TĐO - Dự kiến sáng thứ 2, ngày 17/11, Thủ tướng Chính phủ và 4 bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội. Thời gian chất vấn kéo dài trong 3 ngày, mỗi bộ trưởng sẽ có trọn 1 buổi để trả lời chất vấn. Trong khi đó, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 vị trí sẽ được thực hiện trước tại Quốc hội trong tuần này nhằm giảm áp lực cho các bộ trưởng.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Ngọc Thắng.
Trước đó, danh sách 5 Bộ trưởng Đoàn thư ký kỳ họp gợi ý, xin ý kiến đại biểu vào đầu giờ sáng 10/11, có Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân nhưng ông không được chọn đăng đàn. Trong khi đó, 4 Bộ trưởng được chọn lần này đều đã từng đăng đàn trả lời chất vấn trong các kỳ họp trước. Cụ thể Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng tại Quốc hội khoá XIII này đã từng một lần đăng đàn tại kỳ họp thứ 2. Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền đã trực tiếp trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3. Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình thì vừa trả lời tại kỳ họp thứ 6.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, kỳ họp này Quốc hội triển khai thêm một sự đổi mới liên quan đến hoạt động chất vấn, thời lượng từ 2,5 ngày được thiết kế nhiều hơn, dành trọn 3 ngày cho hoạt động này.
Nửa ngày làm việc đầu tiên (buổi sáng thứ 2, ngày 17/11) sẽ được dành để Quốc hội nghe báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các Nghị quyết về chất vấn và trả lời của Quốc hội đối với các thành viên Chính ph. Sau khi nghe báo cáo này, Quốc hội có thời gian để thảo luận về nội dung báo cáo.
2,5 ngày còn lại, với 4 Bộ trưởng và Thủ tướng, mỗi vị sẽ có trọn 1 buổi để trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Các nhóm vấn đề cũng đã được dự kiến cho mỗi vị. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ trả lời về việc phát triển công nghiệp phụ trợ, phát triển công nghiệp chế tạo trong nước, các giải pháp quản lý thị trường, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng hàng giả, buôn lậu.
Sự tham gia của Việt Nam đối với hệ thống phân phối bán lẻ trong nước, giải pháp để khắc phục những tồn tại hạn chế trong lĩnh vực này cũng là nội dung dự kiến dành cho Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.
“Chia lửa”cho Bộ trưởng Hoàng sẽ có các vị bộ trưởng các bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
Đối với Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình, một nhóm vấn đề được đặt ra là việc thực hiện cải cách hành chính, giảm thủ tục hành chính gắng với nâng cao chất lượng công vụ.
Nhóm vấn đề khác là giải pháp thực hiện đề án tinh giản biên chế đội ngũ cán bộ, công chức, khắc phục tình trạng cấp phó quá nhiều ở các cơ quan trung ương, nâng cao năng suất lao động, cải cách chế độ tiền lương.
Kết quả tổng kết, đánh giá toàn diện đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, xử lý các biểu hiện tiêu cực trong công tác uy hoạch, tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức là nhóm vấn đề thứ 3 đặt ra đối với Bộ trưởng Nội vụ.
Nhóm vấn đề thực hiện lộ trình tăng lương thích hợp để đảm bảo cuộc sống của công chức, của người có thu nhập thấp; xem xét vấn đề lương hưu, nhất là đối với những người về hưu trước năm 1995 cũng nằm trong nhóm dành cho Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình.
Nếu được chọn đăng đàn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ được “chia lửa” từ một số vị đồng cấp ở Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng được dự kiến trả lời về tình trạng chung của hạ tầng giao thông; giải pháp đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, giải pháp sớm hoàn thành quốc lộ 1A; giải pháp hạn chế tai nạn giao thông trong tình hình hiện nay, đặc biệt là tai nạn giao thông đường bộ; trách nhiệm của Bộ và chính quyền địa phương trong công tác bảo đảm an toàn giao thông.
Nhóm vấn đề khác sẽ dành cho Bộ trưởng Thăng là về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an được chọn ở vị trí tham gia thêm trong phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Thăng.
Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền nhận một số nhóm vấn đề để chất vấn như quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; tình hình và công tác quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; thực trạng thất nghiệp hiện nay, đặc biệt là sinh viên mới ra trường; giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu, tăng mức trợ cấp xã hội để đảm bảo an ninh xã hội.
Bảo Ngọc (tổng hợp)