Ngăn ngừa nguy cơ tử vong và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ

15:47 | 21/11/2016

TĐO - Đó là yêu cầu của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon Ngày Thế giới tưởng niệm nạn nhân giao thông đường bộ (20/11). Mỗi ngày trên thế giới có hơn 3.400 người tử vong do tai nạn giao thông đường bộ.

Theo nghị quyết của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Ngày Thế giới tưởng niệm nạn nhân giao thông đường bộ là ngày Chủ Nhật thứ ba của tháng 11 hàng năm.

Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, phần lớn trong số những người tử vong do tai nạn giao thông đường bộ là những thanh niên chỉ vừa mới bắt đầu cuộc sống của người trưởng thành. Ông cho rằng thời điểm đẩy mạnh công tác ngăn ngừa nguy cơ tử vong và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ đã đến. Để làm được điều này cần nâng cao chất lượng và an toàn đường bộ cũng như ôtô, chống chạy quá tốc độ và lái xe trong tình trạng say rượu, đồng thời khuyến khích mọi người thắt dây an toàn, đội mũ bảo hiểm và sử dụng ghế dành cho trẻ em.

ngan ngua nguy co tu vong va bi thuong do tai nan giao thong duong bo

Tai nạn giao thông để lại nỗi đau cho nhiều gia đình. (Ảnh minh họa)

Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh đến công tác cứu chữa những người bị thương do tai nạn giao thông đường bộ. Ông Ban Ki-moon cho rằng có thể cứu sống và giảm nguy cơ tàn tật nếu kịp thời sơ cứu cũng như chữa trị tốt cả về mặt tâm lý lẫn y khoa. Theo ông, có đến 90% vụ tai nạn giao thông đường bộ có trường hợp tử vong xảy ra ở các nước có mức thu nhập trung bình và thấp. Liên hợp quốc dự báo nếu nâng cao chất lượng hệ thống cấp cứu ở những nước này tương tự như hệ thống của các nước phát triển thì mỗi năm có thể cứu sống gần 500.000 người.

Số liệu của Liên hợp quốc cho thấy mỗi năm, hơn 1,2 triệu người tử vong do tai nạn giao thông đường bộ, một nửa trong số đó là người đi bộ, người đi xe máy và xe đạp. Tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân tử vong chính đối với thanh niên ở độ tuổi từ 15-29. Mục tiêu phát triển bền vững do Liên hợp quốc đặt ra trong năm ngoái cũng bao gồm xem xét giảm 50% số ca tử vong do tai nạn giao thông đường bộ vào năm 2020.

Còn tại Việt Nam, tối 18/11, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2016.

Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định, hậu quả của tai nạn giao thông để lại rất khủng khiếp. Những di chứng thương đau của tai nạn giao thông là nỗi ám ảnh không thể xóa nhòa trong kí ức của mỗi người thân, bạn bè người bị nạn; những người trực tiếp chứng kiến tai nạn giao thông, chứng kiến ánh mắt tuyệt vọng của trẻ thơ khi phải chia lìa cha, mẹ hay hình ảnh những người bố, người mẹ tiễn đưa con mình về nơi chín suối.

Đến lúc mỗi người Việt Nam cần phải nhận thức nghiêm túc về tác hại khôn lường của tai họa này đến toàn bộ tiến trình vươn lên của dân tộc, đến sự phát triển lành mạnh của giống nòi; cần phải dũng cảm và chân thành nhìn thẳng vào sự thật là trong mỗi tai nạn giao thông, có cả lỗi, trách nhiệm của từng cá nhân, của cả cộng đồng và Nhà nước.

"Mỗi người cần sống có ý thức, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; chung tay chia sẻ những tổn thất, mất mát của các nạn nhân, gia đình nạn nhân tai nạn giao thông để những tai nạn thương tâm không bao giờ xảy ra, để mỗi ước mơ của em nhỏ không còn dang dở và để mỗi sớm mai, khi bước ra đường không còn phải lo sợ, phấp phỏng vì tai nạn giao thông", Phó Thủ tướng kêu gọi.

Theo thống kê, Việt Nam trung bình mỗi ngày tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của 24 người và làm khoảng 60 người lâm vào cảnh tàn phế suốt đời.

Tuấn Kiệt (t/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/ngan-ngua-nguy-co-tu-vong-va-bi-thuong-do-tai-nan-giao-thong-duong-bo-65336.html

In bài viết