Các tỉnh Nam Bộ sẵn sàng ứng phó với bão lớn ở mức cao nhất

16:21 | 25/12/2017

Hiện các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang… đang dồn lực trong việc ứng phó với bão số 16 dự kiến sẽ đổ bộ vào khu vực từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau trong tối và đêm nay (25/12).

cac tinh nam bo san sang ung pho voi bao lon o muc cao nhat

Nhân viên Khoa Cấp cứu BV Bà Rịa làm việc với cường độ cao chuẩn bị phương án đối phó với cơn bão. (Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu)

Bão lớn, lại đổ bộ vào tối và đêm ở khu vực ít xảy ra bão nhiều năm nay là một trong những khó khăn cho công tác ứng phó. Chính vì vậy, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chính quyền các địa phương khu vực dự báo chịu ảnh hưởng bão vẫn đang dốc sức ứng phó.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Quyết liệt ứng phó

Tính đến chiều 24/12, các địa phương trong tỉnh đã rà soát toàn bộ khu vực xung yếu, các vùng có nguy cơ cao. Tất cả các đê biển, đê bao, hồ đập xung yếu đều có người trực canh 24/24h để xử lý kịp thời. Về phương án sơ tán dân, dự kiến, khi bão ảnh hưởng trực tiếp sẽ có khoảng 166.955 người phải sơ tán (trong đó 3 địa phương là Long Điền, Xuyên Mộc, TP. Vũng Tàu phải sơ tán hơn 100 ngàn người).

Tại Côn Đảo, đến 13 giờ ngày 24/12, huyện đã sơ tán 2.381 người (500 dân người, 201 khách du lịch, 1.680 ngư dân). Học sinh toàn huyện nghỉ học từ 25/12. Với 452 lồng bè nuôi trồng thủy sản có 2.185 người lao động, tất cả đều phải vào nơi trú ẩn an toàn, nếu không vào sẽ bị cưỡng chế sơ tán.

Chiều 24/12, Sở Y tế tỉnh chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc chậm nhất là 11 giờ ngày 25/12, phải hoàn thành việc tổ chức di dời bệnh nhân đang nằm điều trị tại các phòng bệnh ở tầng trên cùng xuống các tầng thấp hơn hoặc đến khu vực an toàn; tổ chức di dời các trang thiết bị, máy móc, thuốc, hóa chất đến khu vực an toàn. Sở Y tế đã thành lập 10 tổ phụ trách các địa bàn để trực tiếp phối hợp chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão, đồng thời điều động 2 bác sĩ của BV Lê Lợi và BV Bà Rịa ra Côn Đảo hỗ trợ Trung tâm Y tế quân dân y Côn Đảo…

Đến 11 giờ trưa 24/12, tất cả các khu du lịch, resort, bãi tắm dọc chiều dài 100 km đường bờ biển toàn tỉnh đã cơ bản hoàn tất công tác dọn dẹp cơ sở vật chất, phân công lực lượng ứng trực 24/24h.

Hoạt động liên quan đến dầu khí tại Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã được cơ quan chức năng liên quan chỉ đạo ứng phó bão.

Cà Mau: Lên kế hoạch di dời gần hơn 98.000 dân

Theo báo Cà Mau, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh đang khẩn trương phối hợp với các địa phương tiếp tục kêu gọi số phương tiện còn lại trên biển nhanh chóng vào bờ tránh bão; hỗ trợ những gia đình chính sách, gia đình neo đơn chằng chống nhà cửa và di dời dân ở các khu vực xung yếu vào nơi toàn. Tổ chức lực lượng phối hợp với công an tuần tra bảo vệ địa bàn.

cac tinh nam bo san sang ung pho voi bao lon o muc cao nhat

Bộ đội Biên phòng Rạch Gốc kêu gọi tàu thuyền và người dân thực hiện các biện pháp phòng tránh bão. (Ảnh: Báo Cà Mau)

UBND tỉnh Cà Mau đã tổ chức họp rà soát, triển khai các giải pháp khẩn cấp ứng phó với bão như hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà, đặc biệt tại các khu dân cư ven biển, trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ vật liệu để thực hiện. Kiên quyết yêu cầu tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn… Cho học sinh nghỉ học, các nhà máy xí nghiệp cho công nhân nghỉ làm việc từ ngày 25 đến hết ngày 26/12.

Trong đêm, các tàu từ 20 CV trở lên đã kiểm đếm được 3.465/3.465 trong tổng số tàu của tỉnh, với 22.049 người; đã kêu gọi, hướng dẫn đến nơi an toàn 3.002 tàu cá/18.721 người. Hiện còn 463 tàu/3.382 người trên biển đã liên lạc được, trong đó có 164 tàu/1.158 người hoạt động xa bờ, 125 tàu/916 người vào tránh trú bão tại Malaysia và Thái Lan…

Cà Mau cũng đã có kế hoạch di dời 98.535 người. Hiện các địa phương đang tiến hành di dời người già và trẻ em sống ở khu vực ven biển…

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo trong sáng 25/12 cần di dời người già, người bệnh, trẻ em đến nơi an toàn. Di dời hết dân ở cụm dân cư phía đông và khu vực Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân). Phải thực hiện quyết liệt, ai không di dời phải chịu cưỡng chế.

Khi di dời dân, lực lượng bộ đội, công an phải có kế hoạch bảo vệ an toàn. Lực lượng y tế sẵn sàng tham gia ứng cứu, cơ sở y tế chuẩn bị hóa chất đầy đủ, đảm bảo an vệ sinh toàn thực phẩm, phòng chống dịch. Sở Công Thương quản lý giá cả, lương thực, tránh tình trạng tăng giá do khan hiếm hàng…

Sóc Trăng: Lực lượng Bộ đội Biên phòng sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu

cac tinh nam bo san sang ung pho voi bao lon o muc cao nhat

Người dân thị xã Vĩnh Châu đã đến nơi sơ tán. (Ảnh: Báo Sóc Trăng)

Ngày 24/12, đại tá Trần Ngọc Diệp, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 9 và lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP Sóc Trăng đã đi kiểm tra tình hình ứng phó bão tại các huyện, thị xã ven biển tỉnh Sóc Trăng.

Nhằm sẵn sàng ứng cứu khi tình huống xấu xảy ra, Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng sẽ duy trì trực lực lượng, phương tiện khi có yêu cầu.

Trên địa bàn ven biển, việc di dời người dân cũng được chuẩn bị (TX. Vĩnh Châu dự kiến di dời trên 12.000 người; huyện Cù Lao Dung dự kiến di dời 5.535 người; huyện Trần Đề dự kiến di dời 3.063 dân; huyện Long Phú dự kiến di dời 2.551 dân...).

Các đồn biên phòng (Bãi Giá và Vĩnh Châu) sẽ bắn pháo hiệu để thông báo tin bão gần bờ và kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động đánh bắt trên biển về nơi trú ẩn.

Ở những địa bàn xung yếu, 2.000 người là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ được huy động để sẵn sàng thực hiện các biện pháp di dời nhân dân đến các khu vực an toàn.

Bạc Liêu: Ưu tiên di dời hộ nghèo, hộ cận nghèo

Chiều 24/12, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã đi kiểm tra tình hình thực tế ứng phó bão số 16, trong đó có địa bàn thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải), khu vực kè Nhà Mát…

Đến chiều 24/12, huyện Gành Hào đã triển khai phương án sơ tán dân sống ven kè Gành Hào vào TX. Giá Rai, ưu tiên người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh tật… Thành phố Bạc Liêu cũng đã triển khai phương án sơ tán dân vào trú bão ở các điểm an toàn…

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu đã họp khẩn và phân công cụ thể người phụ trách từng địa bàn các huyện, thị, thành phố.

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu yêu cầu các ban, ngành khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó. Trong đó, tập trung di dời các hộ nghèo, cận nghèo ở các địa phương đến nơi an toàn, vì đa phần nhà cửa của họ còn tạm bợ khó chống chọi được mưa to gió lớn. Số hộ cần di dời khoảng 15.000 với 57.000 khẩu và việc di dời hoàn thành trước 17 giờ ngày 25/12.

cac tinh nam bo san sang ung pho voi bao lon o muc cao nhat

Người dân thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải) chằng chống nhà chủ động ứng phó bão số 16.

Tại Hậu Giang, tỉnh đã thành lập các bộ phận chỉ đạo công tác ứng phó bão tại các huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp, Long Mỹ, Vị Thủy, thành phố Vị Thanh, thị xã Ngã Bảy để hỗ trợ các địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành giao thông, công an cho tạm dừng hoạt động các bến đò ngang từ trưa ngày 25/12 đến khi hết bão. Đối với việc di dời 15.000 hộ dân phải thực hiện hoàn thành trước 17 giờ ngày 25/12.

Tiền Giang: Sơ tán dân bước 1

Chiều tối 24/12, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng yêu cầu sáng 25/12, Bộ Chỉ huy Quân sự Tiền Giang đưa thêm quân xuống các huyện phía đông của tỉnh và làm văn bản đề nghị Quân khu 9 hỗ trợ việc di dân bước 1 đối với những người ngoài đê và vùng nguy hiểm (hiện 1.000 người trong vùng này đã tự đi sơ tán). Sở GTVT chuẩn bị phương tiện, để sáng 25/12 tiến hành di dân.

Đến 17 giờ ngày 25/12, tất cả khách du lịch phải về nơi trú an toàn. Các tàu du lịch, tàu nuôi cá trên sông Tiền cũng phải tìm những nơi an toàn để neo đậu.

Trước mắt, tỉnh cho học sinh nghỉ học ngày 25/12. Các ngành chức năng phải làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn các huyện giáp biển và yêu cầu cho công nhân nghỉ làm ngày 25/12.

BT

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/cac-tinh-nam-bo-san-sang-ung-pho-voi-bao-lon-o-muc-cao-nhat-66707.html

In bài viết