Cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực được hỗ trợ 800 triệu đồng/năm

14:06 | 15/05/2017

TĐO - Bộ Tài chính đang đưa ra dự thảo quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020. Theo đó, ngân sách hỗ trợ xây dựng và thí điểm mô hình cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới sẽ được hỗ trợ tối đa 800 triệu đồng/cơ sở/năm để hoạt động.

Theo dự thảo, ngân sách hỗ trợ xây dựng và thí điểm mô hình cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới. Cụ thể chi hỗ trợ sửa chữa, mua sắm trang thiết bị cần thiết để cung cấp dịch vụ theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội: Mức chi theo Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tối đa 2.000 triệu đồng/cơ sở.

Chi hỗ trợ kinh phí hoạt động của mô hình trong thời gian thực hiện thí điểm cung cấp dịch vụ: tối đa 800.000 triệu đồng/cơ sở/năm để thực hiện các hoạt động tiếp nhận, hỗ trợ đối tượng khi lưu trú tại trung tâm; giám sát, thu thập dữ liệu đối tượng; tham vấn, tư vấn tâm lý cho đối tượng và các hoạt động cần thiết khác.

co so tro giup nan nhan bao luc duoc ho tro 800 trieu dongnam

Nhà tạm lánh là nơi nhiều người cần được trợ giúp. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó hỗ trợ xây dựng và vận hành mô hình địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh tại cộng đồng. Chi hỗ trợ mua sắm trang thiết bị cần thiết để cung cấp dịch vụ theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tối đa 40 triệu đồng/địa chỉ.

Đối với xây dựng thí điểm mô hình thành phố an toàn và trường học an toàn: Chi hỗ trợ mua sắm trang thiết bị cần thiết theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho “Phòng tư vấn” tại trường học được lựa chọn triển khai mô hình (loa, đài, máy tính, bàn, ghế, máy chiếu, tủ sách, sách và các thiết bị cần thiết khác) tối đa 50 triệu đồng/trường.

Chi hỗ trợ mua sắm trang thiết bị cần thiết (bàn, ghế, hệ thống cách âm, hệ thống điện thoại có gắn với hệ thống máy tính có lưu thông tin, đếm cuộc, phân loại, kết nối trực tiếp giữa đối tượng với các bộ phận tư vấn, hỗ trợ khẩn cấp; giữa đường dây nóng với địa chỉ tin cậy – nhà tạm lánh tại cộng đồng và cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới): tối đa 300 triệu đồng/đường dây nóng.

Đối với chi hỗ phụ nữ phát triển sản xuất và kinh doanh: Chi hỗ trợ sửa chữa, mua sắm trang thiết bị một lần cho trung tâm công tác xã hội hoặc trung tâm giới thiệu việc làm công lập được lựa chọn để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp liên hệ, giao dịch kinh doanh, giới thiệu, bán sản phẩm qua mạng internet. Mức chi theo Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tối đa 100 triệu đồng/trung tâm.

Đồng thời ngân sách cũng chi hỗ trợ hoạt động của các mô hình, câu lạc bộ hỗ trợ phụ nữ trong thời gian thực hiện thí điểm: Chi hỗ trợ hoạt động của mô hình “Câu lạc bộ hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ bị ép kết hôn với người nước ngoài và giảm thiểu tình trạng bạo lực trên cơ sở giới tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”: tối đa 30 triệu đồng/câu lạc bộ/năm.

Chi thí điểm mô hình “Câu lạc bộ nữ công nhân nhà trọ” tại khu công nghiệp, khu chế xuất: Chi mua sắm, bổ sung trang thiết bị cho câu lạc bộ (loa đài, bàn ghế, tủ sách, sách và các khoản chi cần thiết khác) tối đa 30 triệu đồng/câu lạc bộ…

Tuấn Kiệt

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/co-so-tro-giup-nan-nhan-bao-luc-duoc-ho-tro-800-trieu-dongnam-65973.html

In bài viết