tạo lái xe ô tô “mọc như nấm sau cơn mưa”. Muốn đi học lái xe phải nhờ vả rất vất vả mới được nộp tiền, mới được “thầy” sắp xếp cho đi phụ đạo ở ngoài đường.

Vâng, “thầy” biết lái rồi thì rất dễ, ngồi ghế bên cạnh, có cái phanh phụ, có thể xử lý tình huống được ngay. Bên ghế lái là học trò, dưới thùng xe là 3-4 học viên nữa. “Thầy” không cần biết học viên làm việc ở đâu, trình độ ra sao, cứ vừa phụ đạo vừa chửi: “Đi ngu thế à? Đánh lái ra. Cái tay gì mà cứng thế? Vào số thế hỏng hết xe của bố mày à….” Tóm lại là cực kỳ bất lịch sự còn nói đúng thì nó là vô văn hóa.

Nhiều người đã phải yêu cầu người quen của mình đổi người hướng dẫn khác với lý do, “thầy” hướng dẫn đó “vô văn hóa”.

Thực tế, trào lưu người người đi học lái xe đã đem đến cho nhiều người biết lái xe, làm “thầy” dạy lái khoản thu nhập khá, thậm chí là lớn so với mặt bằng thu nhập chung.

Các cơ sở dạy lái, trung tâm sát hạch hoạt động nhộn nhịp, cạnh tranh nhau khốc liệt. Có nhiều học viên đỗ thì nhiều hồ sơ thi, ít học viên đỗ thì hồ sơ dự thi giảm dần.

Khi đó, còn có cả “bạn gái” của những ông trưởng phòng có chức năng ký duyệt liên quan đến sát hạch lái xe ở sở giao thông, tỉnh, thành phố cho em trai đứng tên mở trung tâm sát hạch để thu bội tiền, vì có sự “chống lưng” của “bạn trai”.

Tóm lại, thời kỳ đó của hoạt động sát hạch có thể gọi là “trăm hoa đua nở” nhưng cũng nhiều kẻ mất nhà, sạt nghiệp vì đầu tư nhưng không thể thu lại vốn.

Thế mới có chuyện, một trường đào tạo lái xe ở khu vực Tây Nguyên, tuyển thầy giáo không có chứng chỉ sư phạm, mới học hết cấp 3, có bằng lái xe… Và, trường đó đã hội tụ đầy đủ những cái sự “loạn” của đào tạo và sát hạch bằng lái xe.

Theo quy định của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, giáo viên hành nghề đào tạo, sát hạch cấp giấp phép lái xe phải có bằng trung cấp trở lên.

Tuy vậy, theo một số ý kiến, quy định này hoàn toàn không giúp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Bởi nếu là bằng trung cấp công nghệ thông tin, trung cấp kế toán, trung cấp nấu ăn… thì không liên quan gì đến nghề dạy lái.

Anh Nguyễn Văn Sơn, có 15 năm làm nghề sát hạch lái xe tự do nói rằng: “Có thời điểm, thầy dạy lái được rất nhiều thứ, nhất là học viên của mình là con, em, cháu ruột của cán bộ có chức vụ”.

“Cái lợi vô hình đó người dạy lái xe “sở hữu” được lâu, thu được nhiều lợi hay không là do cách xử trí của anh ta”, anh Sơn khẳng định.

Quy hoạch cơ sở đào tạo các vùng

Cụ thể từng vùng như sau: Vùng Đồng bằng sông Hồng quy hoạch có 107 cơ sở, trong đó mới mở 13 cơ sở: Tại Hà Nội 7 cơ sở, Quảng Ninh 2 cơ sở, Hải Dương 1 cơ sở, Hải Phòng 1 cơ sở, Vĩnh Phúc 1 cơ sở, Hà Nam 1 cơ sở; còn lại 94 cơ sở nâng cấp để tăng năng lực, lưu lượng đào tạo.

quy hoach co so dao tao trung tam sat hach co tranh duoc loan muc phi

Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Ảnh internet.

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc quy hoạch có 50 cơ sở, trong đó mở mới 4 cơ sở gồm 2 cơ sở tại Lạng Sơn, 1 cơ sở tại Điện Biên, 2 cơ sở tại Bắc Giang; còn lại 46 cơ sở nâng cấp để tăng năng lực, lưu lượng đào tạo.

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung quy hoạch có 68 cơ sở, trong đó mở mới 8 cơ sở: Thanh Hóa 1 cơ sở, Hà Tĩnh 1 cơ sở, Quảng Nam 3 cơ sở, Quảng Trị 1 cơ sở, Bình Định 1 cơ sở, Khánh Hòa 1 cơ sở; còn lại 60 cơ sở nâng cấp để tăng năng lực, lưu lượng đào tạo.

Vùng Tây Nguyên quy hoạch có 27 cơ sở, trong đó mở mới 3 cơ sở tạ Gia Lai; nâng cấp 24 cơ sở nâng cấp để tăng năng lực, lưu lượng đào tạo.

Vùng Đông Nam Bộ quy hoạch có 95 cơ sở, trong đó mở mới 7 cơ sở: TP.Hồ Chí Minh 3 cơ sở, Tây Ninh 1 cơ sở, Bình Dương 2 cơ sở, Bà Rịa – Vũng Tàu 1 cơ sở; còn lại 88 cơ sở nâng cấp để tăng năng lực, lưu lượng đào tạo.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long quy hoạch có 39 cơ sở, trong đó mở mới 8 cơ sở: Tại An Giang 1 cơ sở, Đồng Tháp 1 cơ sở, Long An 2 cơ sở, Tiền Giang 2 cơ sở, Hậu Giang 1 cơ sở; còn lại 31 cơ sở nâng cấp để tăng năng lực, lưu lượng đào tạo.

Quy hoạch toàn quốc 155 trung tâm sát hạch lái xe

Theo Quyết định, quy hoạch toàn quốc có tổng số 155 trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ, trong đó mở mới 36 trung tâm.

Cụ thể từng vùng như sau: Vùng Đồng bằng sông Hồng quy hoạch 47 trung tâm, trong đó mở mới 8 trung tâm: Hà Nội 2 trung tâm, Hải Phòng 1 trung tâm, Quảng Ninh 1 trung tâm, Vĩnh Phúc 1 trung tâm, Hải Dương 2 trung tâm, Hà Nam 1 trung tâm; còn lại 39 trung tâm nâng cấp để tăng quy mô, năng lực sát hạch.

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc quy hoạch có 24 trung tâm, trong đó mở mới 7 trung tâm: Bắc Kạn 1, Yên Bái 2, Phú Thọ 1, Lạng Sơn 1, Bắc Giang; Lai Châu 1; còn lại 17 trung tâm nâng cấp để tăng quy mô, năng lực sát hạch.

Vùng Tây Nguyên quy hoạch có 9 trung tâm, trong đó mở mới 1 trung tâm tại Đắk Nông; còn lại 8 trung tâm nâng cấp để tăng quy mô, năng lực sát hạch.

Vùng Đông Nam Bộ quy hoạch có 27 trung tâm, trong đó mở mới 7 trung tâm: TP. Hồ Chí Minh 2, Bình Dương 3, Bà Rịa – Vũng Tàu 1, Đồng Nai 1; còn lại 20 trung tâm nâng cấp để tăng quy mô, năng lực sát hạch.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long quy hoạch có 17 trung tâm, trong đó mở mới 5 trung tâm: Long An 1, Tiền Giang 1, Cần Thơ 1, Trà Vinh 1, Bạc Liêu 1; còn lại 12 trung tâm nâng cấp để tăng quy mô, năng lực sát hạch.

N.Huệ

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/quy-hoach-co-so-dao-tao-trung-tam-sat-hach-co-tranh-duoc-loan-muc-phi-67465.html

In bài viết