Tìm mỏi mắt trong từ điển Tiếng Việt không thấy nghĩa của “thu giá BOT”

05:49 | 23/05/2018

TĐO-Quốc hội đang “nóng” với băn khoăn của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trước nội dung Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm thời gian thu phí 120 năm so với phương án tài chính ban đầu và giảm giá đầu tư 1.467 tỷ đồng ở 40 dự án. Còn người dân thì đang “nóng” với “trạm thu giá BOT” và “trạm thu phí BOT” của Bộ Giao thông vận tải.

Người bạn của tôi, đi ô tô từ Nam ra Bắc, gặp tôi, cười khà, bảo rằng, phát hiện ra cái mới trên đường. Tôi tò mò, hỏi thì được anh cho biết: "Buồn cười lắm cô à, tôi đi học ở Tây, Tàu đủ cả, thế mà về nước làm việc, cứ thấy người ta chơi chữ với nhau. Trên dọc đường tôi đi, nhiều nơi ghi là “trạm thu phí BOT”. Thế nhưng, có địa phương lại đặt “trạm thu giá BOT”. Tôi có dừng xe hỏi mấy cô nhân viên thu phí, thế nào là thu giá thì họ không trả lời được. Không trả lời được nhưng vẫn làm việc. Hài hước là ở chỗ đó.”

tim moi mat trong tu dien tieng viet khong thay nghia cua thu gia bot


Tôi cũng thấy lạ và tra từ điển Tiếng Việt trên máy tính, về nhà mang quyển từ điển Tiếng Việt giấy, dày cộm ra tìm, chẳng thấy giải nghĩa từ “thu giá” là gì mà chỉ có nghĩa của từ “thu” và từ “giá”. Nghĩa của 2 từ này ghép vào nhau buồn cười đến “đau cả ổ bụng”.

Cụ thể, nghĩa của từ “thu” loại từ danh từ được hiểu là mùa chuyển tiếp từ hạ sang đông, thời tiết dịu mát dần, dùng để tính thời gian đã trôi qua. Loại từ động từ thì hiểu là nhận lấy, nhận về từ nhiều nguồn, nhiều ... Nghĩa của từ “giá” loại từ danh từ: Biểu hiện giá trị bằng tiền; loại từ tính từ: Giá buốt; loại từ động từ: Giơ cao để đánh…

tim moi mat trong tu dien tieng viet khong thay nghia cua thu gia bot


Vậy, một từ không có nghĩa như thế, sao Bộ GTVT lại dùng nhỉ? VOV đăng lý giải của ông Đỗ Văn Quốc, Vụ trưởng Vụ Tài chính, Bộ GTVT như sau: Việc chuyển đổi tên gọi từ phí sang giá là theo quy định của Luật Phí và lệ phí được Quốc hội ban hành ngày 25/11/2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.

Trong đó, kể từ ngày 1/1/2017, phí đường bộ sẽ được chuyển sang dịch vụ sử dụng đường bộ, khung giá và giá tối đa sẽ do Bộ GTVT và UBND các tỉnh quy định.

Cụ thể, Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền ban hành mức giá trần (tối đa) đối với dịch vụ sử dụng đường bộ trên quốc lộ do Bộ GTVT quản lý, UBND cấp tỉnh quy định giá đối với đường địa phương.

Trước khi Luật Phí và lệ phí ban hành và có hiệu lực, các dự án BOT giao thông được quản lý dưới hình thức là phí, Bộ Tài chính là cơ quan có thẩm quyền ban hành mức phí và chế độ quản lý sử dụng.

“Về bản chất, khi chuyển từ “thu phí BOT” sang “thu giá BOT”, Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giá khi có các yếu tố về giá biến động, còn điều chỉnh phí là thẩm quyền của Bộ Tài chính”, lãnh đạo Vụ Tài chính, Bộ GTVT cho biết.

tim moi mat trong tu dien tieng viet khong thay nghia cua thu gia bot


Theo tìm hiểu của PV, trước đó, để trạm “thu phí BOT” thì do Bộ Tài chính quản lý. Giờ chuyển thành “thu giá BOT”, thẩm quyền quyết định được giao về cho Bộ GTVT. Khi đó, quyền quyết định thu giá BOT được chuyển về Bộ GTVT.

Về Bộ nào quản lý thì cũng là đầu mối giúp việc Chính phủ, thực hiện sự phân công của Chính phủ. Thế nhưng, ngay cả cơ quan cấp Bộ mà cũng dùng từ không có nghĩa thì quả thật, cần xem xét lại. Chúng ta cần phải chuẩn về ngôn từ trong văn bản.

Thời Đại sẽ trở lại vấn đề này sau khi trao đổi với chuyên gia giao thông, ngôn ngữ và tài chính.

N.Hòa

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/tim-moi-mat-trong-tu-dien-tieng-viet-khong-thay-nghia-cua-thu-gia-bot-67266.html

In bài viết