Sạt lở nghiêm trọng do mưa lớn, hàng nghìn hộ dân cần di dời khẩn cấp

09:02 | 12/06/2018

TĐO - Tình trạng mưa lớn trên diện rộng khiến nhiều tỉnh như Cà Mau, Lai Châu, An Giang, Đồng Tháp... xảy ra sạt lở nghiêm trọng. Hàng nghìn hộ dân cần sớm được di dời khẩn cấp. Nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn vẫn liều mạng trú ngụ tại những căn nhà xiêu vẹo.

Cà Mau: Hơn 1.000 hộ dân cần sớm được di dời

Hiện trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 27 vị trí sạt lở bờ sông, với tổng chiều dài gần 38 km. Trong khu vực có hơn 1.000 hộ dân cần sớm được di dời.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy Lợi Cà Mau cho biết, do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cùng với sự chênh lệch biên độ thủy triều lớn nên tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau diễn biến ngày càng phức tạp. Ngành chức năng tỉnh đang tích vực vận động bà con tại các điểm sạt lở di dời để đảm bảo tính mạng, tài sản. Tuy nhiên, địa phương đang gặp khó khăn trong việc xây dựng các khu tái định cư để di dời người dân.

sat lo nghiem trong do mua lon hang nghin ho dan can di doi khan cap

Tỉnh Cà Mau có 27 vị trí sạt lở bờ sông, với tổng chiều dài gần 38 km. Ảnh: VOV.

Về giải pháp trước mắt, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết: “Thông thường nước kiệt vào ban đêm, nhà cửa bị sụp trôi xuống sông rất nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân. Để khắc phục sạt lở phải tăng cường tuyên truyền người dân không được lấn chiếm hành lang bảo lưu ven sông. Cương quyết không cho người dân cất mới nhà cửa ven sông”.

Liên quan vấn đề này, mới đây, tỉnh Cà Mau đã có công văn đề nghị Chính phủ hỗ trợ vốn xây dựng khu tái định cư để di dời 190 hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở đoạn Chợ Tân Tiến (xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi). Đồng thời, bố trí vốn từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để tỉnh thực hiện dự án đầu tư xây dựng bờ kè chống sạt lở khu dân cư thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn.

Mưa lớn gây sạt lở nhiều ở An Giang

Tính đến trưa 10/6, toàn xã Kiến Thành, huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) có tổng cộng 8 điểm sạt lở trên 3 tuyến sông, kênh có tổng chiều dài 1.220m, làm ảnh hưởng trực tiếp đến 20 hộ và đe dọa đến hàng chục hộ khác.

Theo nhận định ban đầu của lãnh đạo xã Kiến Thành, nguyên nhân chủ yếu là do mưa bão kéo dài. Trong khi đó, tuyến sông Ông Chưởng có nhiều khúc cua, dòng chảy mạnh làm hiện tượng xâm thực mạnh, dẫn đến sạt lở. Riêng với 2 tuyến kênh, do cơ đê cao nên khi xuất hiện mưa nhiều và kéo dài dễ bị sạt lở.

sat lo nghiem trong do mua lon hang nghin ho dan can di doi khan cap

Hiện trường vụ sạt lở bờ kênh đã ăn vào hơn nữa mặt đường nhựa tạo thành hố sâu nguy hiểm. Ảnh: Tuổi trẻ.

Theo ông Ngô Hoàng Hiếu, Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, hiện toàn huyện có 6 điểm sạt lở, ảnh hưởng đến khoảng 1.000 hộ dân, vì vậy địa phương rất cần có sự đầu tư để sớm xây dựng tuyến dân cư tạo chỗ ở ổn định để người dân an cư lạc nghiệp.

Theo báo cáo mới nhất Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn An Giang, trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh này xảy ra 29 điểm sụt lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch với tổng chiều dài sạt lở 1,323m và ảnh hưởng đến 37 căn nhà, thiệt hại khoảng hơn 3 tỷ đồng.

Chính quyền đã huy động 100 cán bộ, chiến sĩ đến giúp dân di dời nhà cửa đến nơi an toàn.

Trước đó, ngày 3/6, tại khu vực tổ 3, ấp Tân Hậu A1, xã Tân An. TX Tân Châu xảy ra vụ sạt lở làm sụp hoàn toàn hơn phân nữa mặt đường nhựa liên xã, thuộc bờ kênh xáng Tân An xuống kênh và tạo thành hố sâu thẳng đứng cao 2,5m và dài trên 20m.

Cũng theo ông Võ Hùng Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường An Giang, số vụ sạt lở so cùng kỳ đã tăng nhiều hơn.

Người dân Đồng Tháp liều mạng sống trong những căn nhà xiêu vẹo khu sạt lở

Theo UBND xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, khu vực sạt lở có chiều dài hơn 200m đã xảy ra nhiều vụ sạt lở từ năm 2017. Người dân nơi đây nhất quyết không chịu di dời, nhiều người vẫn quay lại những căn chòi tạm bợ để ở vì hoàn cảnh khó khăn. Địa phương nơi này vẫn đang cố gắng tuyên truyền, động viên họ chuyển đến nơi ở tạm đã được bố trí.

Bà Lê Thị Phương, hiện đang trú tại những căn nhà tạm bợ bên sông Tiền cho hay: “Ở đây bám trụ để làm nương dưới sông, chúng tôi không đủ điều kiện để di dời, cất một căn nhà mới ở vùng khác. Cuộc sống nơi đây quá khó khăn, mọi người thường không có việc làm nên phải neo nhờ vào nghề cá”.

Cảnh báo lũ quét vùng nui Lai Châu

Những ngày qua trên địa bàn tỉnh Lai Châu xuất hiện mưa vừa đến mưa to trên diện rộng, nhiều nơi có lượng mưa đo được từ 57mm đến trên 70mm như: Than Uyên, Tam Đường, Mường Tè, Phong Thổ và thành phố Lai Châu. Mưa lớn khiến mực nước tại nhiều sông, suối trên địa bàn dâng cao, nhiều tuyến đường, khu dân cư có nguy cơ sạt lở và lũ quét, nhất là hơn 100 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ lũ quét cao đã được thống kê.

sat lo nghiem trong do mua lon hang nghin ho dan can di doi khan cap

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, tỉnh Lai Châu đã có công điện gửi Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố. Công điện yêu cầu các địa phương chủ động trong công tác tuyên truyền, vận động người dân di chuyển ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở, không ngủ tại lán nương hay qua sông, suối khi trên địa bàn có mưa to. Các địa phương cũng chủ động các phương án đối phó với mưa lũ theo phương châm "4 tại chỗ" để giảm thiểu thiệt hại.

Ông Vũ Văn Luật, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu cho biết: “Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Lai Châu đã có công điện chỉ đạo các huyện và các ngành cảnh báo cho những địa phương, điểm dân cư những năm trước đã xảy ra thiệt hại nhiều về người và tài sản. Đó là các khu vực ngầm, tràn, các tuyến đường thường xuyên bị ngập, cũng như một số điểm dân cư có nguy cơ xảy ra sạt lở như là ở huyện Than Uyên, huyện Phong Thổ, huyện Mường Tè. Đối với các công trình mà đang thi công như kè, đập, cầu, cống phải có biện pháp ứng phó kịp thời để mà giảm thiểu thiệt hại”.

N.H (t/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/sat-lo-nghiem-trong-do-mua-lon-hang-nghin-ho-dan-can-di-doi-khan-cap-67384.html

In bài viết