Đưa cột mốc Trường Sa đến với học sinh dân tộc miền núi

13:56 | 20/04/2017

TĐO - Giữa khuôn viên Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Tây Giang (H. Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) xuất hiện mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa. Công trình được xây dựng từ nguồn kinh phí đóng góp của chính quyền 10 xã, còn công cán thực hiện là do người dân, phụ huynh, đội ngũ cán bộ, giáo viên góp sức.

Thầy Nguyễn Thanh Triều - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, bản sao mô hình cột mốc chủ quyền Việt Nam trên đảo Trường Sa Lớn trong khuôn viên nhà trường cao 3,5m. Công trình được xây dựng từ nguồn kinh phí đóng góp của chính quyền 10 xã, còn công cán thực hiện là do người dân, phụ huynh, đội ngũ cán bộ, giáo viên góp sức.

“Mục đích của chúng tôi là giúp các em ghi nhận rõ chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa của VN. Sau khi dựng cột mốc, nhà trường giao cho giáo viên chuyên môn tuyên truyền thêm cho các em kiến thức lịch sử, địa lý biển đảo VN”, thầy Triều khẳng định.

dua cot moc truong sa den voi hoc sinh dan toc mien nui

Thầy và trò nhà trường bên cột mốc đảo Trường Sa. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Mô hình cột mốc Trường Sa không chỉ tượng trưng cho lòng tự hào dân tộc, tình yêu biển đảo của học sinh, giáo viên nhà trường, mà còn thể hiện tâm nguyện của lãnh đạo chính quyền và các đoàn thể địa phương trong việc đẩy mạnh công tác giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng cho con em địa phương.

Theo thầy A Lăng Điếu - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Tây Giang, mô hình giáo dục biển đảo đã thực sự mang lại động lực cho giáo viên thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy. Từ việc tổ chức bài giảng tích hợp, lồng ghép kiến thức giáo dục biển đảo trong chương trình các môn học, đến xây dựng thành các chuyên đề, chủ đề riêng về giáo dục biển đảo để giảng dạy cho học sinh. Chính điều đó làm cho những giờ học về biển đảo càng trở nên sinh động, hấp dẫn và lôi cuốn. Các em học sinh hứng thú khi được học bài theo phương pháp trực quan sinh động, lấy mô hình giáo dục biển đảo làm công cụ giáo dục.

"Hiện nay, ngoài tượng công trình Gươl, mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa sẽ là biểu tượng thứ 2 của nhà trường để giáo dục cho các thế hệ học sinh hôm nay và mai sau về lòng yêu nước, giữ gìn truyền thống quý báu của dân tộc, ý chí quyết tâm giữ nước và sẵn sàng đấu tranh dưới nhiều hình thức để bảo vệ biển đảo. Qua đó thể hiện tấm lòng, sự sẻ chia với những nỗi cực nhọc và vô cùng hiểm nguy của các chiến sĩ Trường Sa, các ngư dân đang ngày đêm bám biển, giữ gìn biển đảo thân yêu", thầy Triều chia sẻ.

N. Thanh (t/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/dua-cot-moc-truong-sa-den-voi-hoc-sinh-dan-toc-mien-nui-65906.html

In bài viết