TP Hồ Chí Minh kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt – phát điện

15:24 | 27/11/2017

TĐO - Ngày 26/11, tại TP Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân (UBND) TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt – phát điện. Gần 500 đại biểu của thành phố, 18 tỉnh, thành khu vực phía Nam cùng hơn 40 nhà đầu tư trong nước, quốc tế đã tham dự hội nghị.

tp ho chi minh keu goi dau tu xu ly chat thai ran bang cong nghe dot phat dien

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong dự Hội nghị chuyên đề kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt - phát điện. (Ảnh: VOH Online)

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, ông Trần Vĩnh Tuyến, cho biết, bên cạnh sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, cộng với tốc độ đô thị hóa nhanh, TP Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, mà một trong số đó là vấn đề xử lý rác thải đô thị với khối lượng lớn, thành phần và tính chất đa dạng. Công tác quản lý chất thải rắn đô thị trong những năm qua không còn đơn thuần là quản lý chất thải rắn sinh hoạt mà còn bao gồm vấn đề quản lý chất thải rắn công nghiệp, nguy hại, xây dựng, y tế…

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Toàn Thắng, cho biết, mỗi ngày TP Hồ Chí Minh phát sinh 8.700 tấn rác sinh hoạt, chủ yếu phát sinh từ các nguồn như: khu vực dân cư, cơ quan, khách sạn, nhà hàng, cơ sở sản xuất, khu vực công cộng, trung tâm thương mại, chợ…. Số lượng rác này được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp (76%), tái chế nhựa - compost (14,7%) và chỉ có 9,3% là đốt không phát điện. Vì vậy, vấn đề bức bách hiện nay đối với TP Hồ Chí Minh là phải thay đổi công nghệ xử lý rác càng sớm, càng tốt.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cũng cho biết thêm, dự báo tốc độ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt của người dân TP Hồ Chí Minh tăng 5%/năm đến 2020 là hơn 10.000 tấn/ngày và đến 2025 là gần 13.000 tấn/ngày. Trong lúc đó, dân số tăng cơ học đã xấp xỉ 13 triệu người vào năm 2017... Chính sự gia tăng không ngừng về số lượng rác thải trên đã đặt TP Hồ Chí Minh tới ngưỡng quá tải rác, nếu không thay đổi công nghệ xử lý rác.

Ông Nguyễn Toàn Thắng đã công bố một loạt chính sách ưu đãi “khủng” của TP cho các nhà đầu tư đầu tư vào công nghệ đốt – phát điện từ rác như: hỗ trợ toàn bộ lãi vay, miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hoá nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án, giảm 11 năm tiền thuê đất hoặc giảm 70% tiền thuê đất phải nộp, ưu tiên hỗ trợ giá mua/bán điện được sản xuất từ rác…

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân, cho biết: “TP Hồ Chí Minh hiện đang bàn về xây dựng một TP thông minh. Vì vậy, TP phải chọn một giải pháp xử lý rác thật sự thông minh. Làm sao đến năm 2025, hơn 80% số lượng rác tại TP Hồ Chí Minh phải được xử lý bằng công nghệ đốt – phát điện, không chôn lấp nữa”.

“TP Hồ Chí Minh và các đô thị khác của Việt Nam, mặc dù thu nhập bình quân đầu người trên dưới 2.000 USD, nhưng hoàn toàn có thể sử dụng những công nghệ tốt nhất của thế giới để giải quyết các vấn đề của thành phố”- ông Nguyễn Thiện Nhân tin tưởng.

Ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh bày tỏ: “Chính quyền TP sẽ cam kết công khai mọi thủ tục, quy trình lựa chọn nhà đầu tư, đấu thầu dự án... Trong năm 2018, mọi bước thực hiện sẽ được triển khai”.

Tuệ Lâm (t/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/tp-ho-chi-minh-keu-goi-dau-tu-xu-ly-chat-thai-ran-bang-cong-nghe-dot-phat-dien-66608.html

In bài viết