Ứng phó khẩn cấp trước cơn bão số 12

09:31 | 02/11/2017

TĐO - Sáng nay (2/11), áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành cơn bão số 12, có tên quốc tế là Damrey, đến ngày 4/11 có thể di chuyển đến vùng biển các tỉnh Bình Định-Bình Thuận, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 14.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 7 giờ ngày 2/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,5 độ Vĩ Bắc; 117,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 380km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

ung pho khan cap truoc con bao so 12

Đường di chuyển của bão số 12

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 3/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,3 độ Vĩ Bắc; 113,2 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Bình Định-Ninh Thuận khoảng 420km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 14.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực giữa biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía bắc quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-10, giật cấp 13-14; biển động rất mạnh. Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên) trong khoảng 10-14 độ Vĩ Bắc; phía Đông 111,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng15km và tiếp tục mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 4/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,0 độ Vĩ Bắc; 109,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Bình Định-Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 14.

Dự báo trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km.

Do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh, từ đêm nay (2/11), ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh.

Triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp với bão số 12

Từ đêm qua, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển từ Bến Tre đến Cà Mau và Kiên Giang. Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên có mưa rất to.

ung pho khan cap truoc con bao so 12

Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện ngày 1/11/2017 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan ứng phó khẩn cấp với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ.

Theo công điện, áp thấp nhiệt đới gây ảnh hưởng với các hình thế thời tiết nguy hiểm trong thời gian chuẩn bị diễn ra sự kiện quốc tế quan trọng Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Để chủ động ứng phó và hạn chế thiệt hại do thiên tai, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tổ chức dự báo, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan có liên quan để kịp thời thông tin đến người dân và phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó với bão.

Các tỉnh ven biển từ Bến Tre đến Kiên Giang, nhất là các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang cần rút kinh nghiệm từ trận bão LINDA (xảy ra ngày 2/11/1997), huy động cả hệ thống chính trị ở địa phương tập trung chỉ đạo, quyết liệt triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả với áp thấp nhiệt đới, nhất là chủ động bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, phương tiện, tàu, thuyền và các hoạt động trên biển, trên sông, kênh rạch, đặc biệt lưu ý tránh tư tưởng chủ quan trong lãnh đạo, cũng như người dân.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các Bộ, ngành có liên quan trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, phối hợp với các địa phương chỉ đạo triển khai các biện pháp cụ thể để hạn chế thiệt hại.

Đối với các địa phương khu vực ảnh hưởng mưa lũ (từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên) và khu vực dự báo chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và mưa lũ trong những ngày tới (từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên) rút kinh nghiệm từ các trận lũ lịch sử năm 1999 và năm 2016, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ và áp thấp nhiệt đới, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ: đảm bảo an toàn tàu thuyền và các hoạt động trên biển; gia cố đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, công trình xây dựng dở dang; sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm; phòng chống ngập úng, bảo vệ tài sản; sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống, sự cố bất thường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thu hoạch lúa, hoa màu, chủ động triển khai các biện pháp giảm thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp; kiểm tra, có phương án vận hành an toàn các hồ chứa thuỷ lợi, hạ mực nước đón lũ...

Bộ Công Thương đảm an toàn đối với các hoạt động khai thác dầu khí trên biển, các cơ sở công nghiệp lớn; vận hành an toàn các hồ chứa thủy điện, khắc phục nhanh nhất sự cố, đảm bảo cấp điện, đặc biệt là nguồn điện phục vụ các hoạt động của Hội nghị cấp cao APEC.

Bộ Giao thông vận tải thông báo cho tàu thuyền hoạt động trên biển, tổ chức hướng dẫn di chuyển, neo đậu an toàn cho các tàu vận tải tránh đứt neo, va đập khi xảy ra thiên tai. Đồng thời triển khai các phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt, đường hàng không...

Bộ Xây dựng chỉ đạo, hướng dẫn bảo đảm an toàn về người và tài sản đối với các công trình xây dựng. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng tuyến biển phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương kiểm đếm tàu thuyền hoạt động trên biển, thông báo, hướng dẫn tàu thuyền về nơi tránh trú; triển khai ngay các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, cơ sở vật chất trên các đảo, nhà giàn...

Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an các địa phương đảm bảo an ninh trật tự tại vùng thiên tai, hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát phương tiện giao thông hoạt động trên đường khi xảy ra thiên tai

Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn rà soát phương án, chỉ đạo chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng hỗ trợ địa phương tổ chức sơ tán, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, không để bị động, bất ngờ.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, công bố vùng nguy hiểm, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương triển khai ứng phó cụ thể...

Minh Hà

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/ung-pho-khan-cap-truoc-con-bao-so-12-66538.html

In bài viết