Triển khai kết nối vận tải đường bộ giữa 6 nước tiểu vùng GMS từ tháng 6/2018

15:53 | 16/03/2018

TĐO – Chiều 15/3, tại Hội nghị Ủy ban Hỗn hợp lần thứ 6, Bộ trưởng Giao thông các nước tiểu vùng sông Mekong mở rộng gồm Lào, Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc, Myamar và Việt Nam đã thống nhất nhiều nội dung quan trọng nhằm hiện thực hóa Hiệp định tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới 6 nước (Hiệp định GMS-CBTA).

trie n khai ke t no i va n ta i duo ng bo giu a 6 nuo c tie u vu ng gms tu tha ng 62018

Các nước thành viên ký kết Bản ghi nhớ ấn định thời gian bắt đầu triển khai thực hiện kết nối vận tải xuyên biên giới trong Tiểu vùng từ tháng 6/2018. (Ảnh: Báo Giao thông)

Vận tải xuyên biên giới giúp giảm chi phí, rút ngắn thời gian vận chuyển

Tại hội nghị, đại diện nước chủ nhà, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Việt Nam Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, Hiệp định GMS-CBTA rất quan trọng trong thúc đẩy hợp tác các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng (Việt Nam, Campuchia, Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Myanmar) cả về vận tải và thương mại. Với việc tham gia Hiệp định, hạ tầng kết nối GTVT đã được cải thiện, cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các nước trong khu vực.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Giao thông Thái Lan Arkhom Termpittayapaisith cho rằng, việc thực hiện Hiệp định GMS-CBTA là yêu cầu cấp thiết đối với các nước GMS vì vậy cần thực hiện với sự nỗ lực cao nhất. Việc đạt được thỏa thuận vận tải xuyên biên giới sẽ giúp chi phí vận tải hợp lý hơn, thời gian ngắn hơn, từ đó thúc đẩy hoạt động thương mại.

“Đã đến lúc chúng ta không chỉ áp dụng Hiệp định cho những điểm xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu nằm trong thỏa thuận mà cần mở rộng tới các cửa khẩu khác trên các tuyến, hành lang”, Bộ trưởng Giao thông Thái Lan nói, đồng thời đề nghị các nước GMS cam kết cao nhất thực hiện các điều khoản Hiệp định.

Triển khai kết nối vận tải xuyên biên giới từ tháng 6/2018

trie n khai ke t no i va n ta i duo ng bo giu a 6 nuo c tie u vu ng gms tu tha ng 62018

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai giúp lưu thông hàng hóa sang Trung Quốc. (Ảnh: Đ.Loan)

Với quyết tâm rất lớn từ các nước thành viên, Hội nghị lần này đã thông qua được Tuyên bố chung và ký kết Bản ghi nhớ nhằm ấn định thời gian bắt đầu triển khai thực hiện kết nối vận tải xuyên biên giới trong Tiểu vùng từ tháng 6/2018. Riêng Myanmar xin hoãn việc thực hiện đến năm 2020.

Bản ghi nhớ cho phép triển khai có hiệu quả Giấy phép vận tải đường bộ GMS và Sổ theo dõi tạm nhập cho xe thương mại. Đồng thời khuyến khích tất cả các nước GMS tiếp tục nỗ lực để tạo thuận lợi cho vận tải và thương mại trong khu vực, bao gồm việc tăng cường thực hiện mô hình “Một cửa/Một lần dừng” tại các cửa khẩu theo Hiệp định.

Cụ thể, các nước thống nhất cho phép mỗi nước thành viên được phát hành tối đa 500 Giấy phép vận tải đường bộ khu vực GMS và Tờ khai tạm nhập tái xuất đối với phương tiện vận tải người và hàng hóa có đăng ký, sở hữu hoặc hoạt động tại quốc gia đó; quy định phương tiện có thể vận chuyển trên tất cả các tuyến đường và qua tất cả các cửa khẩu được nêu trong Nghị định thư 1 của Hiệp định mà không phải nộp các loại thuế nhập khẩu, không phải bảo lãnh hải quan...

Ông Hideaki Iwasaki, Giám đốc Ban Vận tải và thông tin khu vực châu Á - Thái Bình Dương Ngân hàng ADB cho rằng, Bản ghi nhớ được các nước đồng thuận ký kết lần này sẽ cho phép thực thi chương trình khai thác sớm vận tải kết nối trên mạng lưới hạ tầng và qua các điểm kết nối trong Tiểu vùng GMS. Ông Hideaki Iwasaki cũng cam kết ADB sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các nước GMS trong tiến trình triển khai thực hiện Bản ghi nhớ.

Đánh giá cao quyết tâm của các nước GMS trong việc kết nối đường bộ xuyên biên giới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: “Về phía Việt Nam, chúng tôi cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, từ hoàn thành thủ tục nội bộ như sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo thuận lợi cho vận tải liên vận quốc tế; tổ chức truyền thông cho người dân, doanh nghiệp hiểu được tiến trình và hiệu quả việc kết nối vận tải xuyên biên giới. Đặc biệt, sẽ nỗ lực thực hiện mô hình kiểm tra “Một cửa/Một lần dừng” tại các cửa khẩu được nhanh chóng, thuận lợi không chỉ đối với doanh nghiệp Việt Nam mà còn đối với các doanh nghiệp các nước vận chuyển hàng hóa, hành khách... qua Việt Nam”. Qua đó, Bộ trưởng cũng đồng thời đề nghị các trưởng đoàn các nước GMS tham mưu với Chính phủ những biện pháp để cụ thể hóa Hiệp định GMS-CBTA.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho biết, các phương tiện trong khu vực tiểu vùng sông Mekong sẽ đi lại thuận lợi trong 3-5 năm tới; khi Việt Nam hoàn thành cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn - Nam Ninh và Hạ Long - Móng Cái thì hàng hóa rất dễ dàng đến Trung Quốc. Hai nước Việt Nam và Lào đang thu xếp vốn để xây dựng cao tốc Hà Nội đến Vientiane. Việt Nam đang tìm vốn để xây dựng cao tốc và đường sắt nối từ TP HCM tới Phnompenh (Campuchia).

Minh Anh (t/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/trie-n-khai-ke-t-no-i-va-n-ta-i-duo-ng-bo-giu-a-6-nuo-c-tie-u-vu-ng-gms-tu-tha-ng-62018-66958.html

In bài viết