Năm 2050 chấm dứt lao động trẻ em vì có chế tài mạnh?

14:21 | 22/03/2018

TĐO - Nếu chấm dứt hoàn toàn lao động trẻ em vào năm 2025 cần tập trung nhiều hơn nữa đối với lao động trẻ em nông nghiệp, nông thôn cũng như tiếp cận các công nghệ, nâng cấp hạ tầng, kỹ năng nghề…. tất cả những hoạt động có liên quan đến trẻ em. Đặc biệt, cần thiết phải phân nhóm độ tuổi thì mới có thể chấm dứt lao động trẻ em.

Con số biết nói

Số liệu lao động trẻ em được công bố tại Hội thảo tư vấn xây dựng pháp luật về lao động trẻ em do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) tổ chức ngày 21/3 là 1,75 triệu. Hội thảo lần này sẽ thảo luận những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung pháp luật về trẻ em và hỗ trợ chuẩn bị cho điều tra quốc gia về lao động trẻ em năm 2018. 1,75 triệu lao động trẻ em đã tự nói lên nhiều điều đối với người lớn chúng ta.

Theo ước tính của ILO, trên thế giới hiện có khoảng 152 triệu trẻ em độ tuổi từ 5 - 17 tuổi là lao động trẻ em. Lao động trẻ em vẫn tập trung chủ yếu trong ngành nông nghiệp (chiếm 70,9%). Gần 1/5 lao động trẻ em làm việc trong ngành dịch vụ (chiếm 17,1%), trong khi 11,9% lao động trẻ em làm việc trong ngành công nghiệp.

Tại Việt Nam, kết quả Điều tra quốc gia về lao động trẻ em cho thấy, hiện có 1,75 triệu lao động trẻ em. Tỷ lệ lao động trẻ em tại Việt Nam thấp hơn tỷ lệ trung bình của toàn thế giới và rất gần với tỷ lệ của khu vực. Lao động trẻ em tồn tại đặc biệt trong khu vực kinh tế phi chính thức, với khoảng 1,7 triệu trẻ em, trong số đó có đến 34% các em làm việc kéo dài trên 42 giờ/tuần.

nam 2050 cham dut lao dong tre em vi co che tai manh

Tình trạng lạm dụng sức lao động của trẻ em đang là vấn đề báo động. (Ảnh minh họa)

Theo ông Doãn Mậu Diệp,Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, trẻ em phải lao động sớm có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, tiềm năng phát triển và học hành, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội, nhất là chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.

Cần tiêu chí rõ ràng về lao động trẻ em

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong giải quyết vấn đề lao động trẻ em. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em. Việt Nam cũng ban hành hệ thống luật pháp và chính sách nhằm hiện thực hóa quyền của trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em.

Về khái niệm “lao động trẻ em”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh và đề nghị ILO và các đối tác tiếp tục nghiên cứu và làm rõ khái niệm này để công tác xây dựng luật pháp về lao động trẻ em được hoàn chỉnh, bảo đảm các quyền của trẻ. Bởi theo Thứ trưởng, Bộ luật Lao động điều chỉnh quy phạm trong nhóm được phép (khu vực chính thức) trong khi lao động trẻ em chủ yếu xảy ra tại khu vực không chính thức: Trong các hộ gia đình như bán báo, đánh giày… Khu vực quan hệ lao động có rất ít lao động trẻ em.

Theo ông Federico Blanco Allais (Bộ phận phụ trách các Nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc ILO), từ 2000-2016, xu hướng lao động trẻ em có giảm từ 245.500 xuống còn 151.620 trẻ em. Tuy nhiên, tốc độ giảm đang chậm lại đáng kể. Ở các khu vực trên thế giới thì có sự khác nhau về xu hướng giảm lao động trẻ em. Theo số lượng thống kê, chỉ có khu vực châu Phi cận Sahara là khu vực duy nhất có tình trạng lao động trẻ em tăng còn các khu vực khác lao động trẻ em có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, cần phải phân độ tuổi và những công việc nhà mà trẻ tham gia để xác định đó có phải là lao động trẻ em. Bởi làm việc nhà có thể kéo dài 12 h/ngày và những công việc này làm ảnh hưởng thể chất tinh thần trẻ em.

Đồng tình với quan điểm này, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cũng cho biết thêm, hiện nay, ranh giới xác định lao động trẻ em và trẻ em tham gia lao động rất khó nhưng cần quy định rõ trong quy phạm pháp luật, cần có những tiêu chí rõ ràng. Cần có những quy định phạm vi đặc thù sử dụng lao động chưa thành niên: Luật Lao động, Bảo hiểm xã hội, An toàn lao động xác định rõ thế nào là lao động trẻ em, cùng với đó trẻ em được tham gia một số nghề phù hợp.

nam 2050 cham dut lao dong tre em vi co che tai manh

Trẻ em phải lao động sớm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và cơ hội học tập. (Ảnh minh họa: Mai Đan)

Việc trẻ em tham gia làm việc nhà phù hợp với độ tuổi là điều nên khuyến khích để tăng cường kỹ năng sống cho các em. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, trẻ em tham gia làm việc nhà trong thời gian dài, thậm chí có cả công việc nguy hiểm, độc hại gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất, tinh thần, ảnh hưởng đến thời gian học tập, vui chơi của các em...

Xử lý nghiêm hành vi lạm dụng, bóc lột lao động trẻ em

Nếu chấm dứt hoàn toàn lao động trẻ em vào năm 2025 cần tập trung nhiều hơn nữa đối với lao động trẻ em nông nghiệp, nông thôn cũng như tiếp cận các công nghệ, nâng cấp hạ tầng, kỹ năng nghề…. tất cả những hoạt động có liên quan đến trẻ em. Đặc biệt, cần thiết phải phân nhóm độ tuổi thì mới có thể chấm dứt lao động trẻ em.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất quy định xử phạt vi phạm về lạm dụng, bóc lột lao động trẻ em. Theo dự thảo, sẽ phạt tiền từ 1 – 3 triệu đồng đối với hành vi của cha, mẹ, người giám hộ, người nuôi dưỡng trẻ em bắt trẻ em làm công việc gia đình quá sức, quá thời gian, ảnh hưởng đến việc học tập, vui chơi, giải trí, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ em.

Phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn; cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn; sử dụng trẻ em để mua, bán, vận chuyển hàng hóa, hàng giả, hàng trốn thuế, tiền tệ trái phép; cha, mẹ, người giám hộ, người nuôi dưỡng trẻ em bắt trẻ em làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật hoặc làm việc ở nơi có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển của trẻ em.

Thêm vào đó, người vi phạm sẽ chịu hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu hàng trốn thuế, hàng giả, tiền tệ trái phép do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên.

Đồng thời, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi bắt trẻ em làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật hoặc làm việc ở nơi có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển của trẻ em.

Ngoài ra, theo dự thảo, sẽ phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không cung cấp hoặc che giấu thông tin về trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực cho gia đình, cơ sở giáo dục, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền; ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực cho gia đình, cơ sở giáo dục, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.

Phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không cung cấp hoặc che giấu thông tin về trẻ em bị xâm hại cho gia đình, cơ sở giáo dục, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền; ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại cho gia đình, cơ sở giáo dục, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.

Linh Anh (t/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nam-2050-cham-dut-lao-dong-tre-em-vi-co-che-tai-manh-66993.html

In bài viết