Lao động VN bị nhà thầu TQ đánh hội đồng: Đại sứ tại Algeria lên tiếng

22:27 | 07/10/2015

Đại sứ Việt Nam tại Algeria Vũ Thế Hiệp cho biết tình hình lao động Việt Nam hiện nay tại Algeria tạm thời ổn định, không còn tái diễn xung đột. Các lao động Việt Nam còn lại đã trở lại làm việc bình thường.

lao dong vn bi nha thau tq danh hoi dong dai su tai algeria len tieng

Đại sứ Việt Nam tại Algeria Vũ Thế Hiệp

Trước vụ hai lao động Việt Nam tại Algeria là Đậu Hoàng Anh và Đào Ngọc Cường bị phía nhà thầu Trung Quốc hành hung dẫn đến chấn thương nặng, trao đổi với phóng viên TTXVN tại Algeria ngày 7/10, Đại sứ Vũ Thế Hiệp cho hay hai lao động Việt Nam trên sẽ được đưa về nước trong thời gian sớm nhất.

Số lao động còn lại, đại diện phía công ty cử tuyển lao động Việt Nam là Simco Sông Đà đang làm việc với phía sử dụng lao động là công ty TNHH Đông Nhất Giang Tô (Trung Quốc) tại Algeria cũng như lao động Việt Nam để giải quyết tranh chấp đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người lao động Việt Nam.

Theo Đại sứ Vũ Thế Hiệp, đại diện công ty Simco Sông Đà đã làm việc với đối tác Trung Quốc và các lao động Việt Nam, theo đó phía Trung Quốc cam kết không sử dụng vũ lực, đồng ý chuyển lao động Việt Nam sang làm việc tại các công trường khác. Tuy nhiên, do anh em lao động đang trong tình trạng tâm lý lo sợ bị đàn áp nên không chấp nhận.

Do vậy, Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria đã mời các đại diện của công ty Simco Sông Đà được cử sang Algeria để giải quyết vụ việc và phía đối tác Trung Quốc đến làm việc.

lao dong vn bi nha thau tq danh hoi dong dai su tai algeria len tieng

Ông Đậu Hoàng Anh, cán bộ Công ty Simco Sông Đà bị đánh bầm dập - Ảnh: TNO

Tại buổi làm việc này, các bên đã đưa ra một số giải pháp nhằm ổn định tâm lý, tạo điều kiện thuận lợi cho anh em lao động như: đề nghị phía công ty Trung Quốc cam kết bằng văn bản không được đe dọa hoặc dùng vũ lực, đối xử bình đẳng và công bằng, đảm bảo an ninh, an toàn tính mạng và quyền lợi hợp pháp của lao động Việt Nam; các bên đàm phán lại định mức phù hợp có thể chấp nhận được; chuẩn bị khả năng đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại một công trường khác; đưa hai lao động bị thương về nước trong thời gian sớm nhất.

Về công tác bảo hộ công dân, Đại sứ Vũ Thế Hiệp cho biết ngay khi nhận được thông tin ngày 16/9 từ phía công nhân Việt Nam thông báo bị nhà thầu Trung Quốc hành hung, Đại sứ quán Việt Nam đã trực tiếp vào cuộc, luôn theo dõi sát sao tình hình, cử cán bộ lãnh sự liên lạc 24/24 với lao động Việt Nam, đồng thời thông báo ngay cho các cơ quan liên quan trong nước như Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) và phía công ty cử tuyển lao động Việt Nam Simco Sông Đà để có biện pháp cùng với Đại sứ quán xử lý vụ việc.

Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria đã cử đoàn cán bộ đến động viên, thăm hỏi anh em và nắm tình hình, cũng như làm rõ nguyên nhân vụ việc nhằm đảm bảo tính mạng, an ninh, an toàn và quyền lợi hợp pháp của lao động Việt Nam theo đúng các nội dung của hợp đồng đã ký kết.

Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria đã gửi công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Algeria đề nghị can thiệp yêu cầu công ty TNHH Đông Nhất Giang Tô (Trung Quốc) chấm dứt ngay hành động bạo lực đối với lao động Việt Nam.

Đại sứ Vũ Thế Hiệp khẳng định việc đưa lao động Việt Nam ở Algeria làm việc cho nhà thầu của nước thứ ba trong đó có Trung Quốc và nhà thầu của Algeria là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đại sứ quán Việt Nam nhằm thực hiện chủ trương lớn của Nhà nước ta về đưa lao động Việt Nam ra làm việc ở nước ngoài.

Trên thực tế, về cơ bản điều kiện lao động, chế độ lương đối với công nhân ta hiện ở Algeria là tương đối tốt. Tuy nhiên, do phải làm việc cho nhà thầu thứ ba nên việc đảm bảo quyền lợi chính đáng cho công nhân Việt Nam, trong đó có vấn đề về an ninh và an toàn tính mạng khó tránh khỏi những hạn chế. Những khó khăn này, Đại sứ quán đã thông tin rất chi tiết cho các cơ quan quản lý có liên quan ở trong nước cũng như các công ty cử tuyển lao động để có biện pháp khắc phục.

Riêng đối với lao động Việt Nam đang làm việc tại Algeria, cũng như những lao động Việt Nam có ý định sang làm việc tại Algeria và các quốc gia Bắc Phi Hồi giáo nói chung, Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria có những khuyến nghị sau: Các lao động Việt Nam phải nắm vững văn hóa, phong tục tập quán của nước sở tại cụ thể là văn hóa Hồi giáo, cũng như những điều kiện an ninh (do tình hình khủng bố tại Algeria); các lao động khi ký hợp đồng lao động phải nắm rõ những nội dung của hợp đồng mà mình ký với công ty cử tuyển của Việt Nam, đặc biệt là yêu cầu phía công ty cử tuyển và phía sử dụng lao động phải đảm bảo an ninh và an toàn tính mạng cũng như những quyền lợi chính đáng (lương, điều kiện lao động, bảo hiểm y tế, giấy phép cư trú, giấy phép lao động) nhằm tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc như vừa qua.

Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria mong muốn các lao động Việt Nam thường xuyên liên lạc trực tiếp với Đại sứ quán phản ánh tình hình thực tế nhằm giúp Đại sứ quán có thông tin chuẩn xác để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ bảo hộ công dân.

Ngày 07/10/2015, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết thông tin liên quan đến một số lao động Việt Nam tại Algeria bị chủ sử dụng lao động bạo hành, đại diện Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho biết:

“Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc, Bộ Ngoại giao đã yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria cử đại diện đến làm việc với chủ sử dụng lao động, gặp gỡ công nhân Việt Nam nắm tình hình đồng thời, tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết.

Trong tháng 09/2015, Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria cũng đã nhiều lần cử cán bộ đến hiện trường để làm rõ các thông tin liên quan, thăm hỏi các lao động Việt Nam đang gặp khó khăn, cũng như phối hợp với đại diện công ty phái cử lao động là SIMCO Sông Đà làm việc cụ thể với đối tác sử dụng lao động yêu cầu phía đối tác giải quyết dứt điểm vụ việc, tôn trọng các cam kết giữa hai bên, đảm bảo đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam, đối xử nhân đạo với các lao động Việt Nam. Đại sứ quán đang tiếp tục theo dõi sát vụ việc, lên các phương án can thiệp phù hợp để đảm bảo đầy đủ các quyền và lợi ích chính đáng của lao động Việt Nam.

Nhân đây, chúng tôi yêu cầu các chủ sử dụng lao động tôn trọng và làm đúng theo những ký kết với các công ty phái cử lao động Việt Nam cũng như đối xử bình đẳng, nhân đạo, bảo đảm đầy đủ các điều kiện sinh sống, làm việc đối với các lao động Việt Nam”

lao dong vn bi nha thau tq danh hoi dong dai su tai algeria len tieng

Anh Đào Ngọc Cường với nhiều vết thương trên người - Ảnh: TNO

Trước đó, Thanh Niên cho biết, theo đơn kêu cứu gửi tới báo này ngày 6/10, cuối tháng 7/2015, 55 lao động (LĐ) VN được Công ty Simco Sông Đà đưa sang tỉnh Khenchela (Algeria) làm việc tại công trường xây dựng do Công ty TNHH xây dựng công trình Đông Nhất Giang Tô (Trung Quốc) làm chủ thầu.

Hợp đồng ký kết giữa LĐ và chủ sử dụng lương trả theo công nhật, mỗi ngày làm 8 giờ, với mức lương 550 USD/tháng. Nếu làm thêm 2 giờ/ngày, LĐ sẽ nhận được mức lương 650 USD/tháng.

Tuy nhiên, theo lời các LĐ, sau 1 tháng thử việc, chủ sử dụng áp định mức 21 m2/ngày đối với thợ trát và 14 m2/ngày đối với thợ ốp lát. Anh em công nhân không đồng ý vì phía chủ sử dụng Trung Quốc ép khoán trong khi hợp đồng không có mục làm khoán. Vì không thống nhất mức khoán nên ngày 15/9, các LĐ VN đã đình công chờ giải quyết.

Tối 16/9, khi các công nhân VN vừa ăn cơm xong, một nhóm 40 công nhân Trung Quốc đến bắt ông Đậu Hoàng Anh, cán bộ phụ trách LĐ của công ty. Chỉ ít phút sau, hơn 200 công nhân Trung Quốc tay cầm hung khí, gậy gộc lao vào tấn công, đánh LĐ VN tới tấp.

Kể lại sự việc qua điện thoại, anh Đào Ngọc Cường (quê Hà Nam) vẫn chưa hết sợ hãi: “Anh Hoàng Anh bị đánh, gục ngay tại chỗ. Còn chúng tôi, sợ hãi cố thủ trong phòng đóng kín cửa. Dưới sự chỉ đạo của một phó đốc công, những người Trung Quốc hung hãn lao vào đập nát các cửa kính, ném gạch đá tới tấp vào bên trong phòng trọ khiến một số LĐ bị thương. Cả đêm hôm đó, chúng tôi nơm nớp sống trong sợ hãi, vì họ dọa giết các LĐ VN nếu đi ra ngoài”.

Đến hôm sau, người của công ty đến bắt 7 LĐ xuống nhà ăn của Trung Quốc thẩm tra và dùng gậy gộc đánh, khiến anh Đào Ngọc Cường bị thương nặng. Phía công ty còn tuyên bố những ai không đi làm sẽ cắt cơm, cắt điện nước. Điều mà các LĐ lo lắng nhất là visa 3 tháng sắp hết hạn. Nếu không cấp visa mới, rất có thể các LĐ bị bắt vì cư trú bất hợp pháp. Trong khi, LĐ Trung Quốc tiếp tục đe dọa tấn công các LĐ VN vào đêm ngày 6/10 (giờ địa phương).

Công ty xuất khẩu lao động can thiệp chậm chạp

Sự việc xảy ra đã hơn nửa tháng, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Theo lời thân nhân các LĐ VN, khi đến gặp, công ty luôn từ chối và bao biện không có sự việc trên xảy ra. Điều đáng nói trong văn bản báo cáo Cục Quản lý lao động ngoài nước ngày 25/9, Công ty Simco cho rằng chủ sử dụng phái công nhân xuống là để bảo vệ ông Đậu Hoàng Anh. Việc LĐ bị đánh là không có, chỉ có 3 LĐ VN bị thương là do khi ẩu đả mảng kính văng vào. Quá bức xúc, người nhà các LĐ đã gửi đơn cầu cứu đến cơ quan chức năng để đưa LĐ về nước.

Tại buổi làm việc với PV Thanh Niên ngày 6/10, ông Đỗ Văn Hải, Phó giám đốc Trung tâm xuất khẩu lao động số 3 (Công ty Simco Sông Đà) lại đổ lỗi cho người LĐ tự thỏa thuận mức khoán với chủ sử dụng LĐ. Ông Hải thừa nhận trong số người bị đánh có cả đại diện của công ty. Sự việc xảy ra là do người đại diện công ty đã không làm tròn trách nhiệm giải thích rõ cho người LĐ về thỏa thuận khoán việc.
Ông Hải còn cho biết phía chủ sử dụng Trung Quốc đã thu sim điện thoại của 7 LĐ bị cách ly với mục đích cắt đứt liên hệ với các công nhân khác. “Hành động như vậy là sai nên chúng tôi đã yêu cầu chủ sử dụng cấp lại sim, nối mạng”, ông Hải nói.

Về hướng giải quyết vụ việc, ông Hải cho biết công ty đã cử thêm cán bộ sang Algeria, đồng thời cam kết trong thời gian xác minh vụ việc, sẽ không xảy ra đánh đập từ phía chủ sử dụng LĐ và không bỏ đói người LĐ. Nếu chủ sử dụng cắt cơm, đại diện công ty sẽ đảm bảo cung cấp đủ thức ăn cho LĐ để đảm bảo sức khỏe. Tuy nhiên, phản ánh tới PV Thanh Niên, anh Tô Văn Khương (người nhà của một LĐ) cho hay, đến tối qua (6.10), công nhân vẫn bị bỏ đói.

Trả lời Thanh Niên, ông Phạm Viết Hương, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho hay người LĐ không hề sai khi nghỉ làm vì không thỏa thuận được mức lương. “Lỗi của công ty là chưa quyết liệt xử lý vụ việc, dẫn đến gây bức xúc cho người LĐ”, ông Hương khẳng định.

Tối 6/10, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) đã có công văn gửi Đại sứ quán (ĐSQ) VN tại Algeria đề nghị phối hợp giải quyết vụ việc, xác minh làm rõ việc LĐ VN bị đánh đập. Để đảm bảo an toàn cho hơn 50 LĐ, tránh xảy ra tình trạng xô xát, Cục yêu cầu Công ty Simco Sông Đà phối hợp với ĐSQ có biện pháp chữa trị kịp thời cho những LĐ bị thương và đảm bảo điều kiện ăn uống đầy đủ cho các LĐ; đồng thời, yêu cầu lãnh đạo công ty phải sang làm việc với chủ sử dụng LĐ và người LĐ để thống nhất mức khoán phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho người LĐ theo hợp đồng đã ký kết. Theo ông Phạm Viết Hương, hiện có khoảng 2.400 LĐ VN đang làm việc tại Algeria.

Theo TTXVN - Thanh Niên

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/lao-dong-vn-bi-nha-thau-tq-danh-hoi-dong-dai-su-tai-algeria-len-tieng-63993.html

In bài viết